Xót xa nghề cao quý

ANTD.VN - Ở thành phố, đố ông biết có 2 ngày nào mọi người mua hoa nhiều nhất không?

- Dễ thế mà cũng đố. Ngày 8-3 và ngày 20-11 chứ gì.

- Tôi có đố chơi đâu. Hoa tươi, hoa đẹp tràn ngập nhưng ông có nghĩ rằng, mọi chị em phụ nữ, nhất là các cô giáo ở miền núi được nhận một bông hoa hay không?

- Ông hay suy ngẫm, nhìn xa, nghĩ sâu, tôi chỉ thấy trước mắt thôi.

- Chẳng vô cớ đâu, cứ đến Ngày Nhà giáo tôi lại nhớ bài hát “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”. Chắc ông quên rồi?

- Lâu lắm rồi, có lẽ phải hơn nửa thế kỷ, tôi vẫn còn nhớ mấy câu: “Bàn tay cô dựng nên ngôi trường mới/Tay đóng bàn, tay đóng ghế, tay cầm sách, tay cầm đàn!”.

- Không ngờ “bộ nhớ” của ông vẫn chạy tốt. Nhưng ông còn quên một câu “Giờ học xong, bên suối trong, dưới nắng chiều, cô tắm giặt cho các em”.

- Trí nhớ của ông xem ra sắc bén hơn tôi nghĩ.

- Có gì đâu, nghề giáo cao quý chỉ có một vài bài hát ca ngợi, từ thuở cắp sách đi học đã được dạy, làm sao quên được hả ông.

- Chắc chẳng phải bỗng dưng ông “lục lại” bài hát xưa cũ ấy?

- “Bỗng dưng” sao được. Trên miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn có hàng nghìn cô giáo cầm sách, cầm đàn nhưng khi về hưu chỉ cầm có 1,3 triệu đồng thôi ông ạ!

- Cả một đời làm nghề cao quý “trồng người” lúc về già như thế, thật xót xa quá.