Đề án Dựng tượng rùa 10 tấn ở hồ Gươm: Không gian thiêng không thể tùy tiện

ANTD.VN - Như Báo ANTĐ đã đưa tin, mới đây, một công dân đã trình lên UBND TP Hà Nội đề án “Đúc biểu tượng rùa vàng hồ Gươm” bên hồ Hoàn Kiếm. Tượng rùa dự kiến sẽ được thực hiện bằng chất liệu đồng nguyên chất và vàng, dài 2,5 mét, cao 3,5 mét và có trọng lượng khoảng 6-10 tấn đồng. 

Đề xuất ý tưởng cũng nêu 2 phương án đặt rùa, một tại ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng, hai là tại vườn hoa nhìn sang tượng đài Lý Công Uẩn. Kinh phí huy động xã hội hóa.

Đề án Dựng tượng rùa 10 tấn ở hồ Gươm: Không gian thiêng không thể tùy tiện ảnh 1Phối cảnh tượng rùa đề xuất dựng tại hồ Gươm

Không thể tùy tiện

Dư luận đa phần nghiêng về việc không nên đặt thêm tượng rùa 10 tấn ở hồ Gươm bởi lý do, hồ Gươm không phải là nơi thích đặt gì thì đặt và không phải hễ có ý tưởng gì đều buộc phải thực hiện tại nơi này.

Trao đổi cùng PV Báo An ninh Thủ đô, nhà văn Đỗ Phấn, người sinh ra và lớn lên ở khu vực hồ Gươm nhận xét, đây là một đề án “không thể tưởng tượng nổi”. Theo nhà văn, Hà Nội đã có quá nhiều những thứ nghệ thuật thừa thãi rồi, không nên thêm nữa. “Bấy lâu nay, việc rùa trả gươm báu cho Lê Lợi nhuốm màu truyền thuyết, phàm đã là truyền thuyết không nên cụ thể hóa nó”, nhà văn Đỗ Phấn nhấn mạnh.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cũng đồng quan điểm nói trên. Tác giả của “5678 bước quanh hồ Gươm” cho rằng, truyền thuyết vốn đẹp, phủ lên nó là lớp sương mờ ảo, không gian hồ Gươm là không gian thiêng, vì thế cụ thể hóa sự tồn tại của loài rùa sống dưới đáy hồ bằng một bức tượng rất to, không biết xấu đẹp thế nào vô hình trung làm “tục hóa” không gian thiêng của hồ.

Bên cạnh đó, phía Tây hồ đã có tượng vua Lê chỉ tay xuống hồ gợi lại truyền thuyết về truyền thống chống giặc ngoại xâm và bài học về chữ tín. Không nên đặt thêm tượng rùa, như thế là thừa. Việc một công dân đưa ra ý tưởng đề án là đáng biểu dương, tuy nhiên, hồ Gươm không phải chỗ thích gì thì làm.

Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt bày tỏ quan điểm, quanh hồ Gươm đã có đền Ngọc Sơn, tháp Bút, gò rùa, đình Nam Hương, tượng vua Lý Công Uẩn, vua Lê Thái Tổ… là đủ, không cần thêm một kỳ quan là tượng rùa nữa. Nếu thêm sẽ phá vỡ cảnh quan hồ, hại không gian, hại cảnh quan và hại cả truyền thuyết về rùa vàng.

Sau khi phân tích tượng rùa với góc nhìn của nhà điêu khắc, ông Đinh Công Đạt cho biết, trong điêu khắc, rùa là một loại hình khó tạo cho đẹp được, nhất là với hình khối to tới 10 tấn như đề xuất. Nhà điêu khắc đưa ra ý tưởng làm những con rùa nhỏ cỡ 500 gram, nhỏ mà tinh tế, chứ to tới 10 tấn mà lại xấu thì “cực kỳ đáng sợ”. Tượng rùa là công trình văn hóa nên phải cân nhắc và đề xuất, không thể nhìn, nghĩ dưới con mắt của một nhà đúc đồng được.

Họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cũng bày tỏ quan điểm, rằng đây là không gian thiêng, không thể tùy tiện đặt tượng với hình khối lớn như vậy vì nó sẽ phá vỡ cảnh quan.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà cho biết: “Tôi không đọc kỹ đề án, nên cũng không biết họ xây dựng tượng rùa kiểu gì, nhưng dù dựng kiểu gì ở ngoài bờ hồ thì cũng không nên. Đã tượng cụ Lý Công Uẩn, tượng cụ Lê Thái Tổ rồi không nên dựng thêm tượng nào nữa. Rùa là một trong tứ linh hộ pháp trong chùa. Đừng mang ra ngoài bờ hồ dựng tượng mà thờ nữa. Không được đâu”.

Dựng cũng được, nhưng…

Trái ngược với quan điểm trên, GS Hà Đình Đức lại cho rằng, ông biết đến ý tưởng dựng tượng rùa vàng từ năm 2011 và ủng hộ ý tưởng này. Thời điểm đó, trong văn bản ủng hộ có bút tích của GS Vũ Khiêu, GS Phan Huy Lê, PGS Đặng Văn Bài, nhà sử học Dương Trung Quốc và ông. 

“Hồ Gươm từ bao đời nay đều gắn với cụ rùa. Nếu ngày xưa, cụ rùa còn sống thì mỗi khi nổi lên còn có dấu ấn. Từ ngày cụ rùa mất, mọi người đi qua hồ Gươm đều cảm thấy rất lặng lẽ. Vì vậy, bây giờ làm được một tượng rùa đặt ở khuôn viên hồ Gươm cũng là một cách nhắc nhớ về cụ rùa từng tồn tại ở đây, một biểu tượng gắn liền với di tích quốc gia đặc biệt.

Để tìm được mẫu tượng rùa vàng đẹp và hợp lý nhất, tôi cho rằng nên tổ chức dưới dạng cuộc thi. Và đã là cuộc thi thì phải có hội đồng là các chuyên gia văn hóa, lịch sử, quy hoạch, kiến trúc, hội họa, điêu khắc… Thậm chí, sau khi chọn được mẫu rồi cũng cần phải trưng cầu ý kiến của người dân cả nước. Khi đã “đồng tâm nhất trí” rồi thì mới tiến hành làm” - GS Hà Đình Đức chia sẻ.

PGS.TS Đặng Văn Bài cho biết, ông ủng hộ về mặt ý tưởng đối với dự án đúc tượng rùa vàng 10 tấn tại hồ Gươm. Tuy nhiên, việc thực hiện ra sao, đặt tượng rùa vàng tại địa điểm nào thì cần phải tính toán. Trong không gian tổng thể của di tích quốc gia đặc biệt này, không thể tùy tiện đặt thêm bất cứ công trình nghệ thuật nào mà không nhận được sự tham vấn của giới chuyên môn. 

Chiều 29-3, PV Báo ANTĐ đã trao đổi cùng ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, được biết, hiện tại Sở 756VH-TT chưa nhận được đề án nên chưa thể trả lời về việc này.

 “Sẽ kiện nếu đưa tên tôi vào dự án đúc tượng rùa vàng” 

Đề án Dựng tượng rùa 10 tấn ở hồ Gươm: Không gian thiêng không thể tùy tiện ảnh 2

Từ sáng đến chiều, tôi nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của các phóng viên gọi tới, để hỏi về dự án đúc tượng rùa vàng hồ Gươm. Tôi khẳng định ngay, tôi không hề biết gì về chuyện này cả, cũng không biết vì sao mình có tên trong ban cố vấn. Việc tự ý đưa tên tôi vào Ban cố vấn là sai và nếu còn tiếp tục để tên tôi, tôi sẽ kiện đơn vị đưa ra ý tưởng này. Về việc đúc tượng rùa vàng nặng 10 tấn tại hồ Gươm, tôi không đồng ý, bởi đây là di tích quốc gia đặc biệt, là linh hồn của cả nước, không thể thích đưa cái gì vào đây cũng được. 

GS.TS Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia