Chuyện nhà văn cầm vàng mà để… vàng "rơi"

ANTD.VN - Những năm 1980, kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, đời sống của các nhà văn thời bao cấp cũng vô cùng chật vật. Nhiều người phải dồn sức viết thuê kiếm tiền nuôi gia đình thay vì dành thời gian cho những trang văn tâm huyết của mình. 

Nhà văn Đình Kính, nhà văn Chu Lai và cố nhà văn Nguyễn Quang Thân

Nhà văn Đình Kính hồi đó mới đeo quân hàm Đại úy Hải quân, đồng lương có hạn mà phải gồng gánh cả một gia đình gồm bố mẹ đẻ, vợ và hai con gái. Mặc dù đã có tiếng tăm trong làng văn nhưng ông đành gác lại mơ ước về những cuốn sách “để đời”, bắt tay vào viết kịch bản phim tài liệu về một vị giám đốc lâm trường quốc doanh có nhiều ý tưởng táo bạo, dám nghĩ dám làm và đã thành công. Bộ phim hoàn thành và được chiếu đi chiếu lại cho cán bộ, công nhân lâm trường xem, lần nào khán giả cũng rưng rưng nước mắt kính phục tài thao lược cũng như nhân cách lớn của nhân vật chính. 

Ki cóp từ bao thuốc lá

Phấn khởi quá, giám đốc quyết định phải làm một cuốn sách về lâm trường nên ngỏ ý nhờ nhà văn Đình Kính chấp bút. Nhà văn nghĩ ngay đến những bạn văn cùng cảnh khốn khó như mình, liền lựa ý giám đốc lâm trường: “Một cuốn sách sẽ mang ý nghĩa lâu bền hơn bộ phim, nhưng đây là một việc khó khăn, một mình tôi không làm nổi. Phải vài người cùng làm mới bảo đảm được thời gian. Ðể kỳ này ra Hà Nội tôi nói khó với mấy anh ngoài ấy... ”. Giám đốc gật đầu đồng ý ngay. 

Ít lâu sau, Đình Kính trở lại lâm trường, dẫn theo hai nhà văn tiếng tăm nổi như cồn: Chu Lai và Nguyễn Quang Thân. Được ba nhà văn tầm cỡ quốc gia viết sách cho lâm trường, giám đốc rất cảm động và thảo ngay một hợp đồng kinh tế: Thời gian hoàn thành bản thảo là hai tháng, ăn nghỉ, tàu xe ra vào lâm trường lo, khi bản thảo được duyệt và thông qua, mỗi nhà văn sẽ được bồi dưỡng 1 chỉ vàng! 

Thời điểm năm 1980, 1 chỉ vàng là cả một gia tài nên các nhà văn cũng rất hào hứng. Ba người được đích thân giám đốc đưa xuống biển Long Hải - một khu nghỉ mát sang trọng, yên tĩnh, cách Vũng Tàu hơn 10km. Giám đốc quán triệt với nhân viên khách sạn về tiêu chuẩn ăn, lượng bia và đặc biệt không thể thiếu mỗi người một bao thuốc một ngày, vì theo ông là các nhà văn phải tập trung suy nghĩ nên thường hút thuốc nặng.

Khổ nỗi, thuốc quá nặng nên Chu Lai và Đình Kính rít một hơi là ho sặc sụa, chỉ có nhà văn Nguyễn Quang Thân vốn nghiện thuốc lào là còn bập bập được nửa điếu. Vậy là thống nhất phương án: chỉ để mỗi phòng một bao lúc nào cũng đang bóc dở cho Nguyễn Quang Thân làm “đạo cụ” khi có mặt nhân viên khách sạn, số còn lại tích trữ dần để... đi bán.

Nhưng xung quanh khu vực khách sạn không có nơi nào mua thuốc đó, họ bảo loại thuốc lá này chỉ có dân nghiện nặng mới hút. Đến cuối tháng, nhà văn Chu Lai nhận nhiệm vụ ôm ba lô thuốc lá (87 bao) đi tiêu thụ vì ông được một anh xe ôm ngoài bãi tắm bảo sẽ chở đến chỗ bán. Hí hửng mang hàng đi được vài chục phút, nhà văn tất tả ôm ba lô về, mặt mũi phừng phừng tức giận: “Tưởng nó chở đi đâu, hóa ra chở đến đúng cổng khách sạn này. Nó bảo chỉ có ở đây mới bán được thuốc J đó”.

Vàng rơi chẳng tiếc...

Trong quá trình thực hiện hợp đồng viết thuê, hai nhà văn Ðình Kính và Chu Lai bàn nhau cùng thống nhất một văn phong, đó là thứ văn không phải để xem bằng mắt mà để nghe bằng tai. Bởi vì ông giám đốc sẽ không xem mà chỉ nghe đọc lại. Sau hai tháng hì hục viết lách, hai nhà văn hoàn tất bản thảo cuốn “tiểu thuyết ngành”. Riêng nhà văn Nguyễn Quang Thân không thành thạo thể loại này nên tắc tị, không viết được chữ nào, chỉ đóng vai diễn viên hút thuốc suốt... cả 60 ngày.

Đêm duyệt bản thảo, giám đốc chỉ đạo các nhân viên chuẩn bị đồ ăn thức uống thật thịnh soạn để bồi dưỡng các nhà văn. Nhà văn Chu Lai đảm nhận vai trò phát thanh viên, bởi vốn là một diễn viên kịch nói, ông có một giọng đọc không chê vào đâu được: vừa trầm ấm, vang, lại vừa biết nhấn nhá nuốt hơi nhả chữ khiến người nghe rung động. Ðình Kính - cha đẻ của những dòng văn ấy và Nguyễn Quang Thân dù không đóng góp một chữ nào cũng lặng người đi vì xúc động. Nghe đến câu cuối cùng, giám đốc kêu to: “Tốt! Tốt! Cứ như vậy là rất tốt!”

Hợp đồng đã kết thúc. 180 bao thuốc trừ 3 bao để ở 3 phòng, còn lại 177 bao đã được bán một cách bí mật, tiền đã được cho vào túi. Sau bữa liên hoan chia tay, ba nhà văn được ông giám đốc trực tiếp đeo vào ngón tay chiếc nhẫn 1 chỉ vàng. Các nhà văn cũng chia thành hai ngả: Đình Kính và Chu Lai trở lại TP.HCM để ra Bắc, còn nhà văn Nguyễn Quang Thân vào Cần Thơ chơi.

Đạp xe từ bến xe về khu nhà nghỉ của Hải quân, đi ngang qua Thảo Cầm Viên bỗng hai nhà văn thấy một đám đông con gái trẻ măng ríu rít ùa ra, người nắm ghi đông, người nắm tay, người ôm vai, người bóp đùi... Vùng vẫy mãi mới thoát ra đi tiếp được. Vừa về đến phòng nghỉ, đặt ba lô xuống, Ðình Kính rụng rời nhìn xuống ngón tay: Chiếc nhẫn vàng không còn nữa! Vừa tiếc vừa giận cái lũ con gái ấy phát điên lên.

Nhưng cuối cùng thì nhà văn phải bái phục, vì cái nhẫn khi ông giám đốc đeo vào ngón tay còn chật ních, ấn mãi mới được mà không hiểu nó lấy cách nào nhanh thế. Chu Lai thốt lên: “Tài đến thế là cùng! Tiên sư em Tào Tháo!” Ðình Kính đang đau như hoạn cũng phải cười... Sờ vào túi, may quá số tiền bán thuốc lá vẫn còn nguyên.