Diễn viên Thanh Tú: Sẽ chuyển từ "gái điên" sang "gái đẹp"

ANTĐ - Từng tham gia đóng phim truyền hình song chỉ đến khi xuất hiện trong bộ phim điện ảnh về đề tài đồng tính “Cầu vồng không sắc”, tên tuổi của Thanh Tú mới thực sự “vụt sáng”. Vai diễn “chạm ngõ” điện ảnh này cũng mang về cho anh giải “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất Cánh Diều Vàng 2016”. Anh đã có cuộc trò chuyện cởi mở cùng phóng viên Báo ANTĐ về vai diễn đặc biệt này.  

Diễn viên Thanh Tú: Sẽ chuyển từ "gái điên" sang "gái đẹp" ảnh 1Thanh Tú ghi điểm nhờ diễn xuất thần trong “Cầu vồng không sắc” 

Khó nhất là đóng cảnh “khóa môi”

- PV: Lần đầu tiên tham gia điện ảnh mà vai diễn “chạm ngõ” này lại giúp anh được vinh danh “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất” tại Cánh Diều Vàng 2016. Anh có bất ngờ về điều đó không?

-  Diễn viên Thanh Tú: Có, tôi thật sự bất ngờ lắm. Cả khi nhận được lời mời ra Hà Nội tham dự lễ trao giải Cánh Diều Vàng vừa qua, tôi vẫn chỉ nghĩ đơn giản đó là cơ hội để mình giao lưu, gặp gỡ anh chị em nghệ sĩ tại một giải thưởng điện ảnh có uy tín. Vì thế mà thật sự không tưởng khi giải thưởng này lại gọi tên tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ tới hai từ “giải thưởng” trong cuộc đời diễn xuất của mình cả, chỉ biết có vai diễn là sẽ diễn hết mình thôi. Với tôi, đây quả thực là một may mắn!

- Vai Hoàng trong “Cầu vồng không sắc” là một vai diễn về người đồng tính. Khi nhận đóng vai này, anh có đắn đo nhiều không?

- Không, tôi chẳng bao giờ phân biệt đó là vai diễn đồng tính hay không, khùng điên thế nào, cực nhọc ra sao, chỉ đơn giản là cảm xúc yêu thương của con người dành cho con người. Khi đọc kịch bản bộ phim này, tôi chỉ biết rằng đó là một vai diễn hay và mình sẽ có cơ hội diễn cho “đã” nên nhận lời tham gia. 

- Vậy anh có phải mất công tìm hiểu nhiều về thế giới của người đồng tính trước khi hóa thân vào vai diễn nhạy cảm này?

- Thật ra trong giới nghệ thuật có rất nhiều người đồng tính và họ đa số đều là những người tài giỏi. Tôi cũng chẳng phải tìm hiểu quá nhiều vì tôi cũng từng tiếp xúc và chơi với một nhóm bạn như thế. Tuy nhiên, tôi đã có hơn 3 tháng để chuẩn bị cho vai diễn này và trong thời gian đó tôi đã đến nhiều bệnh viện tâm thần để quan sát cuộc sống của bệnh nhân đang điều trị tại đây. Sở dĩ vậy bởi trong phim, nhân vật mà tôi đóng cũng rơi vào tâm trạng vật vã hóa điên vì mối tình ngang trái của mình. Quan sát thực tế  cuộc sống, có lúc tôi cũng nản và định bỏ cuộc nhưng chính nhân vật này đã kéo tôi đi tiếp cuộc hành trình đến với bộ phim.

- Trong phim, giữa việc phải thể hiện tâm trạng vật vã của một người điên với việc phải diễn cảnh tình cảm với bạn diễn cùng giới, anh thấy điều nào khó hơn?

- Cảnh nhân vật Hoàng trở về nhà trong chiếc váy cô dâu sau nhiều năm lang thang mất tích và sống cuộc sống của một người điên, đó thực sự là một cảnh quay khó. Tuy nhiên sau một quá trình tham gia quay vai diễn này, tôi gần như sống trong cảm xúc của nhân vật nên khi đóng cảnh này, tôi diễn bằng cảm xúc thật, không quá khó. Khó nhất lại là cảnh “khóa môi” với bạn nam diễn cùng. Để quay được cảnh “khóa môi” này, chúng tôi đã phải mất tới nửa ngày. Có lẽ diễn bi kịch mới là sở trường của tôi, còn diễn cảnh ngọt ngào thì quá khó khăn (cười). 

Thú vị vì được khen... xinh gái!

- Sau vai diễn này, anh có gặp phải những lời dị nghị hay đồn đại về giới tính không?

- Có đấy, nhưng tôi không lấy làm buồn về điều này, mà ngược lại tôi thấy cũng thú vị. Vì sao ư? Vì tôi nghĩ có lẽ  phải đóng đạt thế nào đó mới khiến họ tin nhân vật với mình là một.

- Có vẻ như sau vai diễn “mở hàng” này, anh cũng “đắt sô” đóng phim điện ảnh?

- “Đắt sô” thì tôi không dám nhận nhưng sau đó thì tôi cũng nhận được một vài lời mời đóng phim nữa như vai diễn hài, giả gái trong bộ phim điện ảnh “Điệp vụ chân dài”. Có điều lần này là được giả gái đẹp chứ không phải gái điên nữa (cười). 

- Cứ “đóng đinh” vào những vai nhạy cảm về giới tính thế, anh có sợ bị “một màu” không?

- Tôi không lo về điều ấy. Bản thân tôi chỉ nghĩ khi nhận các dạng vai diễn kiểu như vậy, phải cố gắng làm sao để xây dựng được hình ảnh thiện cảm với người xem chứ không phải cảm giác phản cảm. Tôi không muốn động chạm đến ai, nhưng tôi thấy nhiều phim gây dựng hình ảnh người đồng tính hoặc giả gái rất bóng bẩy và thô kệch, thậm chí là châm biếm. Tôi lại mong muốn làm sao đã đóng vai diễn dạng này là phải đóng cho thật nhất và quan trọng nhất là không hàm ý chế giễu. 

- Đã ai khen anh… xinh gái chưa?

- Nhiều người nói lắm rồi và tôi thấy cực kỳ thú vị về điều này (cười). Có lẽ do tôi may mắn gặp được một bạn “make up” làm tốt nên lên hình cũng xinh gái thật.

- Xin cảm ơn những chia sẻ chân thành và thú vị của anh!