“Bản sắc văn hóa khiến bạn thấy mình giàu có“

ANTĐ - Chị là một người Việt Nam sống xa Tổ quốc gần 40 năm nhưng căn cốt người Việt Nam ở chị chẳng lẫn đi đâu được. Chị ra đi rồi trở về với một nỗi lòng đau đáu, ăm ắp trăn trở về việc giữ gìn bản sắc văn hóa Việt ngay trên chính quê hương mình và muốn làm một điều gì đó chỉ để thỏa cái nỗi lòng đau đáu ấy...
“Bản sắc văn hóa khiến bạn thấy mình giàu có“ ảnh 1

Bắc nhịp cầu văn hóa Pháp - Việt

Còn nhớ, 7 năm trước, tôi biết đến chị - một người phụ nữ đứng tuổi trở về từ Paris tráng lệ với mong muốn không phải trở về quê hương để hưởng thụ. Ngày đó, tôi cũng được biết đến ngôi nhà 31A bình dị như bao ngôi nhà khác trên con phố cổ Văn Miếu gây chú ý khi nó được “khoác” lên mình một tấm áo mới với tên gọi “Maison des Arts” (Ngôi nhà nghệ thuật); và điểm đến này đã thu hút đông đảo công chúng yêu nghệ thuật Thủ đô… Ai bước vào ngôi nhà ấy cũng ngỡ mình đang tham quan ngôi nhà của một nghệ sỹ - chủ nhân của những giá trị nghệ thuật từ quá khứ đến đương đại được trưng bày, sắp đặt. 

Năm 1972 thế kỷ trước, chị Nguyễn Nga theo gia đình rời Việt Nam sang Lào rồi sang Pháp, sau đó theo học chuyên ngành thiết kế - quy hoạch đô thị và kiến trúc. Chị Nga kể trong chị sẵn có chút “nghệ” (cái này chắc là do gens của gia đình bởi bố chị là một kiến trúc sư rất yêu hội họa và âm nhạc), những năm tháng sinh viên, chị làm Trưởng ban văn nghệ sinh viên Việt Nam tại Paris, chuyên đứng ra tổ chức những đêm văn hóa Việt Nam vào các dịp lễ, hội, Tết Nguyên đán để giới thiệu văn hóa truyền thống của Việt Nam như dân ca, quan họ, múa, trình diễn các hoạt cảnh thần thoại… tới đông đảo bạn bè Pháp. Năm 1984, bộ sách đa văn hóa song ngữ Việt - Pháp do chị khởi xướng với 2 mục đích, một là để bồi đắp văn hóa Việt cho chính con cái mình và những người con Việt sống xa quê hương, hai là để giới thiệu những câu chuyện cổ tích Việt Nam tới cộng đồng các nước nói tiếng Pháp. Đến nay, 100 tựa sách do chị Nga làm chủ biên được Nhà xuất bản L’Harmattan phát hành đã hiện diện tại các thư viện ở hàng chục quốc gia. Thời đó, “Maison du Vietnam” rộng 500m2 với thư viện, phòng tranh, quán ăn… đã thực sự trở thành chiếc cầu nối văn hóa, một mẫu số chung kết nối con người giữa 2 quốc gia, để con người xích lại gần nhau. Và theo tâm sự, “mối tình đầu” của chị với nghệ thuật được khởi nguồn ở đó… 

Hôm nay có dịp gặp lại chị, không phải nơi của 7 năm về trước ở 31A Văn Miếu, mà ở một “Ngôi nhà nghệ thuật” khác ẩn sâu trong con ngõ nhỏ ở địa chỉ 22A Hai Bà Trưng. Và câu chuyện với chị vẫn vậy, lửa nhiệt huyết vẫn căng tràn, với văn hóa, với truyền thống, với những giá trị vĩnh cửu bằng một tình yêu đặc biệt với Hà Nội. “…Tôi đã tìm về các làng quê đồng bằng Bắc bộ vì mê tiếng sáo diều vi vu những chiều hè. Hình ảnh làng quê, diều bay cao ngút ngàn trong tiếng sáo, thả những giai điệu nâng bổng ước mơ đã làm tôi say đắm. Và tôi đã làm như thế, ước mơ tìm lạị những tinh hoa trong lịch sử, trong văn hóa mang đậm bản sắc truyền thống Việt kết nối với hiện đại, để tỏa hương, để bay cao, bay xa tới tận chân trời, góc bể, năm châu. Dù tốn không ít công của nhưng tôi đã mơ và dám làm. Là người có cơ hội được sống giữa 2 nền văn hóa phương Tây và phương Đông, tôi mong muốn chia sẻ một chút gì đó đặc sắc về những nơi mà tôi đi qua và dĩ nhiên đặc biệt nhất là tình yêu thương đất mẹ, muốn được tìm về tắm mình trong tinh hoa hồn Việt nghìn năm còn ướp hương”. Và sau hàng chục năm xa cách, chị vẫn khát khao được quay trở quê hương và vẫn thăm thẳm một nỗi nhớ về nơi cũ.

Lại tiếp tục với cây cầu Long Biên

Và với chị, “Ngôi nhà nghệ thuật” chỉ là điểm khởi đầu, còn đó giấc mơ biến cầu Long Biên thành một không gian bảo tàng treo lơ lửng giữa trời và nước nữa chứ, dưới một lát cắt nào đó, chị đã làm được và thành công - đó là sự vang dội của 2 kỳ Lễ hội trên cây cầu Long Biên lịch sử năm 2009, 2010. Phải chăng vì thế người ta đã gọi chị bằng cái tên “Chị Nga cầu Long Biên”. 

“Tại sao tình yêu của chị với cây cầu Long Biên lại lớn đến vậy khi sẵn sàng vì nó mà chị mất không ít công của, phải bán cả gia sản, hy sinh cả hạnh phúc riêng tư?”, chúng tôi hỏi, thì được chị đáp: “Gustave Eiffel là tác giả của cây cầu Long Biên, tháp Eiffel và Tượng Nữ Thần Tự do, vì vậy tôi có tham vọng đưa Hà Nội lên ngang tầm với Paris và New York với biểu tượng Cầu Long Biên - điểm nhấn của Hà Nội, mang hình ảnh Việt Nam ra hội nhập với thế giới để trở thành điểm đến của du lịch.

 Năm 2007, khi được biết đã có dự án cải tạo cầu Long Biên bằng nguồn vốn ODA Pháp từ những năm 2000, nhưng không gặp được một sự đồng thuận trong việc sử dụng cây cầu sau khi cải tạo với công năng giao thông thuần túy hay di sản, nên dự án chưa được thông qua. Đứng trước nguy cơ cầu Long Biên bị “tháo dỡ”, tôi đã tìm mọi cách khơi dậy tình yêu của người Hà Nội về ký ức thế kỷ XX mà cây cầu Long Biên là nhân chứng. Phải bảo tồn đúng cách và phát huy giá trị đúng nghĩa: khơi dậy khí phách dân tộc, tạo khối đoàn kết toàn dân, thúc đẩy kinh tế du lịch, kết nối đưa văn hoá lịch sử Việt Nam ra thế giới”. Nhưng để thành công mọi chuyện không đơn giản, để thực hiện hóa dự án bảo tồn, cải tạo và phát triển cầu Long Biên, có những lúc chị rơi vào khánh kiệt kinh tế, rồi hạnh phúc gia đình tan vỡ… Nguyễn Nga đón nhận tất cả, chị bình thản trên con đường tiến tới phía trước với những ý tưởng, dự định văn hóa phục vụ cộng đồng.  

Nhưng Nguyễn Nga không cô độc với sự lựa chọn của mình, bằng chứng là qua 2 kỳ Lễ hội cầu Long Biên cho thấy sự gắn bó của người dân Hà Nội với cây cầu của họ - cũng giống như chị - mọi người sẵn sàng đồng thuận góp sức, trái tim sáng tạo để gìn giữ một cây cầu mang tính quốc tế đã nổi tiếng và được thừa nhận. Và Lễ hội cầu Long Biên chỉ là khởi đầu cho giấc mơ lớn của Nguyễn Nga, đó là việc phát triển trục đường văn hóa, lịch sử, du lịch. Trong đó cầu Long Biên dài 2km sẽ là phố đi bộ xanh, một không gian bảo tàng thơ mộng treo lơ lửng giữa trời và nước, nhìn xuống công viên nghệ thuật trên bãi giữa sông Hồng, đưa cầu Long Biên trở thành một biểu tượng văn hóa, lịch sử của Hà Nội. Dù dự án “Bảo tàng ký ức cầu Long Biên” của Nguyễn Nga chưa được phê duyệt, dù chị đã bỏ ra khoản tiền cá nhân không nhỏ để theo đuổi dự án này mà chưa thu lợi về, nhưng chị vẫn hân hoan trong lòng, bởi chị nhìn ra được giá trị của cầu Long Biên lớn hơn vạn lần chức năng giao thông thuần túy.

Phương án chị đề xuất là cây cầu vẫn giữ chức năng giao thông nhưng không khói (đi bộ, xe đạp, xe điện hoặc tàu điện nhỏ); bãi giữa sông Hồng sẽ thành công viên nghệ thuật, 2 đầu cầu là hai Bảo tàng Cổ vật (Tháp nước Hàng Đậu) và Bảo tàng Nghệ thuật đương đại (Tháp Sen), 131 vòm cầu cạn (phố Gầm Cầu - phố Phùng Hưng) sẽ được mở ra thành khu phố nghề nghệ thuật của Việt Nam và thế giới, và trở thành một di sản kiến trúc mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội…

Chị tâm sự rằng nếu đã làm một việc gì đó chị sẽ theo đuổi đến cùng, đó là sự đam mê để theo đuổi ước mơ. Vẫn lại là cầu Long Biên - Lễ hội văn hóa các dân tộc vì hòa bình đang được chị ráo riết chuẩn bị để ra mắt từ ngày 19 đến 21-12 tới - “Đây sẽ là một sự kiện đặc biệt diễn ra để chào mừng hàng loạt những sự kiện đặc biệt như kỷ niệm 15 năm Hà Nội được Unesco vinh danh là “Thành phố vì Hòa bình”; chào mừng những ngày lễ trọng đại và kỷ niệm 112 năm tuổi cây cầu Long Biên (1902-2014)… Lễ hội sẽ được tổ chức theo hình thức một lễ hội đường phố, hội tụ các loại hình nghệ thuật đặc sắc như trình diễn và giới thiệu trang phục các dân tộc Việt Nam; Biểu diễn và giới thiệu văn hóa của người Mỹ (da đỏ); Đạp xe vì hòa bình; Ngày hội vẽ ký họa và truyền thần; Ngày hội giao lưu nghệ thuật thư pháp; Biểu diễn nghệ thuật đường phố trên cầu; Hội chợ sách; Triển lãm giới thiệu hành trình đi tìm hòa bình của các nhà yêu nước Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Võ Nguyên Giáp; Trại sáng tác quốc tế; Triển lãm diều sáo hòa bình cho Việt Nam…”. Theo lời kể của chị Nguyễn Nga, hàng chục sự kiện văn hóa sẽ diễn ra trong dịp lễ hội lần này nhưng nổi bật nhất là phần giới thiệu 68 lá Quốc kỳ của 68 quốc gia với dòng chữ “Hòa bình” bằng mọi thứ tiếng, trên đoạn cầu bị mất nhịp bởi chiến tranh và cùng ký vào cuốn sách khổng lồ “1 triệu chữ ký vì hòa bình cho Việt Nam và thế giới”… 

Với triết lý sống: Văn hóa mới làm con người ta sang, bản sắc văn hóa Việt khiến bạn thấy mình giàu có, Nguyễn Nga đã có cuộc trở về mà theo chị nó đầy mạo hiểm nhưng chị sẵn sàng chấp nhận như một người bước ra từ quá khứ để hiện tại - được chắp cánh cho những ước mơ nghệ thuật, để gìn giữ những tinh hoa văn hóa truyền thống Việt Nam.