Chuyện nhà văn cưỡi "xế hộp"...

ANTD.VN - Xưa nay các nhà văn vẫn luôn bị “mặc định” là nghèo khổ, ăn thì cơm nhạt rau dưa, uống thì rượu suông với khế xanh chấm muối, có khi cái xe đạp tốt chẳng có mà đi, nói gì đến nhà lầu xe hơi. Thế nhưng vẫn có những nhà văn mua được ô tô từ rất sớm, mà lại mua bằng tiền nhuận bút hẳn hoi. Tuy nhiên, cũng có những câu chuyện cười ra nước mắt khi nhà văn cưỡi “xế hộp”...

Nhà thơ Trần Ninh Hồ

Bán tiểu thuyết sắm... xe hơi

Tên tuổi nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn gắn liền với bộ ba tiểu thuyết: “Những hoảng cách còn lại” (1980), “Đứng trước biển” (1982), “Cù lao tràm” (1985) của thời bao cấp. Văn học Việt Nam giai đoạn sau năm 1975 nổi lên “hiện tượng” “Cù lao tràm” gây chấn động cả nước. Bởi vào thời điểm đó mà nhà văn đã dám nói thẳng, nói thật những suy đồi phẩm chất ở một số cán bộ, chỉ rõ những chệch choạc trong công tác điều hành quản lý kinh tế của Nhà nước.

Có lãnh đạo xí nghiệp đánh cá tự cho mình là “nguyên mẫu” trong “Cù lao tràm” đã đề nghị khởi tố, bỏ tù Nguyễn Mạnh Tuấn; 9 tỉnh miền Tây, đặc biệt là tỉnh Hậu Giang quy kết Nguyễn Mạnh Tuấn những tội danh nghiêm trọng... Cùng với phản ứng đó là hàng loạt bài báo chỉ trích, phê bình Nguyễn Mạnh Tuấn. Thế nhưng “Cù lao tràm” lại được bán ra ào ào, số lượng phát hành lên đến 16 vạn bản, hoàn toàn do nhà văn tự in và tự phát hành sách ở nhà, đầu nậu đến lấy nườm nượp.

Có người từ nghèo khổ đã trở nên khá giả nhờ bán được nhiều tiểu thuyết “Cù lao tràm”. Danh tiếng nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn lúc đó đã nổi như cồn, việc bán sách cũng đem lại nguồn thu rất lớn nên với sự “ăn nên làm ra” bằng văn chương, ông là nhà văn Việt Nam đầu tiên mua xe hơi ngay trong thời bao cấp. Có nhiều giai thoại làng văn vẫn truyền tai nhau kể từ khi ông sắm xe hơi, chẳng hạn bạn bè bảo Nguyễn Mạnh Tuấn thường lái xe rong ruổi khắp nơi, chỗ nào gặp được cảm hứng thì dừng lại viết luôn trong... ô tô.

Trong xe của ông có đầy đủ đồ ăn thức uống, cả rượu bia, chăn màn để phục vụ cho việc sáng tác đường trường. Với quan niệm độc giả sẽ quên ngay một cuốn sách sau vài ba năm nên Nguyễn Mạnh Tuấn viết rất miệt mài để xuất bản sách mới, nhưng đến nay dường như chưa có cuốn nào của ông vượt qua “Cù lao tràm”.

Nhà thơ Nguyễn Hoàng Thu

Bán ô tô thừa tiền ăn phở cả tháng

Chơi sang với xe hơi chắc khó có nhà văn nào qua được Trần Ninh Hồ. Ông không biết lái xe nhưng vẫn bỏ tiền mua hẳn một chiếc Lada, đi đâu thì thuê lái xe đến chở mình. Một vài lần ông mời bạn văn lên xe hơi vi vu đi tìm cảm hứng sang tác, xe chạy được dăm cây số ông lại hô lái xe: “dừng lại”, rồi người ngồi trên xe nhảy túa hết xuống đường, trong tay có mũ nón gì cũng mang ra vục nước bên đường hắt vào đầu xe đang bốc khói ngùn ngụt vì... nóng máy quá.

Ai đã được đi xe của Trần Ninh Hồ một lần thì nhất quyết không có lần thứ hai bước lên đó nữa. Sau một thời gian vất vả với xe, vả lại cũng khó tìm được lái xe chịu lái thuê cho ông nên Trần Ninh Hồ rao bán. Một xưởng sữa chữa ô tô đã mang xe đến kéo về và trả cho ông số tiền đủ để ăn phở suốt cả tháng.

Mặc dù đã chia tay với chiếc xe trứ danh nhưng kỷ niệm về những chuyến đi nhớ đời vẫn được nhiều người nhắc đến như “chiến tích” về sự nhanh trí và lòng dũng cảm khi dám cùng chủ nhân của nó vi vu cả mấy chục cây số. Bây giờ đã ở tuổi U80, nhà thơ Trần Ninh Hồ vẫn lướt xe máy phăng phăng, đội mưa đội gió suốt quãng đường dài như cái thời đi…  ô tô.

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, tác giả cuốn sách “Cù lao tràm” từng là “hiện tượng” một thời

Ai dám ngồi sau xe mới là bạn tốt

Tính khắp các tỉnh miền Trung Tây guyên, chỉ có nhà thơ Nguyễn Hoàng Thu là người biết tự lái xe đầu tiên. Đầu những năm 2000, nhà thơ sắm được chiếc xe hơi màu trắng với giá hơn chục triệu đồng, ông tự hào kể với bạn:“Xe mua bằng tiền nhuận bút và được khuyến mại hẳn một bình xăng”. Chiếc xe được nhà thơ xưng tụng là “con chiến mã oai hùng” đã giúp vợ hồng ông đi đây đi đó tác nghiệp.

Nhân dịp có nhà văn Trung Trung Đỉnh từ Hà Nội vào, rủ thêm hai nhà văn bản địa là Văn Công Hùng và Đỗ Tiến Thụy đến chơi, Nguyễn Hoàng Thu muốn thể hiện tay lái lụa vì vừa thi lấy bằng lái. Để các bạn tin tưởng, ông dẫn chứng:“Tôi đã một mình lái xe ra Hà Nội dự Đại hội Nhà văn vừa qua đấy”. Nhà văn Trung Trung Đỉnh lén chạy ra sau nhà gọi điện cho một ông bạn để xác minh, tuy nhiên sau đó vẫn không đủ dũng khí ngồi vào xe.

Vậy là chỉ còn hai ông bạn “đồng rừng” rón rén bước lên. Quãng đường đi dạo bằng ô tô không dài, chỉ mấy lần suýt tông vào cột điện hoặc láng ra lề đường nhưng cuối cùng Nguyễn Hoàng Thu cũng đưa được xe về nhà an toàn. Ông mở cửa xe ôm chầm lấy hai ông bạn trẻ vừa hôn vừa hổn hển: “Hai thằng mày là bạn tốt của tao! Còn thằng Đỉnh... Tao phải xem lại tình cảm giữa tao và mày!”.

Hồi kết số phận “chiến mã” của Nguyễn Hoàng Thu khá bi hài, một đêm đang ngủ ông bỗng giật mình bật dậy vì chiếc xe bỗng dưng bốc cháy đùng đùng giữa sân. Thấy trong đống lửa ngùn ngụt ấy có hai bóng trẻ con lao ra leo lên tường rào chạy trốn, ông vội kêu lên: “Cẩn thận kẻo té các cháu ơi” rồi chạy tới đỡ hai thằng bé.

Nhiều suy luận về âm mưu “hỏa thiêu” con chiến mã oai hùng khiến chiếc khung xe trở nên đắt giá, có người trả giá tới tiền tỷ nhưng nhà thơ không bán mà quyết định giữ lại làm bảo chứng cho một thời báo chí chống tiêu cực quyết liệt, đưa ra ánh sang rất nhiều chuyện làm ăn khuất tất của một số người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp.