Âm thanh cầu thang gỗ

ANTĐ - Một lần đến thăm người bạn, nhà chật, trần thấp, bà vợ đon đả: “Bác ngồi chơi, ông ấy dở tí việc trên ấy”, vừa nói vừa hất đầu ngước mắt lên trần nhà. Ra là nhà có “lầu” à? Quái, nhìn quanh quẩn chẳng thấy cái thang đâu, thì bỗng nhiên một cái nắp trên trần bật mở, từ cái lỗ đen ngòm độ sáu tấc vuông thò xuống, đầu tiên là một cái thang gỗ đóng vụng về, tiếp đến là đôi cẳng chân gầy như ống điếu của ông bạn từ từ lần xuống, rồi mới thấy người, rồi mới thấy tay và cuối cùng là khuôn mặt mồ hôi nhễ nhại với nụ cười toe toét, cặp mắt lèm nhèm. 

Ấy là nói về cái thời gian khó ở Hà Nội, khi mà mỗi cặp vợ chồng trẻ cộng hai đứa con mà có được chừng mươi mét vuông nhà ở đã là “lý tưởng” lắm rồi thì cái cầu thang di động kiểu như ở nhà ông bạn tôi là một giải pháp khá phổ biến lúc ấy. Một sự tận dụng không gian tối đa! Cái khó ló cái khôn, chắc không ở đâu trên thế gian này “giỏi” như người Hà Nội. Tôi đã thường gặp trong rất nhiều ngôi nhà hay căn hộ đông người ở Thủ đô, không gian được tận dụng kín từ gầm cầu thang, cho đến tận khoảng trống dưới lớp mái nhà.

Như gia đình nọ, ở tầng một (trong nam gọi là trệt) ngay gầm cầu thang tôi đã phải chào một bác họa sĩ già đang lụi hụi pha màu trong ánh sáng yếu ớt chiếu vào qua khe cửa nhỏ, bước lên lầu rồi lên gác xép, lại thêm gác xép nữa chồng lên… gác xép, cứ tầng tầng lớp lớp, theo từng thế hệ sống.

Tầng ông bà, tầng cha mẹ và cuối cùng mới “bò” lên được cái tầng áp mái, nơi ông bạn kiến trúc sư danh giá của tôi đang ngồi mải miết vẽ tương lai thành phố với những nhà cao tầng, biệt thự nguy nga, tráng lệ. Và tất nhiên rồi, mỗi tầng gác ấy lại được nối với nhau bằng một hệ thống thang chằng chịt, đan chéo nhau, những chiếc thang gỗ đóng vội, mộc mạc. Sau này khi đã bước lên nhiều nấc thang thành đạt, chả biết anh có nhớ những bậc thang đầu tiên của cuộc đời là như thế.

Mỗi người thường thích chọn một cái gì đó làm nơi cất giữ những kỷ niệm của mình, với tôi là một cái cầu thang gỗ mà hình ảnh và những âm thanh của nó đã thực sự in dấu sâu đậm trong lòng. Nó ở nơi mà tôi đã sống trong suốt hai mươi năm đầu tiên của cuộc đời, nơi mà khi xa rồi mỗi năm tôi không thể thiếu một lần về lại. Tuổi của cái cầu thang gỗ lim này có lẽ cũng chừng non thế kỷ.

Những bậc thang chưa hề bị mục, mà chỉ mòn đi, lên nước bóng nhẵn. Những con tiện chạy dọc một bên thang dưới thanh tay vịn thật tinh xảo, mềm mà không diêm dúa. Trong sự tưởng tượng cổ tích, dưới ánh mắt trẻ con, chúng như những “chú lính chì dũng cảm” của Anđecxen. Anh em tôi chẳng mấy khi đi xuống theo những bậc thang mà thường trèo lên tay vịn và “tụt”, làm cho thanh gỗ ấy càng ngày càng sạch, càng bóng lên.

Nhưng ấn tượng nhất và vang đến tận bây giờ là tiếng lộc cộc chân người, một thứ âm thanh chỉ có ở những cầu thang gỗ. Dù những sớm mùa đông giá rét hay những ngày hè nóng nực, đúng 5 giờ sáng là tiếng guốc nhẹ nhàng của mẹ tôi lại chầm chậm, khe khẽ vang lên. Bà dậy sớm, đun nước, pha cà phê, làm ăn sáng cho cả nhà. Tôi thường đoán được người qua tiếng bước lên thang. Hơi ầm ầm, chắc nịch là bước của cha. Nhẹ nhàng nhịp chậm là bước của mẹ. Và ngày đầu tiên em đến, những bước chân rụt rè khe khẽ.

Thời chiến tranh, bom rơi đạn nổ hàng ngày, hàng đêm trên bầu trời thành phố. Gầm cầu thang thành nơi trú ẩn, lúc nửa đêm, khi về sáng, vào những ngày cao điểm có khi chạy lên, chạy xuống hàng chục lần, mãi thành quen. Với chiến tranh thì chả có chỗ nào là an toàn cả, nhưng người ta sẽ cảm thấy an tâm khi ở nơi không nhìn thấy nó, nên trong căn hầm “gầm cầu thang” ấy, không một chút biểu hiện lo âu trên khuôn mặt mọi người.

Khi ngoài trời bom cứ nổ, đạn cứ rơi, các ông bố vẫn ngồi đọc báo trong ánh đèn pin mờ mờ, các bà mẹ ôm con ngồi lim dim ngủ. Trong gầm cầu thang theo dọc bức tường, mọi người bình thản như trên một chuyến tàu điện trở về nhà vào mỗi buổi chiều. Xét về mặt này, cái gầm cầu thang ấy có thể coi là một di tích lành lặn của chiến tranh. 

Sau này tôi cũng thường gặp ở đây đó, Paris, Amsterdam hay Cracow, trong những khu phố cũ, những căn nhà cổ kiểu di tích, đa số là những cầu thang gỗ. Cho dù rất đơn giản, chỉ là một vài miếng ván gác lên nhau, những khúc gỗ còn nguyên sơ như những khúc củi, hay đấy là một cầu thang cầu kỳ, kiểu cách, chúng đều được cẩn thận giữ gìn. Có nơi còn nguyên cả hàng phấn viết những nét chữ nguệch ngoạc từ năm mươi năm trước, luôn làm cho người ta cảm thấy như chúng đang kể một điều gì đó về ngày hôm qua.

Cái cầu thang trong mỗi ngôi nhà, bên cạnh một công năng giao thông ai cũng biết, nó còn là một thành phần thực sự gây cảm xúc thẩm mỹ và tình cảm. Để đạt được yêu cầu công năng không quá khó, nhưng để có được hiệu quả cảm xúc thì thực sự không phải lúc nào ta cũng gặp. Ngắm nhìn và đặt chân bước lên bậc cầu thang ở mỗi chỗ khác nhau, ta thường có những xúc cảm thật khác nhau.

Một cái thang gỗ xinh xắn, giản dị, được đặt đúng chỗ như một vật trang trí sẽ mang lại cho ta một cảm giác nhẹ nhàng, êm dịu. Bước lên những bậc thang như thế, ta như được một bàn tay mềm mại của người phụ nữ, có thể là mẹ ta, là người yêu ta, đang dắt ta đi vào “nhà ta”, đến một nơi vô cùng ấm áp và gần gũi.

Ngược lại, bây giờ vào nhiều ngôi nhà mới thật lộng lẫy, nguy nga, cho dù chỉ là nhà ở, biệt thự gia đình, song ta lại gặp những cái cầu thang thênh thang, đồ sộ trông như ở chỗ cường quyền. Đi trên những bậc thang lát đá cẩm thạch bóng lộn, với những thanh tay vịn và lan can cầu thang kiểu cách có hình rồng, hổ, những nốt nhạc, lá cây hay những bông hoa bằng sắt, những thanh inox sáng loáng, con người ta cứ cảm thấy như bị hù dọa.

Những cầu thang kiểu đó, nếu không khiến ta khép nép thì cũng thấy vô cảm, lãnh đạm thế nào. Và hình như chỉ khi bước chân lên những bậc gỗ với tiếng lộc cộc, ta mới cảm nhận rõ nhất được sự ấm áp, gần gũi, cho dù đấy chỉ là những cái bậc rất mộc mạc, đơn sơ