Đặc sắc lễ hội thề trung hiếu giữa Thủ đô

ANTD.VN -Sáng 29-4-2017, hàng nghìn người kéo về dự lễ kỷ niệm 989 năm Hội thề trung hiếu (1028 - 2017) đền Đồng Cổ, Hà Nội. Lễ thề diễn ra trong không khí trang nghiêm, nghi lễ Tế tửu Đại vương Thần minh chủ được chuẩn bị công phu, đặc sắc... đền Đồng Cổ khẳng định vị thế là một Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Thần Đồng Cổ linh ứng phù trợ Thái Tử Lý Phật Mã dẹp giặc phương nam, báo trước loạn tam vương,  khi Thái tử lên ngôi, tức là Lý Thái Tông sắc phong cho Thần “Thiên hạ minh chủ đại vương” mới lập lệ, các quan phải đến đền Đồng Cổ (ở làng Đông Xã - Thăng Long) làm lễ uống máu ăn thề.

Từ đó có Hội thề Đồng Cổ, các quan ai trốn không đến thì phải phạt đánh 50 trượng. Thời gian thấm thoắt trôi, 989 năm, cứ ngày mồng 4 tháng tư âm lịch hằng năm, Lễ hội thề Trung hiếu lại được tái hiện dưới đền hồng. Ngay sau khi tiếng chiêng trống khai hội vang lên là Trống hội do chính người dân trong làng Đông Xã trình diễn.

Trống hội đánh đến đâu, người xem hội nô nức ùa về đến đó

Đặc sắc lễ hội thề trung hiếu giữa Thủ đô ảnh 2

Với niềm tự hào về lịch sử, truyền thống lễ hội, các đại biểu cùng đại diện các dòng họ về đền Đồng Cổ dâng hương

Theo ông Hoàng Phạm Mưu – Trưởng ban quản lý di tích: “Việc chọn ra 100 người đọc lời thề trung hiếu được thực hiện kĩ lưỡng. 100 người ấy sẽ đại diện cho 100 quả trứng thời Lạc Long Quân và Âu Cơ".

Tham gia làm Lễ thề, đọc lời thề trung hiếu gồm 10 hàng, mỗi hàng 10 người xếp thẳng, đứng chỉnh tề ngay ngắn. Các hàng tiêu biểu như: cựu chiến binh, các cụ hội quy, đội tế, thanh niên, dòng họ, đại biểu khu dân cư, bí thư, phó bí thư Đảng ủy, ban công tác Mặt trận Tổ quốc...

Thời khắc thiêng liêng đã điểm, tiếng trống nổi trống lên, tiếng chiêng hòa theo ngân vang vọng khắp chốn. Toàn thể nhân dân tới dự lễ đều đứng lên hướng về sân đền, dõi theo tiếng thề dõng dạc của 100 người đại diện. Sau khi thề, lời thề chủ lễ đọc sẽ được đem hóa trong hương khói của không gian linh thiêng.

Ông Nguyễn Tiến – Bí thư chi bộ khu dân cư số 6, đại diện nhân dân Đông Xã làm chủ Lễ thề trung hiếu và 100 người tiêu biểu được chọn làm Lễ

Nguyên văn lời Thề như sau:

"Đất nước Đại Việt

Ngàn năm sử vàng

Vua Lý Thái Tông

Khởi xướng lời thề

Tận hiếu với nhà

Tận trung với nước

Đuổi quân xâm lược

Giữ vững sơn hà

Lớp lớp cháu con

Theo gương tiên tổ

Quyết làm rạng rỡ

Quê hương đẹp giàu

Chúng con khấu đầu

Trước Thần Đồng Cổ

Anh linh sáng ngời

Đồng tâm tuyên thệ:

“Làm con bất hiếu

Làm tôi bất trung

Thần minh chu diệt.”

“Xin thề! Xin thề! Xin thề!”, ba tiếng xin thề khép dứt khoát khép lại Lễ thề.

Từ năm 1989, nhân dân Đông Xã đã thành lập đội tế, hằng năm cứ vào ngày việc của đền Đồng Cổ là đội tế miệt mài dành thời gian, công sức làm việc. Bởi cứ 3 năm đội thế thay đổi một lần, nên ai cũng gắng xứng đáng với niềm vinh hạnh, hết sức để hoàn thành tốt.

Ông Phùng Trắc Thịnh, người làng Đông Xã, đã vượt qua các tiêu chí như gia đình trọn vẹn, song toàn, vợ chồng đầy đủ, con ngoan cháu thảo... để trở thành chủ tế năm nay.

Nghi lễ Tế tam tửu Đại Vương

Đặc sắc lễ hội thề trung hiếu giữa Thủ đô ảnh 5

Bên cạnh đó, những màn múa dân gian uyển chuyển, đẹp mắt trong lễ Tế tửu Đại vương thu hút ánh mắt theo dõi của các du khách hành hương đến đền Đồng Cổ

Đặc sắc lễ hội thề trung hiếu giữa Thủ đô ảnh 6

Nghi thức dâng hương kết thúc buổi khai mạc Lễ hội thề

Đền Đồng Cổ xứng đáng là một di tích có giá trị đặc biệt với người dân Việt Nam, nó thể hiện rõ bản chất con người Việt Nam đó là lòng trung thành, yêu nước con người. Ban tổ chức lễ hội kỳ vọng sẽ có nhiều người quan tâm, tìm hiểu sâu hơn về văn hóa truyền thống, văn hóa Lễ hội Việt Nam, đề cao giá trị nhân văn sáng ngời của Lễ hội thề trung hiếu: giữ trọn đạo hiếu nghĩa trong gia đình và lòng trung thành với giang sơn, Tổ quốc.

Ban quản lý di tích đền Đồng Cổ khuyến khích người cao tuổi trong làng Đông Xã truyền thụ cho những người trẻ tuổi những kiến thức, tư liệu lịch sử Lễ hội nhằm gìn giữ và phát huy những vẻ đẹp văn hóa truyền thống