Cấm mặc quần đùi, áo may ô vào di tích

ANTD.VN - Chuyện ăn mặc hở hang, phản cảm tại di tích, nơi thờ tự, đền, chùa… vốn lâu nay gây “nhức mắt” dư luận. Song để cấm lại chưa có chế tài. Và khi Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng được ban hành và có hiệu lực đã khiến việc quản lý trở nên dễ dàng hơn.

Dễ dàng là có cơ sở để nhắc, để cấm, thậm chí quyết liệt hơn là ăn mặc mát mẻ quá thì kiên quyết không cho du khách vào nơi thờ tự. Một số nơi linh hoạt vận dụng cách cho mượn đồ mặc tạm, ra thì trả. Tuy nhiên, đồ cho mượn ấy hình dáng thế nào lại không hề đơn giản.

Cấm mặc quần đùi, áo may ô vào di tích ảnh 1Áo dài miễn phí cho du khách vào thăm Tháp Bà, Nha Trang.  Ảnh: VNE

Cho mượn áo, chống hở hang

Tròn 20 ngày Quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng do UBND thành phố Hà Nội ban hành có hiệu lực. Ngay sau khi bộ quy tắc này được áp dụng, một số di tích trọng điểm trên địa bàn Hà Nội bắt tay triển khai với khuyến cáo: “Không nên mặc trang phục hở hang, không phù hợp thuần phong mỹ tục, gây phản cảm”.

Đền Ngọc Sơn là di tích tín ngưỡng quan trọng bậc nhất, giữa trung tâm Thủ đô, trung bình mỗi ngày đón cả nghìn lượt khách. Bấy lâu nay, dù có đặt biển nội quy hướng dẫn nhưng tình trạng du khách ăn vận mát mẻ vào đền vẫn thường xuyên xảy ra. Khách ta còn đôi phần sợ “thánh quở” chứ khách Tây, đặc biệt là du khách châu Âu thì vẫn ở mức thoải mái.

Bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội cho biết, thực hiện tinh thần của Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng, di tích đền Ngọc Sơn hiện tại đang chuẩn bị một số việc như tuyên truyền, phổ biến quy định trên hệ thống các bảng nội quy bằng hai thứ tiếng Việt - Anh, đặt ở vị trí dễ quan sát nhất.

Bên cạnh đó, cũng tính tới phương án sắp xếp nhân viên hướng dẫn, giải thích các quy định cho du khách, đồng thời Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội đang lựa chọn mẫu thiết kế để may một số áo cho du khách mượn, mặc tạm, nếu trót diện thời trang mát mẻ.

Chuyện cho du khách mượn đồ mặc (mà không phải mua, hay thuê) thể hiện thành ý của ngành văn hóa Hà Nội mở rộng cửa đón khách bốn phương. Thế nhưng đằng sau chuyện “miễn phí” còn nhiều nỗi lo. Thiết kế trang phục sao cho đẹp, may số lượng bao nhiêu thì vừa. Với một di tích có diện tích không rộng như đền Ngọc Sơn thì đặt tủ đồ thế nào cho phù hợp để không ảnh hưởng đến cảnh quan chung cũng là điều phải nghĩ. Tiếp đó còn là cho mượn thì làm thế nào tổ chức nhân viên giám sát, thu hồi?

Cấm mặc quần đùi, áo may ô vào di tích ảnh 2Văn Miếu đang lựa chọn mẫu thiết kế áo cho khách trót mặc quần áo mát mẻ

Khuyến cáo ngay từ các hãng lữ hành

Đó là ý kiến của ông Lê Xuân Kiêu (Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hiện tại, Văn Miếu cũng đang triển khai việc áp dụng Quy tắc ứng xử nơi công cộng và nói theo lời Giám đốc Trung tâm thì cũng trăn trở với việc chọn mẫu thiết kế, phân vân giữa áo dài hay áo ngắn, rồi thì màu sắc thế nào? Nếu lỡ du khách ăn mặc quá thiếu vải thì có cho vào không, hay là vẫn cho vào “vòng ngoài” còn cấm vào nơi thờ tự.

“Nói chung có nhiều phân vân” - ông Lê Xuân Kiêu cho biết thêm, bởi lẽ, “Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng là một trong những di tích trọng điểm của Hà Nội, lượng khách đến di tích những ngày cao điểm lên tới vài nghìn người/ngày. Vì thế rất khó để tổ chức cho mượn đồ, bên cạnh đó, số lượng nhân viên của Văn Miếu cũng rất hạn chế.

Do đó, chúng tôi đang tính tới phương án tuyên truyền bằng phương tiện truyền thông kèm đó là gửi công văn đến các hãng lữ hành, các công ty du lịch để họ có thể nhắc nhở du khách, nhất là khách nước ngoài chuyện ăn mặc sao cho “nhập gia tùy tục”.

Không chỉ ở các di tích trọng điểm, nhiều di tích trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Trao đổi cùng PV Báo An ninh Thủ đô, ông Nguyễn Minh Kham - Trưởng ban quản lý chùa Hà (Cầu Giấy) cho biết, tình trạng ăn mặc phản cảm, không đúng thuần phong đến chùa trước đây khá nhiều, đặc biệt là ở nữ giới. Thời gian gần đây, Ban quản lý chùa Hà đã bố trí lực lượng giám sát trực tiếp nhắc nhở với những ai vi phạm, vì thế, tình trạng này đã được hạn chế.

Kinh nghiệm một số nước

Ai đã từng đến Thái Lan đều biết, nếu du khách ăn mặc trái với quy định của nước sở tại thì sẽ không được vào thăm các di tích. Ví dụ như khi vào Hoàng cung Thái Lan, trót ăn mặc “trái với quy định”, du khách buộc phải bỏ ra một số tiền thuê trang phục mặc rồi mới được vào thăm Hoàng cung. 

Myanmar cũng vậy. Tại các khu đền lớn thường có bán váy longyi (dành cho nam) và tamain (dành cho nữ). Váy quấn có dây buộc rất cơ động cho hình thể của du khách. Du khách phải cởi giày dép và tất ở cổng, trừ một số chỗ cho phép đi vào đến cửa điện thờ.