Chờ 40 năm để xem opera thuần Việt

ANTĐ - “Lá đỏ”, vở opera thuần Việt đầu tiên kể từ năm 1975 đến nay sẽ ra mắt vào ngày 25 và 26-5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Với đội ngũ tác giả gồm nhiều gương mặt tên tuổi như Nguyễn Thị Hồng Ngát, Đỗ Hồng Quân, NSND Anh Tú, vở opera không chỉ quy mô lớn về mặt dàn dựng mà còn giàu ý nghĩa đối với cuộc sống đương đại. PV Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện cùng NSND Phạm Anh Phương, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam về vở opera “Lá đỏ”. 

Vở opera sẽ tôn vinh những người  lính Trường Sơn

Màu sắc dân tộc hòa cùng yếu tố hàn lâm

- PV: So với “Cô Sao”, “Bên bờ K’rông Pa” từng ra đời vào khoảng thập niên 70, vở opera “Lá đỏ” có điểm gì khác biệt, thưa ông?

- NSND Phạm Anh Phương: Ba vở opera “Cô Sao”, “Bên bờ K’rông Pa” và “Lá đỏ” đều có điểm chung, đó là cảm hứng anh hùng ca và ngợi ca những người con đã xả thân vì nước. Còn trong “Lá đỏ”, người xem sẽ trở lại với không gian mênh mông của núi rừng Trường Sơn và đến với 8 cô gái thanh niên xung phong đã làm nên huyền tích “Hang Tám cô”. 

- Với đề tài chiến tranh cách mạng và sử dụng nghệ thuật đỉnh cao-opera để chuyển tải, ê kíp thực hiện có gia giảm thêm các yếu tố để tác phẩm gần gũi với khán giả Việt Nam?

- Từ năm 1975 đến nay, chúng ta ít có điều kiện xây dựng các vở opera tầm cỡ, mang tính học thuật. Đến khi “Lá đỏ” được dàn dựng, nhiều người cứ băn khoăn, liệu vở diễn có tiếp cận được với khán giả. Nhưng tôi khẳng định, vở diễn sẽ rất dễ xem. Bởi câu chuyện tác phẩm đề cập đã đi vào đời sống tinh thần của người dân Việt. Còn về giai điệu, lời hát thì chắc chẳng còn vở nào dễ xem như “Lá đỏ”.

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân đã lấy một phần giai điệu trong các ca khúc nổi tiếng như Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Lá đỏ… và các điệu hò dân ca. Những giai điệu quen thuộc ấy sẽ xóa nhòa định kiến của khán giả về âm nhạc bác học là khó xem và khó hiểu. Ở “Lá đỏ”, màu sắc dân tộc sẽ hòa quyện cùng yếu tố hàn lâm. 

- Ông có thể chỉ ra những cảnh diễn nào sẽ “đốn tim” người xem bằng nghệ thuật opera và sân khấu kết hợp?

- Dù đây là một vở opera về đề tài chiến tranh cách mạng, nhưng vở diễn lại chứa đựng những cảnh diễn rất lãng mạn. Đặc biệt, cái kết của tác phẩm đã sử dụng hình ảnh chiếc lá đỏ  như hình ảnh sự ngã xuống của mỗi người lính Trường Sơn giống như một giọt máu hồng, vừa linh thiêng lại vừa hào hoa. Những người lính ấy còn là hiện thân cho niềm tin tất thắng vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. 

Không để “Lá đỏ” “đắp chiếu”

- Xin ông cho biết, vì sao phải chờ đến 40 năm sau, một vở opera thuần Việt như “Lá đỏ” mới được ra đời?

- Năm 1965, nhạc sỹ Đỗ Nhuận viết vở opera đầu tiên của người Việt mang tên “Cô Sao”. Ông đã chuyển thể các quy tắc tối thiếu trong opera một cách khéo léo. Rồi sau đó, thêm một số vở được ra đời nhưng cũng từ những năm thập niên 70 đến nay, chưa có vở nhạc kịch nào do người Việt viết nhạc và các nghệ sỹ Việt Nam biểu diễn được ra mắt.

Lý do là, đất nước chúng ta chiến tranh liên miên. Đến khi hòa bình lập lại, đời sống người dân còn khó khăn, chưa có đủ kinh phí để dàn dựng các vở diễn tầm cỡ. Chính vì thế, khoảng thời gian 40 năm là cần thiết để một vở opera có quy mô như “Lá đỏ” được ra đời. 

- Hiện nay, các tác giả viết opera của Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông có cho rằng đây là một lý do nữa khiến các tác phẩm nhạc kịch thuần Việt hiếm khi được xuất hiện?

- Để có một nền opera phát triển cần hội tụ 3 yếu tố là: đội ngũ những người viết nhạc cho opera, khán giả và nghệ sỹ được đào tạo, nguồn kinh phí để dàn dựng tác phẩm. Ở Việt Nam, tôi thấy 3 yếu tố này đều yếu. Bên cạnh đội ngũ sáng tác, đội ngũ khán giả và nghệ sỹ còn non trẻ thì nguồn kinh phí hiện nay đều trông chờ vào tiền đầu tư của nhà nước. Chính vì thế, nền opera Việt Nam vẫn đang loay hoay để phát triển.  

- Còn với “Lá đỏ”, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã có kế hoạch nào để tác phẩm không lâm vào thảm cảnh “đắp chiếu” sau khi ra mắt chưa, thưa ông?

- Nghệ sỹ luôn cần đất để diễn, còn nhà hát luôn cần tác phẩm để bán vé. Được đầu tư quy mô nên việc để “Lá đỏ” “đắp chiếu” là việc không ai mong muốn. Nhưng việc này hoàn toàn căn cứ vào nguồn kinh phí của nhà hát có cho phép hay không.

Tuy vậy, chúng tôi cũng vui mừng tiết lộ rằng, trong vài năm trở lại đây, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã bán được vé dù khán giả đến mua chủ yếu là người nước ngoài. Tình cảnh này hoàn toàn trái ngược với cách đây 10 năm, có cho vé, khán giả cũng không đến xem. Từ nguồn kinh phí ấy, chúng tôi sẽ thu xếp để “Lá đỏ” được đứng trong kịch mục thường xuyên của nhà hát. 

- Xin cảm ơn NSND Phạm Anh Phương!