Vượt qua những cơn nghiện bằng đôi chân tật nguyền

ANTD.VN - Để quên đi những cơn đau đớn vì bệnh tật, ông Xuân tìm đến ma túy và nhanh chóng sa vào nghiện ngập. Tiền bạc, của cải trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Thương vợ con, ông dứt nghiện được một lần, rồi tái nghiện không lâu sau đó. Cho đến khi người em trai không may qua đời, nỗi đau lớn đã khiến ông thức tỉnh, làm lại cuộc đời.

Vượt qua những biến cố cuộc đời, ông Xuân vẫn luôn bám biển, tạo công ăn việc làm cho nhiều người

Nô lệ của ma túy

Ông Lê Văn Xuân (SN 1962) trú phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An khá gầy với đôi chân cụt đến đầu gối. Chia sẻ về cuộc đời mình, ông Xuân cho biết: “Nếu không trải qua nhiều biến cố, có lẽ giờ đây tôi vẫn đang là nô lệ của ma túy. Nếu vậy thì một chỗ để chui ra, chui vào chắc chẳng có chứ đừng nói đến cơ ngơi như hôm nay”.

Sinh ra trong một gia đình có 8 người con, nhà đông miệng ăn nên bố mẹ ông lao động quần quật cũng chỉ đủ rau cháo qua ngày. 14 tuổi, ông đã được bố đưa lên tàu đi đánh bắt xa bờ. 4 năm sau, khi đã có trong tay chút kinh nghiệm đi biển cùng với tay lái vững vàng, ông được tuyển vào làm thợ máy ở Hợp tác xã tàu biển Hồng Hải.

Công việc đều đặn, cuộc sống của ông những tưởng sẽ êm đềm trôi qua cho đến khi tai họa ập xuống. Năm 1986, trong lúc làm việc, ông không may giẫm phải cáp dưới tàu rồi bị nhiễm trùng nặng. Gia đình đưa ông đến bệnh viện chữa trị nhưng đã quá muộn. Hơn 6 tháng sau, ông đành cắt bỏ chân trái để giữ lại tính mạng. 

Từ một người lành lặn, ông tàn tật khi tuổi đời mới tròn 24. Đau đớn, mất mát chưa qua thì ông lại cảm nhận được những cơn đau từ bên chân còn lại. Đi khám ở bệnh viện, ông mới biết mình bị tắc tĩnh mạch, buộc phải cắt bỏ chân còn lại. Ngày tháng tiếp sau đó trôi qua trong nỗi đau cả về thể chất lẫn tinh thần.

Vừa tuyệt vọng, vừa để áp chế những cơn đau do bệnh tật, ông Xuân tìm đến ma túy và trở thành con nghiện lúc nào không hay. Để thỏa mãn cơn nghiện, tiền bạc, của nả trong nhà ông lần lượt đội nón ra đi.

Chứng kiến chồng ngày càng chìm sâu vào nghiện ngập, vợ ông, bà Hồ Thị Linh ra sức khuyên nhủ nhưng bất thành. Ông Xuân nhớ lại: “Thời đó, mỗi lần tỉnh táo, thấy vợ con khổ tôi hối hận lắm nhưng khi lên cơn nghiện rồi thì không còn biết gì nữa. Có lần con ốm, trong nhà không có nổi vài nghìn để mua cho con liều thuốc cảm. Lúc đấy tôi ân hận lắm, quyết định sẽ cai nghiện”. 

Nói là làm, ông Xuân bắt đầu hành trình cai nghiện ở nhà. Để chống lại những cơn đói thuốc, ông nhờ vợ con trói mình vào cột, cấu véo mỗi khi ông lên cơn. Sau một thời gian chật vật ông cũng đoạn tuyệt được ma túy. Gượng dậy sau những ngày chìm đắm trong khói thuốc, ông nghĩ mình phải bù đắp cho vợ con.

Ông mạnh dạn đi vay 85 triệu đồng để sắm tàu ra khơi. Là người cần cù, chịu khó, ông nhanh chóng thu được thành quả nhất định. Ba năm sau, ông Xuân trả hết nợ, cuộc sống gia đình dần no ấm.

Đến năm thứ tư thì ông tái nghiện, những cơn thèm thuốc triền miên đã đưa ông trở lại con đường cũ. Những đồ đạc có giá trị trong nhà bị ông đưa đi bán để lấy tiền mua ma túy. Thêm một lần nữa kinh tế gia đình ông lâm vào khó khăn chồng chất.

Làm lại cuộc đời sau biến cố

Nhìn thấy cảnh nhà anh trai quá khó khăn, người em thứ sáu của ông Xuân đã hùn vốn đầu tư mua con tàu với giá 100 triệu đồng. Được sự động viên của vợ và em trai, ông Xuân một lần nữa hào hứng ra khơi. Những chuyến cá trúng đậm đã khơi dậy ham muốn làm giàu ở ông Xuân. Giữa lúc mọi việc đang thuận lợi thì tai họa ập xuống.

“Hôm ấy, bất chợt trời nổi sóng to, gió lớn. Tôi cầm tay lái để tránh các đợt sóng cao, còn em trai tôi đang đứng ở mạn tàu chưa kịp vào trong thì chẳng may bị gió hất xuống biển. Vì tính mạng của anh em trên tàu mà tôi đành bất lực nhìn em mình bị sóng cuốn trôi”, ông Xuân buồn rầu nhớ lại.

Nỗi đau mất người em trai ngay trước mắt khiến ông Xuân suy sụp một thời gian dài. Nhiều đêm trong cả giấc ngủ ông đều mơ thấy em mình. Những đêm đó, ông nghĩ mình phải sống luôn cả phần cho người em đã khuất. Vậy nên ông dứt khoát cai nghiện, tiếp tục chèo lái con thuyền là tài sản mà người em để lại. 

Nhờ sự nỗ lực của bản thân, năm 2006, sau thời gian tích góp được số vốn kha khá, ông quyết định bán tàu cũ và sắm con tàu mới công suất 200 mã lực với giá 1,7 tỷ đồng để ra khơi dù cho đôi chân không được lành lặn, lại thường xuyên bị tê dại vì đau đớn. Trung bình hàng năm, tàu của ông ra khơi đánh bắt 20-25 chuyến.

Không những trang trải hết nợ nần, xây được nhà cửa khang trang, ông Xuân còn tạo việc làm thường xuyên cho 14 thuyền viên với thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động thời vụ.

Người dân ven biển Quỳnh Phương không còn lạ cảnh bà Linh tiễn chồng ra khơi. Nghị lực vươn lên hoàn cảnh của ông Xuân cũng trở thành tấm gương cho nhiều người khác. Song khi kể lại câu chuyện của mình, ông Xuân chỉ có một ước mong, đó là không ai vì bất cứ lý do nào mà sa chân vào ma túy...