Xem nhẹ an toàn lao động, hàng trăm người chết mỗi năm

ANTD.VN - Tai nạn lao động khiến hàng trăm người chết và gây thiệt hại nhiều tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, vấn đề an toàn lao động vẫn bị xem nhẹ.

Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao, người lao động sẵn sàng làm mọi việc dù không đảm bảo an toàn

Số liệu từ Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, năm 2016, cả nước xảy ra gần 8.000 vụ tai nạn lao động làm 862 người chết, 1.952 người bị thương. Mặc dù số vụ giảm nhẹ so với năm 2015 nhưng số người chết, người bị thương lại tăng. Đáng chú ý, lĩnh vực xây dựng tiếp tục dẫn đầu về mất an toàn lao động với gần 24% tổng số vụ và gần 25% tổng số người chết. 

Áp lực giữ việc

Bên cạnh thiệt hại về người, tai nạn lao động cũng gây thiệt hại không nhỏ về mặt kinh tế. Tuy nhiên, gần một năm sau khi Luật An toàn vệ sinh lao động có hiệu lực, tình trạng thờ ơ với các quy định về đảm bảo an toàn vẫn diễn ra phổ biến. Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, việc không thực hiện hết các trách nhiệm, quyền hạn được quy định trong Luật An toàn vệ sinh lao động là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên. Cùng với đó, việc các cơ quan chức năng chưa quyết liệt trong xử phạt hành chính các vi phạm khiến các doanh nghiệp coi thường và tiếp tục cắt xén các quy trình, yêu cầu về an toàn vệ sinh lao động để hạn chế chi phí. 

Ông Francisco Santos O’Conner, chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) chỉ ra rằng, an toàn vệ sinh lao động là quyền của người lao động nhưng thực tế quyền này khó đạt được. Ở các nước đang phát triển, 3/4 việc làm của nền kinh tế không đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt là trong các khu vực lao động phi chính thức. Nhiều lao động trẻ được giao các công việc độc hại, có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sự an toàn và sức khỏe nhưng không dễ từ chối. Họ phải chấp nhận vì áp lực giữ việc trong điều kiện thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao. 

Theo các chuyên gia, tỷ lệ tai nạn lao động và tỷ lệ người chết, thiệt hại vật chất vì tai nạn lao động vẫn tăng sau gần 1 năm có Luật An toàn vệ sinh lao động đòi hỏi phải có những hoạt động triển khai luật một cách thực chất hơn để đảm bảo các quy định đi vào cuộc sống thay vì chỉ nằm trên giấy.

Được quyền từ chối công việc không an toàn

Cùng với các giải pháp từ phía Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Xây dựng cũng vừa ban hành Thông tư 04/2017-BXD quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình. Đây được xem là một trong những bước đi nhằm cụ thể hóa các quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động, góp phần kéo giảm tai nạn lao động trong lĩnh vực đang dẫn đầu về tổng số vụ và tổng số người chết do tai nạn lao động. 

Theo đó, người lao động trên công trường xây dựng có trách nhiệm từ chối thực hiện các công việc được giao khi thấy không đảm bảo an toàn sau khi đã báo cáo với người phụ trách trực tiếp nhưng không được khắc phục, xử lý. Ngoài ra, người lao động có trách nhiệm từ chối thực hiện các công việc được giao khi nhà thầu không cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân. 

Đặc biệt, theo quy định tại thông tư này, trước khi khởi công xây dựng công trình, nhà thầu phải tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động; tổ chức bộ phận quản lý an toàn lao động và tổ chức thực hiện kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động đối với phần việc do mình thực hiện. Nhà thầu cũng phải tổ chức lập biện pháp thi công riêng, chi tiết đối với những công việc đặc thù, có nguy cơ mất an toàn lao động cao.

Trường hợp phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động, nhà thầu phải dừng thi công và có biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn…