Doanh nghiệp vào cuộc, nghệ sỹ... mừng

ANTĐ - Các nghệ sỹ có thể được đầu tư tới 1 tỷ đồng để thực hiện một tác phẩm điêu khắc của riêng mình. Đó là một phần trong dự án “Art in the Forest” nhằm thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Doanh nghiệp vào cuộc, nghệ sỹ... mừng ảnh 1Điêu khắc ngoài trời đang rất cần những không gian như thế này

Ước mơ của những người làm nghệ thuật

Từ đầu tháng 10-2015, 15 nghệ sỹ hội họa, điêu khắc… đã tham gia  vào một sự kiện đáng chú ý, đó là trại sáng tác mang tên “Art in the Forest” (Nghệ thuật trong rừng) tại không gian Flamingo Đại Lải, Vĩnh Phúc. Điểm đặc biệt là các nghệ sỹ được hỗ trợ toàn bộ kinh phí để hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh trong 1 tháng, không giới hạn ý tưởng.

Đây là một phần trong dự án do Flamingo Đại Lải làm chủ đầu tư với 2 mục đích là tài trợ và sưu tập nghệ thuật, trong đó tập trung vào các nghệ sỹ hoạt động trong lĩnh vực hội họa, điêu khắc hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo của mình. 

Nhà điêu khắc Thái Nhật Minh, một trong những người tham gia trại sáng tác tiết lộ, một nghệ sỹ được hỗ trợ khoảng 300-400 triệu đồng, còn đối với những tác phẩm đúc cỡ lớn có thể là 1 tỷ đồng. Theo tiết lộ của anh Thái Nhật Minh, không chỉ được đầu tư về chất xám - ý tưởng để thực hiện, các nhà điêu khắc còn được hỗ trợ toàn bộ nguyên vật liệu, nhân công…, cùng với kinh phí phác thảo cũng như tác quyền. Chia sẻ về điều này, anh Thái Nhật Minh cho biết: “Chúng tôi được tạo rất nhiều điều kiện khi tham gia dự án này, trong đó điểm lớn nhất là hoàn toàn tự do sáng tác.

Doanh nghiệp vào cuộc, nghệ sỹ... mừng ảnh 2

Tác phẩm “Một mình” của Thái Nhật Minh được trưng bày trong trại sáng tác

Cái hay là ý đồ của nghệ sỹ có thuyết phục được nhà tổ chức để từ đó có đến được với công chúng hay không, chứ không thông qua một hội đồng nào”. Theo anh Thái Nhật Minh, quỹ “Art in the Forest” ra đời là điều rất đáng mừng vì doanh nghiệp đã vào cuộc hỗ trợ nghệ sỹ, đặc biệt là nghệ sỹ trẻ. Khó khăn mà những  nghệ sỹ trẻ thường gặp phải là có nhiều ý tưởng và dự định nhưng không có kinh phí, vật liệu hoặc không tìm được không gian trưng bày. Bởi vậy, đây như là một ước mơ cho các nghệ sỹ trẻ muốn khẳng định mình. 

Sẽ đầu tư dài hạn

Theo họa sỹ Vũ Hồng Nguyên - phụ trách dự án, “Art in the Forest” là một dự án đầu tư bài bản, được thực hiện trong 10 năm. Mỗi năm, dự án sẽ đầu tư cho 3 nghệ sỹ (hoặc nhiều hơn), có độ tuổi từ 35 trở xuống, với mức kinh phí từ 50 - 200 triệu đồng tùy thuộc vào ý tưởng, quy mô trưng bày của tác giả. Về tiêu chí lựa chọn, anh Hồng Nguyên khẳng định, nghệ sỹ được chọn là người đã thực hiện nhiều tác phẩm, có hoặc chưa có cơ hội giới thiệu trước công chúng, không chú trọng đến bằng cấp hay danh tiếng của họ.

Theo đó, quan điểm rõ ràng của nhà tổ chức là “không nhằm đầu tư để nghệ sỹ làm tác phẩm thu lợi nhuận, mà đầu tư cho nghệ sỹ giải quyết tất cả những gì một cuộc triển lãm cần”.

Cũng theo họa sỹ Vũ Hồng Nguyên những tác phẩm thu được sẽ trưng bày tại các không gian khác nhau hoặc được lưu giữ để thực hiện một bảo tàng tư nhân. Đây được xem là hình thức gây quỹ không mới, nhưng mở ra khá nhiều cơ hội cho nghệ sỹ. “Trước đây đã có những quỹ hỗ trợ nghệ thuật  như quỹ Ford, quỹ của Thụy Điển hoặc do các doanh nhân nước ngoài đứng ra tài trợ. Tuy nhiên, một vài dự án thường chỉ làm trong một thời gian ngắn hoặc giới hạn về kinh phí đầu tư, nên các nghệ sỹ thường không có nhiều đất để “bung” hết tài năng của mình - họa sỹ Vũ Hồng Nguyên cho biết. 

Trong bối cảnh điêu khắc, nhất là điêu khắc ngoài trời rất khó tìm được địa điểm lý tưởng để tổ chức thì có một không gian tự do sáng tác như “Art in the Forest” là một điều đáng mừng. Hàng năm, mặc dù có những trại sáng tác quy mô toàn quốc hay một số không gian sáng tác như công viên, bảo tàng… nhưng đa phần không gian chưa có sức hút và thiếu điểm nhấn.

Bởi vậy, việc nghệ sỹ được tự do sáng tác, đưa tác phẩm trưng bày, giới thiệu tới công chúng như là mong muốn chung của những người làm nghệ thuật. Đó là chưa kể, số tiền đầu tư vài trăm triệu đồng cho một tác phẩm như một ước mơ  với nhiều nghệ sỹ. 

Rõ ràng người hưởng lợi nhiều nhất là các nghệ sỹ. Tuy nhiên, để duy trì và thúc đẩy dự án hoạt động hiệu quả vẫn là một câu hỏi phụ thuộc vào nhà đầu tư.

Họa sỹ Vũ Hồng Nguyên cho biết: “Đầu tư cho nghệ thuật không thể tính đến lợi nhuận. Nhưng đầu tư cho nghệ thuật cũng là đầu tư cho văn hóa, nghệ sỹ có thêm động lực sáng tác, công chúng được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật chất lượng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chú trọng đầu tư nghệ sỹ có tâm huyết, có dấu ấn riêng và thực sự muốn phát triển con đường nghệ thuật chuyên nghiệp”.