Xử lý nghiêm để trị bệnh "chặt chém" du khách

ANTD.VN - Một thanh niên ở Đà Nẵng cách đây ít ngày đã bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội vì “chặt chém” khách tới 300.000 đồng tiền đánh một đôi giày. 

Trước đó cũng chỉ vài ngày, một nhà hàng khác ở Đà Nẵng cũng đã bị xử phạt 15 triệu đồng vì hành vi bán cao hơn giá niêm yết. Dù sự việc này chỉ được khách hàng bức xúc phản ánh trên mạng xã hội, nhưng ngay lập tức Thành ủy Đà Nẵng đã có văn bản gửi Sở Du lịch, Công Thương yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm để “giữ môi trường kinh doanh, du lịch lành mạnh trên địa bàn thành phố”.

Còn tại Hà Nội, đầu tháng 7 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự, CATP Hà Nội đã ra lệnh bắt khẩn cấp và tạm giữ hình sự 3 đối tượng là chủ một quán karaoke trên địa bàn để điều tra, xử lý vụ việc cưỡng đoạt tài sản. Những đối tượng này sau khi bị khách ngoại quốc phản ứng vì tính tiền hát karaoke với giá “cắt cổ” đã dùng thủ đoạn dọa nạt hành hung buộc khách phải trả tiền.

Hay trước đó, một đối tượng “xe ôm” hành hung khách nước ngoài vì không chịu trả số tiền 500.000 đồng cho quãng đường từ hồ Hoàn Kiếm về Đào Tấn cũng đã bị lực lượng công an triệu tập để điều tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

Có thể thấy thời gian gần đây, bất kỳ hành vi “chặt chém” du khách nào tại các địa phương du lịch nếu được nạn nhân trình báo hoặc dư luận quan tâm đều đã được các cơ quan chức năng xử lý nghiêm. Điều này là rất đáng mừng, vì hàng chục năm nay “chặt chém” du khách vốn được coi là vấn đề đau đầu đối với  ngành Du lịch, là điểm trừ lớn nhất khiến khách du lịch một đi không trở lại, dù thực tế Việt Nam luôn giành top đầu trong các bảng xếp hạng du lịch về các tiêu chí cảnh quan thiên nhiên và giá cả.

Điều này càng quan trọng trong bối cảnh du lịch đang được coi là một ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW và được kỳ vọng sẽ đóng góp tạo ra khoản thu lớn để bù đắp những khoản thu bị hụt như khoáng sản, dầu thô… nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP.

Thực ra, nạn “chặt chém” du khách không phải là “bệnh nan y”, bởi nó cũng mới bùng phát cách đây vài chục năm, chủ yếu do lòng tham của con người và cách thức quản lý nửa vời của chính quyền các địa phương.

Cũng ngay tại Việt Nam, nhiều địa phương cũng làm du lịch nhưng với sự quyết liệt của chính quyền địa phương, hàng hóa ngăn nắp, rõ giá niêm yết, giá bán, xe ôm, taxi thân thiện… chứ không phải ở đâu người kinh doanh cũng làm ăn chụp giật, chỉ nhăm nhăm thu lợi trước mắt về mình mà không màng đến hậu quả.

Trị “bệnh” này cũng chẳng phải là không có thuốc, mà bài thuốc đơn giản nhất là phải xử lý nghiêm theo luật định vì lòng tham của con người vốn rất khó trị. Hình phạt đã có, đối tượng vi phạm phạt hành chính lên đến cả chục triệu đồng, rút giấy phép kinh doanh, cấm hành nghề vĩnh viễn, thậm chí có thể bị xử lý hình sự…

Còn chính quyền các địa phương, để tình trạng này xảy ra tràn lan cũng phải xử lý nghiêm, quy trách nhiệm cá nhân rõ ràng chứ không thể cứ “phê bình”, “rút kinh nghiệm” mãi được. Thêm nữa, cần tuyên truyền rộng rãi, có hình thức động viên, khuyến khích những du khách, người dân tố cáo nạn “chặt chém” để các cơ quan chức năng có thêm nhiều “tai mắt”… 

Thuốc không phải không có, vấn đề là có chữa trị dứt điểm hay không. Nếu cứ chữa nửa vời, thì chẳng những bệnh không khỏi mà còn dẫn đến “nhờn” thuốc, gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng về lâu dài.