Chuyến tàu thanh xuân - hồi ức mang "hương vị" ngày vừa thôi bao cấp

ANTD.VN - Sinh ra vào thời mà người Việt Nam chỉ lo “ăn no mặc ấm”, những chàng trai cô gái tuổi Đinh Mão (1987) muốn lên một “chuyến tàu thanh xuân” để hồi ức điều gì? 

Gần 300 trang ký ức của hơn 30 “con mèo” lần lượt xuất hiện trong cuốn sách “1987” vừa ra mắt cuối tuần qua ở Hà Nội hệt như những sân ga, mỗi độc giả là một vị khách tham quan đầy hứng khởi dừng lại mỗi chương, rồi tiếp tục lên tàu trải nghiệm cho đến trang cuối.

Tất cả đều được kể dưới dạng “ẩn danh”. Nhân vật chính trong từng câu chuyện luôn luôn là một chàng trai hoặc cô gái sinh năm 1987, kể lại những biến đổi trong cuộc sống, xã hội dưới góc nhìn của họ và những suy nghĩ của từng cá nhân.

Một điểm thú vị, các nhân vật đa dạng về công việc và trải nghiệm: từ những nhân viên văn phòng đến doanh nhân, hoa hậu, người mẫu, đạo diễn, diễn viên cho đến nhà báo, kỹ sư, nhạc sĩ, họa sĩ... Đó là những người sinh ra ở Hà Nội hay dành một tình yêu cho Thủ đô, bước ngoặt tuổi thơ là đặt chân đến nước Mỹ khám phá, hay khi trưởng thành tìm tự do ở Sài Gòn và nuôi mộng ước vươn ra thế giới bao la.

Chuyến tàu thanh xuân - hồi ức mang "hương vị" ngày vừa thôi bao cấp ảnh 1Đại diện nhóm tác giả trong ngày ra mắt sách

Thế hệ giao thời

Họ là những đứa trẻ cuối cùng trải qua thời kỳ mà mỗi nhà ở Hà Nội được phân phối hàng hóa theo chế độ tem phiếu, có chỉ tiêu theo tháng, theo năm, từ những thứ nhỏ nhặt nhất như xà phòng, lốp xe đạp tới thực phẩm như thịt, gạo, rau... Khi được hỏi: “Nếu nhắm mắt lại, những người sinh năm 1987 hình dung về thời ấu thơ mang màu sắc nào?”, phần lớn những người cầm bút tạo nên cuốn “1987” đều thương nhớ màu nâu và màu xanh. Ca sĩ Lê Cát Trọng Lý hồi tưởng: “Ký ức là màu của bụi đất. Lem luốc. Màu xanh của cỏ và ruộng. Màu của quần áo cũ, nâu nâu, đỏ bạc màu vì hầu như đứa nào cũng mặc lại đồ của anh, chị, chỉ có Tết và ngày đầu năm học thì may ra nhà đứa nào khá một tí sẽ có đồ mới. Mùi của đồ mới cũng rất thơm và rất quý”. 

Còn Vương Ngô Hương Giang - một tác giả hiện đang theo đuổi sự nghiệp kinh doanh tự do thành thật kể: “Dù sinh ra ở thành phố nhưng chúng tôi vẫn đi đào giun, đuổi bướm. Tôi từng bắt sâu đo về giã làm bánh mời bạn hàng xóm ăn. Nếu giờ bạn tôi biết thì cho tôi xin lỗi...”. Đồng thời Hương Giang luôn thèm “khoảnh khắc giao mùa rõ rệt” của ngày xưa, vì bây giờ bận rộn, tiện nghi, điều hòa nhiệt độ cuốn trôi đi mất...

“1987” là một cuốn sách không thể đọc vội. Mỗi một nhân vật “tôi” bước ra, độc giả lại được làm quen với một tính cách, tiếp xúc với một “lát cắt” của đời sống những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ 20. Có nhân vật đắm chìm lại niềm vui con trẻ với những trận tắm mưa, bơi chậu, nô đùa với anh chị em và bạn hàng xóm, có nhân vật chọn giọng văn hài hước để “tị nạnh” với con lật đật Nga từng... to hơn mình và bật dậy trước mình... tất cả ghép thành một bức tranh giản dị, bình yên. Mặc dù “không đao to búa lớn”, không “rao giảng thuyết giáo”, song bất cứ ai cũng dành cho các nhân vật một sự quan tâm muốn thấu hiểu. Từ đó, tình cảm gia đình, niềm tự hào và kỳ vọng tương lai đất nước của người viết - người đọc tìm được giao điểm.

Chuyến tàu thanh xuân - hồi ức mang "hương vị" ngày vừa thôi bao cấp ảnh 2“1987” được ấn hành bởi NXB Trẻ

“Cái tôi” không riêng rẽ

Khó có thể “gặm nhấm” quá khứ quá lâu, thời mà mọi người nói chuyện trực tiếp với nhau vì không có điện thoại, không có internet như bây giờ, những người sinh năm Đinh Mão quả đã có một cuộc chiến đấu giữa nội tâm và môi trường bên ngoài để giữ gìn những giá trị cũ, song song với việc tiếp tục vươn lên trong hành trình hoàn thiện. Cuộc chiến ấy quả thực gian nan khi internet phát triển “chóng mặt”, thông tin nhanh cướp mất sự nhẫn nại họ dành để ngồi đọc một tờ báo giấy, viết một bưu thiếp, một lá thư tay gửi đến người mình đặc biệt quan tâm. Song, thông tin cũng mở ra cho họ những phương thức kết nối và trao gửi yêu thương: tin nhắn di động, những email, “chat chit” qua Yahoo, Facebook... Hoa hậu Thế giới người Việt Ngô Phương Lan thì bật mí, cô “giữ trái tim” của mình đến năm thứ nhất đại học mới bắt đầu yêu. Còn nhiều người lại không nguôi hoài niệm khi trái tim lần đầu rung động ở thời trung học...

Đặc biệt, “1987” tuy hồi ức nhưng lại không hề “sến”, các tác giả gồm cả người viết chuyên nghiệp lẫn “ngoại đạo” đều thẳng thắn như nhau. Để sự thẳng thắn không kém duyên, không gây shock, họ đã rất nâng niu cuộc sống của mình. Có những trang viết, mà độc giả tưởng chừng như chạm được cả vào nụ cười, nước mắt, lắng nghe lời “thú tội” về những lần sôi nổi đến bướng bỉnh, nông nổi. Nếu độc giả muốn tìm những hình tượng “con ngoan trò giỏi” theo khuôn mẫu mực, “1987” không hợp lẽ; nhưng nếu độc giả muốn chứng kiến mọi góc cạnh, mọi kết quả có thể xảy ra với những ngã rẽ cuộc đời, “1987” là những câu chuyện thân tình mà bất cứ ai cũng có thể tìm được lời khuyên từ san sẻ và suy ngẫm. Mặc dù cái tôi ấy độc lập nhưng không riêng rẽ trong đời sống. Vẫn dễ dàng nhìn thấy sự kết nối của họ với gia đình, bạn bè, với đất nước. Không chỉ với riêng những người sinh năm 1987, bất cứ ai cũng muốn một lần viết ra hoài niệm của mình.

“1987” là cuốn bút ký gần 300 trang tập hợp những mẩu chuyện, góc nhìn do Nguyễn Minh Ngọc (Nick M) chủ biên, cùng các tác giả: Hoa hậu Thế giới người Việt Ngô Phương Lan, ca sĩ Lê Cát Trọng Lý, nhà báo Đinh Đức Hoàng, người mẫu Elly Trần... Hơn 30 câu chuyện của cuốn sách “1987” được chia làm bốn phần. Phần một bắt đầu từ năm 1987 là giai đoạn chuyển giao của thời bao cấp và thời kỳ đổi mới. Phần hai bắt đầu vào năm 2000, khi Internet công cộng du nhập và tràn ngập ở Việt Nam. Phần ba lấy mốc thời gian vào mùa thu năm 2005, khi thế hệ 1987 thi đại học và bắt đầu có những chiếc điện thoại di động đầu tiên của riêng mình. Phần bốn, cũng là phần cuối, kéo dài từ năm 2010 đến 2017, khi Facebook trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày.