Đình Chu hơn 200 năm tuổi sắp sập mà vẫn chưa được "cứu"

ANTD.VN - Với những nét đặc sắc về nghệ thuật kiến trúc, cùng những mảng chạm có một không hai, ngay từ khoảng những năm 74 của thế kỷ trước, đình Chu (thôn Trung Kiên - xã Đình Chu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) đã lọt vào “mắt xanh” của những nhà nghiên cứu thuộc Viện Bảo tồn di tích. 

Được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1996, song cho đến bây giờ, đình Chu đang xuống cấp trầm trọng. Một tấm bảng “nguy hiểm cấm lại gần” đã được dựng để cảnh báo du khách. Nhiều người lo lắng cho số phận đình Chu, khi đối mặt với thời tiết khắc nghiệt.

Đình Chu hơn 200 năm tuổi sắp sập mà vẫn chưa được "cứu" ảnh 1Đình Chu xuống cấp nghiêm trọng (ảnh Đình Làng Việt)

Giá trị kiến trúc nổi bật

Đình Đình Chu xưa vốn thuộc xã Chu Đề, huyện Lập Thạch, phủ Vĩnh Tường, là ngôi đình mang phong cách truyền thống đặc trưng với kết cấu kiến trúc, trang trí độc đáo. Đình được khởi dựng năm Gia Long thứ 2 (1803) và trùng tu năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), là một trong những ngôi đình bề thế, quý hiếm của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và vùng châu thổ Bắc bộ còn tồn tại cho đến ngày nay. Niên đại khởi dựng đình được ghi trực tiếp trên cấu kiện kiến trúc nên rất có giá trị cho việc nghiên cứu đình làng.

Theo hồ sơ và các bản vẽ hiện còn lưu giữ tại Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL), nét đặc sắc nhất của ngôi đình ngoài hệ thống kiến trúc gỗ khá đồ sộ thì  cấu kiện gỗ ở Đại bái và Ống muống chạm khắc các hình tượng linh thú trong bộ tứ linh (Long, Lân, Quy, Phượng) hay các biểu tượng tự nhiên như đao mác, vân xoắn. Nhiều hình rồng ở Đại bái vẫn bảo lưu một số đặc điểm của rồng cuối thế kỷ 18. Đình Chu là một trong số ít các di tích có niên đại đầu thế kỷ 19 còn bảo tồn nguyên vẹn về kiểu dáng kiến trúc cùng nhiều mảng chạm  khắc trang trí có ngày khởi dựng.

Trong quá trình tồn tại, ngôi đình đã nhiều lần được tu sửa. Đã từng có thời gian đình được trưng dụng làm kho chứa lương thực của hợp tác xã và sàn đình cũng bị dỡ bỏ. Năm 2002 đảo lại ngói Đại bái, năm 2012-2013 thay hoành, rui, xà, ngói ở Đại bái và Hậu cung. 

Báo động đỏ

Thời điểm hiện tại, ngôi đình đã ở mức độ xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng ở tất cả các hạng mục, và ngôi đình có thể đổ sập bất cứ lúc nào. 

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình cho biết, ông đã có chuyến khảo sát tại ngôi đình này và vô cùng đau xót bởi di sản đang xuống cấp rất nghiêm trọng như: mái thủng từng mảng lớn, cột, hoành, rui mè bị mục; trời mưa hay nắng trong đình giống như ngoài trời, nước mưa dột từ nóc dột xuống, thấm vào hệ thống kết cấu gỗ. 

Cũng chính vì sự xuống cấp của ngôi đình mà chính quyền địa phương phải căng biển, hạn chế dân làng vào thực hiện các nghi lễ tâm linh vì lo sợ đình có thể sập, nguy hiểm đến tính mạng.

Thời gian qua, cũng đã có khá nhiều phản ánh về sự xuống cấp của ngôi đình cũng như lời kêu cứu cho một công trình kiến trúc có giá trị. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, ngôi đình vẫn ở trong tình trạng hễ mưa là trong đình và ngoài sân nước chảy tràn như nhau. 

Trước thực trạng trên, phóng viên Báo An ninh Thủ đô cũng đã liên hệ với ông Ngô Duy Đông (Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Vĩnh Phúc) và được biết, Sở VH-TT&DL tỉnh đã có khảo sát về thực trạng của đình Chu cũng như nhận được sự quan tâm kiến nghị của nhiều nhà nghiên cứu cùng cơ quan báo chí. Trong năm qua, Sở đã có báo cáo vấn đề này với Hội đồng Nhân dân và được sự đồng ý đưa vào dự án đầu tư trung hạn thời gian 2016-2020.

UBND tỉnh cũng đã đồng ý chủ trương tu bổ và giao UBND huyện Lập Thạch làm chủ đầu tư, đồng thời xây dựng trình tự thủ tục để xin thỏa thuận của Bộ VH-TT&DL. Ông Ngô Duy Đông cho biết, ban đầu đề nghị mức dự toán là 10 tỷ đồng, tuy nhiên sau khi cân đối lại ngân sách toàn tỉnh, mức đầu tư được hạ xuống còn 9 tỷ. Ông Đông nhấn mạnh, đây là mức dự kiến chi, còn việc thực hiện tu bổ cần thêm nguồn xã hội hóa.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình cho biết thêm, với thời tiết khắc nghiệt khó đoán như hiện nay thì rất có thể ngôi đình bị đổ lúc nào không biết, di sản mất đi, thiệt hại khôn lường. Ông Nguyễn Đức Bình bày tỏ mong muốn, các cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Phúc cần có biện pháp trước mắt bảo vệ giúp kiến trúc đình Chu chống lại thiên tai bởi mất di sản là mất văn hóa, đồng thời ông cũng đề xuất: “Trước mắt cần khẩn trương cấp kinh phí tập trung cho dựng nhà bao che bằng vật liệu sắt, mái tôn đạt tiêu chuẩn để bảo vệ được toàn bộ di tích. Như vậy mới có thể giảm thiểu tác động của mưa bão (vì nếu khi tiến hành trùng tu đình Đình Chu, theo quy định, đơn vị thi công trước tiên vẫn phải làm nhà bao che cho di tích này).