18 tông màu cát kỳ vĩ ngự trị "Thủ đô resort"

ANTD.VN - Trước khi đi Phan Thiết, một người bạn đã nới với tôi rằng: “Mũi Né bây giờ toàn resort, chẳng khác gì đảo Bali của Indonesia”. Trên từ điển Wikipedia thì Mũi Né được gọi là “Thủ đô resort” của Việt Nam.

Tôi đi xe buýt đường dài từ Nha Trang, qua Phan Rang, Phan Rí rồi đến Phan Thiết. Xe thả chúng tôi tại một văn phòng du lịch - một căn nhà hơn chục mét vuông nằm ngay trên mặt đường Nguyễn Đình Chiểu nắng chang chang, con đường duy nhất của khu du lịch. Nhân viên vồn vã hỏi tôi có cần khách sạn không? Tất nhiên tôi trả lời có. Sau đó cô gái đưa ra 2 gói tour du lịch phổ biến của Mũi Né để chào mời. Tôi đồng ý thuê một căn phòng qua sự môi giới của các cô với giá 25 USD và hẹn sẽ suy nghĩ thêm về việc có nên “mua” tour hay không. 

18 tông màu cát kỳ vĩ ngự trị "Thủ đô resort" ảnh 1Cồn Cát Trắng

Phan Thiết: Biển ở đâu? 

Khách sạn mà tôi thuê được chỉ có mỗi tôi là người Việt, còn lại toàn khách châu Âu. Phòng ốc cũng tiện nghi, sạch sẽ, nhưng ngay hôm sau tôi phải chuyển khách sạn với lý do đi Phan Thiết mà chẳng được nghe thấy tiếng sóng biển hay nhúng chân vào nước mặn. Con phố Nguyễn Đình Chiểu chạy dài ven biển. Phần sát bờ biển đã bị toàn bộ các resort chiếm lĩnh, còn bên kia đường chủ yếu là dãy nhà hàng, tiệm tạp hóa, bar - cà phê, cửa hàng lưu niệm, các đại lý du lịch và vài khách sạn nhỏ.

Đứng giữa phố chẳng nom thấy biển đâu vì tầm nhìn đã bị “Thủ đô resort” che hết. Muốn ngắm biển thì liệu mà đi ngược lại hướng Mũi Né hoặc ra đầu ngã dẫn lên trung tâm thành phố Phan Thiết. Còn muốn tắm biển thì tôi chưa tìm thấy bãi công cộng khả dĩ nào có thể mang phao bơi ra được. Đành đoạn chọn một resort phía bên kia đường với đầy đủ bể bơi, phòng spa, massage, tiệm làm tóc và nhà hàng.

Các resort có giá trung bình dao động từ 50-200 USD. Resort nào cũng có một vài bể bơi bên trong, lớn nhỏ tùy theo quy mô khách sạn. Và cho dù có những khách sạn nhỏ xíu người ta vẫn gọi là resort vì nó có bể bơi. Phần sau mỗi khách sạn đều thông ra biển, và đây chính là lợi thế khiến các resort hút khách. 

Nơi gió cát ngự trị 

Nhắc đến Phan Thiết, ngay cả người chưa bước chân đến đây bao giờ cũng nghĩ ngay đến cát và nước mắm. Cát có mặt ở khắp mọi nơi. Bãi biển, suối cát và cồn cát. Về đến nhà cả vài tháng sau vẫn tìm thấy cát trong gấu quần, túi áo và ống kính máy ảnh. Dọc các bờ biển Phan Thiết người ta trồng nhiều rặng phi lao, vừa để tránh gió vừa để tránh cát. Sức gió ở đây quả là khủng khiếp. Đi xe máy trên bờ biển thấy run người vì gió làm lạng cả tay lái. Vì thế gió cũng thổi cát bay mù mịt.

Giữa cái nắng rực lửa, những làn gió cát thi nhau găm vào da thịt như kim châm, buốt đến không chịu nổi. Người chưa có kinh nghiệm, cứ nghĩ đi biển là mang xống áo “mát mẻ” thì cũng chỉ nên quanh quẩn ở resort, khó có thể đi đâu ra ngoài vùng gió cát.

Ngoài khu vực du lịch chính ra, đi miết lên mạn Ke Gà hay xuống Mũi Né đều không tránh khỏi nạn “cát bay”. Có lẽ vì thế mà đồi cát Mũi Né còn có tên là “Đồi Cát Bay”, vì gió thổi cát di chuyển hàng ngày khiến những cồn cát luôn thay hình đổi dạng theo từng giờ. Cát ở đây có đủ màu sắc: Cát đỏ ở khu vực mỏ sắt cổ; cát trắng ở bãi biển và Cồn Cát Trắng; cát hồng ở khu vực Suối Tiên và Đồi Cát Đỏ; cát trắng xám chỗ giáp ranh Ninh Thuận và Bình Thuận; cát đỏ đen tập trung tại khu Bồng Lai Tiên Cảnh; cát vàng và cát nâu ở một số khu vực bãi biển. Có 18 tông màu cát tất cả. Chỉ riêng cát bụi thôi cũng đã là một điều kỳ vĩ tạo nên Phan Thiết. 

Cồn Cát Trắng

Ngày hôm sau, tôi thuê một chiếc xe Jeep đi vài khu vực chính ở Mũi Né. (Ở đây người đi tour đều sử dụng xe Jeep cho ba địa danh là Suối Tiên, Cồn Cát Đỏ, Cồn Cát Trắng với giá dao động khoảng 400.000 đồng). Đấy là lần đầu tiên tôi đi Jeep. Ngày trước vẫn mơ mộng hão huyền về một chuyến ngồi trên xe Jeep, thấy có vẻ rất phiêu lưu mạo hiểm, rất… điện ảnh, rất… sành điệu.

Chiếc xe Jeep của tôi, khốn khổ thay lại không có mui, mà không mui hay có mui thì cũng có khác gì nhau, vẫn hứng trọn cái nắng nóng gai người của một vùng cồn cát, vẫn bị cát bay đến buốt da thịt, vẫn bị gió tốc tác rối bù cả đầu tóc. Tóm lại là sau ba chục cây số chạy sầm sập với tốc độ tử thần của xế Phan Thiết thì khách trên xe thấy bạc cả mặt (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Và phàm nếu bạn có bệnh dạ dày kinh niên thì đừng dại mà chọn xe Jeep. 

Cồn Cát Trắng nằm ngay bên một hồ nước trồng nhiều sen. Tay mặt là rừng cây thưa. Nhìn từ xa, cồn cát lấp lánh sáng dưới nền trời xanh ngắt đến gai lòng. Những cồn cát trắng là nguồn cảm hứng cho bao tác phẩm nhiếp ảnh đoạt giải thưởng quốc tế đã nằm ngay trước mặt. Tuy không phải là những cồn cát miết dài vô tận in dấu chân người gánh muối vào mỗi bình minh trong các bức ảnh đặc tả bóng dáng nhỏ xíu của những người đàn bà lam lũ, Cồn Cát Trắng dành cho khách du lịch ở đây dù sao cũng còn hấp dẫn chán. Một trò chơi thú vị ở các cồn cát Phan Thiết là trượt cát.

18 tông màu cát kỳ vĩ ngự trị "Thủ đô resort" ảnh 3Nhà văn Di Li

Những đứa trẻ đã đứng đợi sẵn ở bãi đậu xe, rao mỗi tấm ván trượt bằng nhựa với giá 20.000 đồng. Chúng hỏi tôi có cần người hướng dẫn không. Tôi không cần một người hướng dẫn. Chẳng ai cần người hướng dẫn cả. Cứ thuê tấm nhựa ấy rồi lên đỉnh cồn cát mà trượt xuống, có gì mà phải hướng dẫn. Những cô gái da trắng cũng mỗi người vác theo một tấm ván nhựa. Vác được lên bìa cồn cát, một đám cậu bé cưỡi ngựa phi nước đại đến quây kín lấy tôi hỏi có muốn thuê ngựa leo lên kia không.

Cái cồn cát bé tí này có chi mà phải leo lên mình ngựa, đi bộ cũng là cái thú. Sau mới thấy tất cả những sự từ chối của mình đều là dại dột. Tất cả những người vác tấm ván trượt lên đỉnh cồn cát đều không ai thực hiện được cú trượt tưởng chừng như rất dễ dàng ấy. Từ đỉnh cồn cát cao trót vót nhìn xuống dốc cát dựng ngược thấy muốn chóng mặt. Nhưng khi ngồi lên, cát rít kịt chỉ nhúc nhích được chừng vài chục phân.

Và cái cồn cát tưởng chừng đi bộ một lúc là đã lên đến đỉnh thực ra rộng mênh mông, đi mãi vẫn chỉ loanh quanh khúc ngoài. Nhìn những đứa trẻ rong ngựa lên tận đỉnh cao nhất, ngựa đứng lại đấy ve vẩy đuôi, kiêu hãnh như người kỵ sĩ ngắm hoàng hôn đang buông xuống để nhuộm vàng những dải cát trắng mới thấy nuối tiếc. Những dòng khách du lịch nhỏ xíu vẫn nối nhau bò lên đỉnh đồi cát khi sắc cát đã đổi màu theo khúc xạ mặt trời. Người ta thi nhau chụp ảnh, mặc cho bụi cát bay mờ cả mắt. 

*    *    *

Đối tượng du lịch chủ yếu của Mũi Né là khách Nga và khách Đức, vì thế thậm chí còn có hẳn một làng Nga mọc lên để phục vụ thượng đế. Khu resort mà tôi lưu lại trong hai ngày tiếp theo được thiết kế theo phong cách nhiệt đới với một vườn cọ xanh um bao quanh bể bơi. Chỉ vài bước chân là đã ra đến bờ biển lộng gió. Ban đêm, biển vắng lặng không người, ghế băng rất sẵn, và bạn có thể nằm dài trên một chiếc ghế mà ngắm nhìn trăng trời xanh ngắt qua những ngọn phi lao. Biển thì đen thẫm ầm ào dưới chân, và sóng và gió và cát. Không gian tiện nghi hiện đại đã bị bỏ lại đằng sau, nhường chỗ cho một vùng hoang sơ nguyên thủy của mênh mông sóng nước…