Chiến tranh biên giới qua ký ức tác giả "Gửi em ở cuối sông Hồng"

ANTD.VN - Khi chiến tranh biên giới phía Bắc bất ngờ nổ ra vào tháng 2-1979, nhà thơ Dương Soái – tác giả của bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” có mặt tại chiến trường ở mặt trận biên giới Lào Cai với tư cách phóng viên. Sau 38 năm, ký ức về những tháng ngày chiến tranh đau thương và khốc liệt vẫn còn in đậm trong ông.

Nhà thơ Dương Soái kể, cho tới bây giờ mỗi khi nhớ lại, ông vẫn không sao quên được những hình ảnh về cuộc chiến năm xưa, bắt đầu từ thời điểm sáng ngày 17-2-1979. Khi đó, nhận được tin quân Trung Quốc bất ngờ ồ ạt tấn công đồng loạt vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc, ác liệt nhất là khu vực Lào Cai, theo nhiệm vụ được cấp trên giao, ông xách balô đi nhờ xe bộ đội ngược ra trận.

Dọc đường đi, nhà thơ Dương Soái cùng các anh em bộ đội đã chứng kiến hình ảnh đau thương khi người dân ở các vùng biên giới tao tác chạy loạn… Trên mặt ai nấy lúc ấy đều biểu lộ sự ngỡ ngàng không thể hiểu nổi chuyện gì đang xảy đến với mảnh đất mà mình đang sinh sống.

Nhà văn Dương Soái bồi hồi nhớ lại những năm tháng khốc liệt không thể nào quên khi trận chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra năm 1979

Cũng theo nhà thơ Dương Soái, có mặt giữa cuộc chiến khốc liệt ấy, ông đã tận mắt thấy và cảm nhận được tinh thần chiến đấu quật cường, bất khuất của dân và quân Việt Nam. Đó là hình ảnh người dân quân tự vệ già ở vùng duyên hải phía Bắc cùng con trai ra đánh trận với quyết tâm phải bảo vệ bằng được quê hương mình.

Tác giả của bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” chia sẻ, ông cảm nhận rất rõ khí thế của quân và dân khi ra trận khi ấy, tất cả tạo thành sức mạnh cuồn cuộn.

“Quân và dân ta ra trận chiến đấu anh dũng lắm, đánh lại kẻ thù cho đến khi hết đạn, không còn đạn tiếp tế thì mới chịu lui về tuyến sau, mà lui về chuẩn bị rồi lại sẵn sàng lao lên tuyến trước” – nhà thơ Dương Soái bồi hồi nhớ lại.

Bài thơ "Gửi em ở cuối sông Hồng" được nhà thơ Dương Soái sáng tác đúng vào những năm tháng chiến tranh biên giới phía Bắc

Trong những ngày tháng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhà thơ Dương Soái kể, ông với tư cách phóng viên chiến trường cũng đã gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp với các chiến sĩ ở vùng hậu cứ. Đó là nơi bộ đội và dân quân từ mặt trận về tập trung ở Sở Chỉ huy Tiền phương của mặt trận Hoàng Liên Sơn (lúc đó đang tạm đóng tại khoảng giữa của thị xã Cam Đường và thị xã Lào Cai, cách biên giới 5-6km “đường chim bay”).

Tại đây, ông đã chứng kiến cảnh nhiều chiến sĩ nhìn thấy nhau là lao vào ôm nhau khóc, mặc cho máu từ vết thương đang chảy ròng ròng. Người về trước, người về sau, nhưng cứ thấy nhau là khóc vì người này tưởng người kia chết rồi. Trong hoàn cảnh đau thương gấp gáp ấy, các chiến sĩ vẫn tếu táo trêu đùa nhau: “chết làm sao được”.

Khi biết Dương Soái là nhà báo, các chiến sĩ còn nói với ông rằng: “Anh là nhà báo thì phải nói với mọi người rằng: còn chúng tôi, dứt khoát còn biên giới". Cũng trong chính lúc đó, các chiến sĩ còn nhờ ông gửi thư về gia đình mình, có người thì viết xong, có người đang viết dở chỉ kịp nhờ ông dán lại, có người đọc cho ông địa chỉ của gia đình và chỉ kịp nhờ nhắn rằng “Con vẫn sống”.

Nhà thơ Dương Soái bảo cũng chính từ những hình ảnh xúc động ấy, khi ngồi chờ tàu ở ga Phố Lu, ông ngồi bệt xuống sân ga và viết bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong vòng đúng 2 tiếng đồng hồ. Vừa viết, nước mắt ông vừa giàn giụa chảy.

Anh ở Lào Cai

Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt

Tháng Hai, mùa này con nước

Lắng phù sa in bóng đôi bờ

Biết em năm ngóng, tháng chờ

Cứ chiều chiều ra sông gánh nước

Nên ngày ngày cùng bạn bè lên chốt

Anh lại xuống sông Hồng cho thoả nỗi em mong

Đài báo gió mùa, em thương ở đầu sông

Đỉnh đồi cao chiến hào anh gặp rét

Biết mùa màng đồng quê chưa cấy hết

Tay em ngập dưới bùn, lúa có thẳng hàng không?

Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng...

Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy

Em ra sông chắc em sẽ thấy

Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông.

...

Thì hỡi em yêu ở cuối sông Hồng

Nếu gặp dòng sông ngàu lên sắc đỏ

Là niềm thương anh gửi về em đó

Qua màu nước sông Hồng, em hiểu chiến công anh.

Bài thơ sau đó được Hội văn học Nghệ thuật Hoàng Liên Sơn in, tiếp nữa báo Văn nghệ in.

Nhà thơ Dương Soái tâm sự, ông viết những dòng thơ này là để nói hộ nỗi lòng của các chiến sĩ khi ấy. Bản thân ông mỗi khi nhớ lại những thời khắc cam go này, cho tới giờ vẫn nghẹn ngào xúc động dù cuộc chiến đã đi qua gần 40 năm.

Cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 là nỗi đau không thể nào quên trong lịch sử dân tộc. Đến giờ, nhà thơ Dương Soái vẫn giữ niềm tin sắt đá rằng, khi đất nước lâm nguy, thì mỗi người dân Việt Nam đều sẵn sàng cầm súng ra trận chiến đấu với tinh thần và quyết tâm cao nhất. 

Nhạc sĩ Trương Quý Hải

Nhớ những đêm trắng ngồi hát bên đồng đội

Chiến tranh biên giới qua ký ức tác giả "Gửi em ở cuối sông Hồng"  ảnh 3

Tôi là người may mắn trở về từ cuộc chiến tranh biên giới và mỗi năm vào ngày 17-2, các anh em cựu chiến binh chúng tôi lại gặp gỡ nhau để nhớ về một quãng đời đẹp nhất trong đời người, cuộc đời quân ngũ.

Vào ngày đầu tiên của cuộc chiến, 17-2-1979, khi ấy tôi mới 15-16 tuổi và đang học lớp 8. Tất cả con trai của lớp học đều muốn lên đường nhập ngũ ngay, không ai còn thiết tha việc học hành. Chúng tôi đã viết đơn gia nhập quân đội nhưng bị từ chối vì chưa đủ tuổi.

Đến năm 1984-1985, khi ấy tôi đã được nhận vào quân đội để phục vụ giai đoạn sau của cuộc chiến. Tôi là người lính của sư đoàn 356 và được giao nhiệm vụ chôn cất các anh em đã hy sinh. Đó là một nhiệm vụ đau thương và đã ám ảnh tôi trong suốt cuộc đời còn lại.

Những người nằm xuống, họ đều còn trẻ, chỉ mười tám, đôi mươi nhưng thi thể của họ, mấy người còn lành lặn. Trong một lần chôn cất, tôi đã tìm thấy trong túi của người lính một mảnh vỏ bao thuốc lá Sa Pa.

Khi mở ra, tôi chỉ đọc được 3 chữ “Mẹ kính yêu” bởi màu máu hòa với màu mực Cửu Long, không thể đọc được các chữ tiếp theo. Tôi lờ mờ đoán được đây là một phần của bức thư gửi về cho mẹ.

Lúc này, tôi sực nhớ đến mẹ mình và mẹ của người lính đã ngã xuống. Họ giống nhau ở chỗ đều có con đang chiến đấu ở biên giới nhưng cái khác là tôi may mắn hơn người lính ấy.

Đêm hôm đó, bên những nấm mộ vừa đắp xong, một đêm trắng, không trăng không sao, chỉ lập lòe điểm đỏ của những ném hương, tôi đã ngồi hát cho các đồng đội đã ngã xuống ca khúc “Thư về với mẹ”. Một bài hát tôi sáng tác theo lối nghĩ ra câu nào thì hát câu ấy, không có nhạc, không có giấy bút để lưu lại.

Nhưng ca khúc ấy đã tạo bước ngoặt đối với cuộc đời nghệ thuật của tôi và chính thức đưa tôi vào con đường sáng tác chuyên nghiệp. Hơn 30 năm đã trôi qua, mỗi khi nghe lại ca khúc này, tôi lại nhớ tới mùi đất mới, với mùi sơn đen, sơn đỏ ghi trên những tấm gỗ với dòng chữ “Liệt sỹ vô danh”.

Đó là những ký ức đau thương và bi hùng. Sau này, ca khúc đã được tôi ký xướng âm và hòa âm phối khí để hát cho những người của thế hệ hôm nay được biết về một thời đã qua của đất nước.

Hàng năm, những người còn sống sót như tôi vẫn tới Đài hương 468 để thắp hương cho đồng đội đã ngã xuống và tham gia vào các đoàn công tác xã hội đền đáp, giúp đỡ thân nhân các liệt sỹ, thương bệnh binh.

Họa sĩ Văn Sáng:

Những ngày tháng 2 không quên

Chiến tranh biên giới qua ký ức tác giả "Gửi em ở cuối sông Hồng"  ảnh 4

 Ngày 8-9-1982 đối với tôi là ngày đặc biệt ý nghĩa. Ngày mà tôi cùng 300 tân binh - những bạn bè cùng trang lứa ở quận đội Hoàn Kiếm khi ấy lên biên giới phía Bắc, bảo vệ Tổ quốc.

Tôi thuộc biên chế sư đoàn 323, sư đoàn phụ trách một dải biên giới từ Quảng Ninh đến cửa khẩu Bắc Phong Sinh. So với Lạng Sơn và Vị Xuyên (Hà Tuyên, bây giờ là Hà Giang) thì nơi tôi đóng quân tình hình chiến sự đã bớt căng thẳng rồi.

Tuy nhiên, địa danh Pò Hèn vẫn gợi cho chúng tôi ký ức không thể lãng quên. Rạng sáng ngày 17-2-1979, đồn công an 239 bị pháo kích bất ngờ của quân xâm lược Trung Quốc đã hy sinh, chỉ còn duy nhất một người sống sót.

Những ngày tháng 2 này cho tôi nhiều cảm xúc. Tôi lên biên giới cầm súng bảo vệ tổ quốc khi mới 19 tuổi. Những năm tháng ở ngoài chiến trường đã cho tôi những trải nghiệm, đó là khoảnh khắc tôi chứng kiến đồng đội của mình hy sinh.

Những khó khăn, gian khổ, thiếu thốn đủ thứ, lương thực thuốc men. Đó là nơi mà một giọt nước quý hơn vàng. Đó cũng là nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau một ranh giới mong manh.

Gần 40 năm qua. Chiến tranh đã lùi xa. Lứa thanh niên lên đường nhập ngũ này ấy đều đã ở cái tuổi cận kề 60. Mỗi năm, những người lính cũ của sư đoàn 323 vẫn dành ra 2 ngày để gặp gỡ nhau, một là ngày 8-9 khi chúng tôi nhập ngũ và ngày 22-12, ngày thành lập QĐND Việt Nam.

Chúng tôi trở về từ cuộc chiến, mỗi người làm một nghề. Bạn bè tôi người làm xe ôm, người rửa xe máy, người ở nhà phụ vợ con bán đồ ăn sáng… Đời sống nói chung tạm ổn. Chẳng ai mong chiến tranh cả, nhất là những người trở về từ cuộc chiến như chúng tôi.