Cục Nghệ thuật Biểu diễn quên "tự kiểm điểm" sau ầm ĩ cấp phép ca khúc

ANTD.VN -  Tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm, người đứng đầu Cục NTBD đã thẳng thắn thừa nhận những “sự cố” vừa qua đã làm ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh của đơn vị này.

"Bỏ quên” vấn đề nóng

 Sáng 11-7 tại Hà Nội, Cục NTBD đã tiến hành cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm. Dư luận hướng sự quan tâm vào việc Cục sẽ nhìn nhận lại và đánh giá thế nào về hoạt động của đơn vị sau hàng loạt những bất cập xảy ra liên quan đến chuyện cấp phép ca khúc. Tuy nhiên điều đáng tiếc là việc này hoàn toàn không được nhắc đến trong báo cáo của Cục cũng như nêu ra thẳng thắn tại cuộc họp.

Cụ thể, trong bản báo cáo dày hơn chục trang được đánh máy rất cẩn thận, không có đoạn nào nhắc đến những sự việc đáng tiếc từng khiến đơn vị này bị dư luận chỉ trích nặng nề, cụ thể là việc ra quyết định tạm dừng lưu hành 5 ca khúc được sáng tác trước năm 1975 và cập nhật hơn 300 sáng tác “nhạc đỏ” vào danh sách ca khúc được phép phổ biến rộng rãi. Những lùm xùm này từng khiến cựu Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Đăng Chương phải lên tiếng nhận trách nhiệm và xin lỗi người dân. Sau hàng loạt ồn ào trên, ông Nguyễn Đăng Chương cũng đã phải rời ghế Cục trưởng Cục NTBD khi chưa hết nhiệm kỳ.

Việc ra quyết định tạm dừng lưu hành 5 sáng tác trước năm 1975, trong đó có ca khúc "Con đường xưa em đi" từng khiến Cục NTBD bị chỉ trích nặng nề. Đơn vị này sau đó đã phải thu hồi quyết định này.

Dư luận cho rằng, trong cuộc họp đánh giá lại những việc được và chưa được trong hoạt động 6 tháng vừa qua, Cục NTBD không thể không nhắc lại những việc kể trên để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho đơn vị này. Song kỳ lạ thay, điều đó đã không xảy ra khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ. Ngay như NSƯT Đỗ Kỷ hiện đang giữ chức Trưởng phòng Nghệ thuật tại Cục đã thẳng thắn thắc mắc về việc này.

NSƯT Đỗ Kỷ bày tỏ, anh cảm thấy trong bản báo cáo mới nhắc đến những việc đã làm được, còn bỏ quên nhiều việc chưa làm được, những việc mà theo anh là “gây nóng nghị trường quốc hội và dư luận xã hội”. Cũng theo NSƯT Đỗ Kỷ thì việc thừa nhận những cái chưa tốt, chưa làm được cũng là cách để tiến bộ hơn, có như vậy thì bản báo cáo mới trung thực đến mức tối đa.

Bên cạnh đó, ông Đỗ Kỷ cũng cho rằng, bản báo cáo mà Cục NTBD đưa ra còn sử dụng nhiều mỹ từ, ví như gọi những việc làm được là “thành tựu” hay nhắc đến việc ông Nguyễn Đăng Chương bị điều chuyển công tác về Văn phòng Bộ là “biệt phái”. “Nếu trong quyết định ghi là biệt phái thì tôi không có ý kiến gì cả nhưng tôi có cảm giác trong thông tin đại chúng lâu nay không có từ này” – NSƯT Đỗ Kỷ chia sẻ.

Cái cần kiến nghị thì không kiến nghị

Mặc dù không nhắc cụ thể đến những ồn ào do Cục NTBD gây ra trong thời gian vừa qua song Thứ trưởng Vương Duy Biên - người đang kiêm nhiệm chức Cục trưởng Cục NTBD trong cuộc họp đã lên tiếng thừa nhận: “Sự cố vừa qua làm hình ảnh của Cục trong công chúng yếu đi, giờ phải lấy lại hình ảnh”. Sự cố mà người đứng đầu Cục NTBD thời điểm này thừa nhận được cho là liên quan đến những bất cập xung quanh chuyện cấp phép, cập nhật danh sách ca khúc trên website của Cục.

Thứ trưởng Vương Duy Biên chia sẻ, đơn vị này có những vấn đề mà dư luận “hay chú ý” và công việc khá nặng nề mà để giải quyết thì phải nhìn thẳng vào những việc chưa làm được và một trong những giải pháp cần thực hiện là đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Cũng theo lãnh đạo Cục NTBD thì trong thời gian tới, Cục sẽ tập trung xây dựng Nghị định mới trên cơ sở Nghị định 79/2012/NĐ-CP và Nghị định 15/2016/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Trên cơ sở hành lang pháp lý đó, Cục sẽ xây dựng luật nghệ thuật biểu diễn.

Trong phần đề xuất và kiến nghị, bản báo cáo hoàn toàn không nhắc đến giải pháp khắc phục những bất cập liên quan đến chuyện cấp phép biểu diễn - một trong những vấn đề còn tồn tại và được dư luận quan tâm. 

Tuy nhiên, cùng với việc bỏ qua những vấn đề “nóng” mà dư luận quan tâm thì bản báo cáo của Cục NTBD không hiểu sao cũng quên luôn việc đề xuất và kiến nghị giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập xung quanh các vấn đề này. Cụ thể, ở phần đề xuất và kiến nghị với Bộ VHTT&DL, bản báo cáo chỉ nhắc đến việc làm sao để tháo gỡ những vướng mắc và phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống, mua sắm các trang thiết bị để phục vụ hoạt động biểu diễn cho các đoàn nghệ thuật ở địa phương (!?). Điều này khiến nhiều ý kiến cho rằng, bởi không muốn khơi lại những việc từng gây ra điều tiếng không mấy hay ho cho đơn vị mình nên Cục NTBD đã quyết định bỏ qua luôn cả việc “tự kiểm điểm” mình để từ đó tìm ra giải pháp khắc phục.

Không chỉ vậy, cuộc họp còn có rất nhiều ý kiến không liên quan, thậm chí bị cho là thừa thãi khi một người trong Cục chủ động giơ tay phát biểu ý kiến nhưng thay vì đi thẳng vào những vấn đề chính thì lại nhắc đến “không khí làm việc” trong nội bộ đơn vị này!