Vụ 4 trẻ tử vong ở Bắc Ninh: Chuyên gia y tế hàng đầu lý giải về nhiễm khuẩn bệnh viện

ANTD.VN - Nói về vụ 4 trẻ sơ sinh tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trước khi xâm nhập vào cơ thể trẻ, vi khuẩn có thể đã “định cư” ngay trên da của trẻ…

TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Bạch Mai

TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trẻ sơ sinh có cơ thể chưa hoàn thiện, đặc biệt về hệ thống miễn dịch, nên rất dễ bị nhiễm trùng. Trẻ sinh thiếu tháng thì nguy cơ càng lớn.

Ông Hùng nhấn mạnh, những cán bộ y tế làm việc trong lĩnh vực hồi sức sơ sinh luôn chịu áp lực lớn vì trẻ dễ nhiễm trùng khó cứu chữa, nguy cơ khuẩn xâm nhập cao. Trong ngành y, cấp cứu sơ sinh có nguy cơ xảy ra tử vong cao nhất.

Do vậy, theo ông Hùng, ngoài công tác chống nhiễm khuẩn của bệnh viện thì cần phải có sự hợp tác đồng thời của các bà mẹ, thân nhân trẻ. Nếu bà mẹ, người thân trẻ sơ sinh đang phải nằm điều trị vào thăm, chỉ cần sờ, bế cháu, hay chạm vào lồng ấp, giường bệnh… đều là hành vi có thể mang vi khuẩn vào khu vực này. Vi khuẩn sẽ bám trên da, đi vào đường hô hấp của trẻ và dễ xâm nhập vào cơ thể.

“Vi khuẩn trước khi vào cơ thể thì nằm chính trên cơ thể các cháu, vì thế muốn chống nhiễm khuẩn cần vệ sinh, phòng chống ngay trước khi bước vào phòng điều trị sơ sinh chứ không phải khi đưa vào phòng làm thủ thuật thì mới vô trùng” – TS Hùng nói.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vi khuẩn “định cư” ngay trên da của trẻ. Khi trẻ phải tiêm truyền hay can thiệp bằng các thủ thuật, cho thở máy… thì các loại vi khuẩn này sẽ đi theo vào cơ thể và gây nhiễm trùng. Nếu cơ thể bệnh nhi có đề kháng yếu thì sẽ bị nhiễm trùng nặng, thậm chí sốc nhiễm trùng và tử vong.

PGS Dũng phân tích, trong các loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn bệnh viện thì thường chia làm 2 nhóm, một nhóm gọi là vi khuẩn cộng đồng và một nhóm là vi khuẩn bệnh viện.

Trong đó, nhóm vi khuẩn bệnh viện là những loại virus đã có sẵn, sống ngay trong bệnh viện, các loại vi khuẩn này thường nguy hiểm hơn vì nó đã quen với môi trường bệnh viện, thích ứng với nhiều loại kháng sinh nên dễ kháng thuốc kháng sinh, gây khó khăn cho quá trình điều trị người bệnh.

Trong khi đó, nói về vụ 4 trẻ sơ sinh tử vong ở Bắc Ninh do nhiễm khuẩn bệnh viện, GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, có 5 lý do dẫn tới nhiễm khuẩn bệnh viện trầm trọng gồm: vệ sinh, cấu trúc phòng bệnh, quá trình chăm sóc người bệnh, ăn uống, khẩu trang.

Do vậy, để chống nhiễm khuẩn bệnh viện, các bệnh viện cần xử lý thật tốt vấn đề vệ sinh và việc này không khó, tốn kém không nhiều, quan trọng nhất là ý thức và quyết tâm.