Họa sỹ Lê Thiết Cương

Đi tìm điều đẹp đẽ trong hành trình trở về quá khứ

ANTD.VN - Không ngoa ngôn khi khẳng định rằng, giới mỹ thuật đương đại, rất hiếm người không biết Lê Thiết Cương. Anh là chủ nhân của ngôi nhà số 39 phố Lý Quốc Sư - một không gian đủ lớn để dành chỗ cho mọi loại hình nghệ thuật mà chủ nhân của nó muốn. Riêng về hội họa: Tranh của Cương không phải ai cũng thấy và nếu có thấy thì chưa chắc đã cảm nhận được. Tranh của Cương bán chậm, nhưng phàm đã bán thì giá cũng… kinh hoàng. Vì thế, nó không phải là thứ nghệ thuật dành cho số đông.

Tôi không định viết về những bức tranh đã khiến anh thành danh như ngày hôm nay, bởi đã có quá nhiều người viết về anh như thế. Tôi cũng không có ý định viết về những góc cạnh của người nghệ sỹ: thẳng tính - kỹ tính - ngang tàng - kiêu ngạo và phũ miệng. Một vài người bạn thân thiết của anh nói với tôi rằng, tất thảy những thứ tôi vừa liệt kê phía trên đều là ưu điểm của anh và phàm đã là bạn thì Cương hết lòng với bạn, vì bạn. Vậy nên, tôi len lỏi viết về Cương ở địa hạt khác - đó là một cuộc rong chơi mà ở đó Cương thấy rất nhiều điều. Thấy để rồi tiếc nuối…

Những bức ảnh kể chuyện vui buồn

Cuốn sách của Lê Thiết Cương vừa được NXB Trẻ giới thiệu tới bạn đọc có cái tên tối giản hết mức “Thấy”. Đây là cuốn sách in riêng đầu tay của anh, sau rất nhiều dự án nghệ thuật kiểu “Liveshow Lê Thiết Cương và những người bạn”. Dày hơn 200 trang, cuốn sách tập hợp 47 bài viết về văn hóa, nghệ thuật của họa sỹ 5 năm trở lại đây kèm theo nhiều hình ảnh của các nhiếp ảnh gia nổi tiếng trong nước và quốc tế như Dương Minh Long, Hữu Bảo, Ngọc Thái, Eva Lindskog, Lawrence D’Attilio, John Ramsden …

Chọn góc tiếp cận vấn đề một cách mới mẻ và lạ lẫm, đấy là “bắt” những bức ảnh kể lại chuyện đời - chuyện người, chuyện quá khứ, hiện tại theo những góc nhìn riêng. Những câu chuyện mà có lẽ, chính tác giả của những bức ảnh, trong khoảnh khắc bấm máy chưa chắc đã nghĩ đến những dài rộng sau này. 

Năm 2013, triển lãm ảnh “Mảnh đất hóa tâm hồn” của cựu Đại sứ Vương quốc Anh John Ramsden được tổ chức tại Hà Nội, giới thiệu những bức hình được ông chụp trong khoảng thời gian từ 1980 đến 1983. Bức ảnh mà Lê Thiết Cương “thấy” ở triển lãm, đó là một chuyến xe. Chuyến xe đầy ắp khách, đủ các lứa tuổi, thành phần. Bức ảnh này bao chứa cả một xã hội thu nhỏ. Trên gương mặt họ vẫn hằn in vết tích khói lửa đạn bom và chết chóc.

“Tôi tự hỏi, khi ngắm kỹ bức ảnh, những con người bé nhỏ, gầy gò, tiều tụy này nếu không có lòng tin, nghị lực và cả sự mộng mơ nữa thì liệu họ có thể đi đến ngày chiến thắng được không? Chuyến xe chở những người chiến thắng tiếp tục kĩu kịt một hành trình mới trên con đường xây dựng lại đất nước”, Lê Thiết Cương tự vấn.

Tất cả những con người trên chuyến xe ngày hôm ấy đều có chung một ánh nhìn, một suy nghĩ và một tấm lòng. 30 năm sau. Đất nước đã đổi mới. Kinh tế phát triển. Nhưng những ánh nhìn của chúng ta ngày hôm nay đã khác. Năng động hơn. Toan tính hơn. Bon chen hơn. Những ánh nhìn xao động, nháo nhác và nhiều cơ tâm quá. Lê Thiết Cương thở dài than: “Tiếc!”. 

Lê Thiết Cương thấy trong bức ảnh của Trần Quốc Khanh cuộc đời của hai vợ chồng người lính già ở làng Chuông. 50 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cụ ông vẫn mặc bộ trang phục cũ mèm, huy chương lấp lánh bên ngực trái. Cụ bà vận chiếc áo dài còn nguyên nếp gấp thời gian. Có lẽ từ lâu lắm rồi, họ không ăn vận chỉnh tề thế này. Mặc đẹp để đi dự Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Hai vợ chồng người lính già gặp Trần Quốc Khanh trước cửa đình, nhờ chụp hộ một bức. Và thế là: “1/25 giây của Trần Quốc Khanh đã không chỉ kể được một câu chuyện dài mà còn kể câu chuyện lớn - bức ảnh như là mặt sau của chiến tranh, mặt sau của chiến thắng, mặt sau của tấm huy chương, mà người cựu binh già Điện Biên Phủ vẫn còn trân trọng giữ gìn và đeo trên ngực áo mình”.

Hiện thực của lòng người

Tôi có thói quen đọc sách nhanh. Nhưng không hiểu sao khi đọc “Thấy” của Lê Thiết Cương tôi buộc phải đọc chậm. Đọc chừng 30 trang thì phải dừng lại để nghĩ, để thấy Lê Thiết Cương là người thế nào trong từng con chữ. 

Cương viết ngắn gọn, có lẽ trường phái tối giản trong hội họa đã ăn sâu vào nếp nghĩ của anh, cho nên đến viết cũng tối giản. Nhưng dù đi xa hay về gần, trời Âu hay điệp trùng rừng núi heo hút Tây Bắc thì Cương vẫn cứ “kéo” người đọc hướng về văn hóa, những tiếc nuối những giá trị truyền thống. Phàm đã mất đi không cách gì lấy lại được.

Những cổng làng, những ngôi chùa, những món ăn… mà Lê Thiết Cương gợi ra nó vừa là nguồn cơn lại vừa là cái cớ để anh chạm đến một hiện thực khác rộng hơn, tâm tính con người và những đổi thay. Ở đó những được - mất, sống - còn, quá khứ - hiện tại cùng ùa ra. Mỗi bài viết là một câu trả lời gieo đầy những câu hỏi, còn những câu hỏi đã ngầm chứa cả câu trả lời, để cuối cùng “Tất cả mọi con đường đều hướng tới một cái đích cao cả là sự thánh thiện”.

Lê Thiết Cương thấy mầm thiện và phẩm giá ở một người đàn ông tật nguyền, cố gắng lao động tự nuôi sống mình (Mầm thiện). Lê Thiết Cương thấy nơi sâu thăm thẳm, lòng giếng cũng như lòng người, thi thoảng phải thau rửa dọn dẹp gọn gàng thì mới mong sống tiếp được (Giếng làng Diềm). Lê Thiết Cương hồi tưởng về nếp ăn, nếp ở, sự chu toàn kỹ lưỡng của “Người ở 36 phố” từ chuyện dọn dẹp nhà cửa đón Tết, muối dưa, muối cà… rồi từ đó thấy rằng chẳng phải cầu kỳ đâu, bởi lẽ “Gói trong đó còn là văn hóa”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ví, cuốn sách của Lê Thiết Cương như một cỗ máy thời gian - “Cỗ máy ấy đưa tôi về quá khứ. Cuộc trở về quá khứ này không phải là cuộc chạy trốn hiện tại, một hiện tại mà họa sỹ Lê Thiết Cương nhìn thấy từ đó những lãng quên, những vô cảm, những nông cạn và những tàn phá đối với vẻ đẹp trong đời sống văn hóa Việt. Cỗ máy ấy đưa chúng ta trở về với những vẻ đẹp mà chính con người trên mảnh đất này đã làm ra”.