Chăm lo đời sống các nghệ nhân để thực hiện tốt công tác trao truyền

ANTD.VN - Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) Hà Nội đã công bố danh sách “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” gồm 70 hồ sơ nhằm thực hiện kế hoạch xét tặng danh hiệu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội năm 2018. Sau khi công bố, danh sách này sẽ được trình UBND TP Hà Nội và Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch phê duyệt.

Chăm lo đời sống các nghệ nhân để thực hiện tốt công tác trao truyền ảnh 1Ca trù và Tập quán xã hội tín ngưỡng thờ Mẫu có số lượng nghệ nhân khá áp đảo trong lần xét tặng này

Những định hướng ban đầu 

Hiện tại, Hà Nội có hơn 1.700 di sản văn hóa phi vật thể, tương đương với đó là sự phong phú về các loại hình, đông đảo nghệ nhân - những người đang thực hành, “cầm nắm” tri thức, tinh hoa, truyền dạy các loại hình văn hóa phi vật thể tới các thế hệ kế cận. Kể từ sau khi được 

UNESCO vinh danh, Di sản Văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Hà Nội đã tổ chức một số cuộc liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu để kiểm kê và đánh giá lại các giá trị của di sản này. Các cuộc hội thảo ngay sau đó đã góp phần định hướng, quản lý để hướng dẫn các hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu đi theo đúng truyền thống, tránh hiện tượng lợi dụng, mê tín dị đoan; lãng phí như đốt nhiều vàng mã hoặc hình ảnh phản cảm như tung tiền lẻ và cướp lộc.

Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, trong những năm gần đây, một số các lĩnh vực, hoạt động di sản văn hóa phi vật thể đã có nhiều tiến bộ, chẳng hạn như ca trù, hát xẩm, hát trống quân... Hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển rất nhanh nhưng có sự định hướng, quản lý ngay từ bước đầu.

Bên cạnh đó, Sở VH-TT Hà Nội đã triển khai tổ chức các hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu mang tính làm hình mẫu: khi đồng thầy lên biểu diễn sẽ có những nhận xét ở dưới cho những người tham gia được nghe lại, xem cái gì hợp lý, cái gì chưa phù hợp rồi có định hướng dần. Ví như đâu là địa điểm có thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, khi thực hành tín ngưỡng đồng thầy cần ăn mặc ra sao, hát văn thế nào, đưa lời mới vào thế nào, động tác mới thế nào không gây phản cảm.

Làm tốt công tác truyền dạy 

“Về công tác trao truyền giữa nghệ nhân với thế hệ kế cận, chúng ta không thể nào bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể mà chỉ dựa trên nhiệt huyết của cộng đồng được, cũng phải có nguồn kinh phí nhất định. Kinh phí để duy trì các hoạt động này ở cơ sở còn thiếu”, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội khẳng định và cũng nêu trăn trở: “Trong khi nguồn ngân sách cũng là một yếu tố nhưng cũng cần phải tính đến chuyện xã hội hóa nhiều hơn nữa cho việc hỗ trợ những hoạt động truyền dạy các loại hình văn hóa phi vật thể ở địa phương”.

Đây là lần thứ 3, Sở VH-TT Hà Nội tổ chức xét tặng nghệ nhân theo đúng các quy định của Nhà nước. Lần thứ nhất - năm 2015 có 39 “Nghệ nhân ưu tú” được xét tặng. Theo ông Trương Minh Tiến khẳng định, việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân là một dịp để tôn vinh, động viên những nghệ nhân thực hiện công tác gìn giữ và truyền dạy cho thế hệ kế cận. Họ thực hành, trình diễn và làm tấm gương cho những thế hệ mai sau. Trong chế độ chính sách của Nhà nước, các nghệ nhân được công nhận là “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân” sẽ được hỗ trợ với nhiều mức theo quy định tại Nghị định 109/2015/NĐ-CP về việc hỗ trợ đối với “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.

Theo Điều 3 của Nghị định về mức trợ cấp sinh hoạt hàng tháng sẽ có 3 mức cao nhất là 1 triệu đồng và thấp nhất là 700.000 đồng/tháng. Con số trên cho thấy chưa có sự khác biệt rõ nét giữa chính sách dành cho nghệ nhân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn với chính sách đối với hộ nghèo, người cao tuổi ở địa phương.

Ông Trương Minh Tiến cho biết thêm, dự kiến trong thời gian tới, Sở VH-TT Hà Nội sẽ có những kiến nghị với Bộ VH-TT&DL, các cơ quan chức năng Nhà nước sửa đổi lại một số điều khoản về hỗ trợ nghệ nhân. Cụ thể, nếu là “Nghệ nhân nhân dân” mà tuổi cao sức yếu thì nên hỗ trợ Bảo hiểm y tế đến suốt đời, khi nghệ nhân mất được mai táng phí, hoặc một tháng được phụ cấp bao nhiêu tiền cũng là nguồn động viên cho họ. Hoặc, nếu chính sách chung của Nhà nước không quy định đồng loạt, từng địa phương tùy theo ngân sách có thể thông qua Hội đồng nhân dân hỗ trợ một phần nào cho các nghệ nhân cao tuổi.

Trong 2 năm vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã nhận được 140 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 2 - năm 2018. Sau quá trình thẩm định đã chọn ra 70 hồ sơ, trong đó có 12 hồ sơ nghệ nhân đề nghị phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và 58 hồ sơ nghệ nhân đề nghị xét tặng “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 2 - năm 2018.