Về dự án xây dựng đường Văn Cao- Hồ Tây

(ANTĐ) - Dự án xây dựng đường Văn Cao – Hồ Tây ngoài việc phục vụ giao thông còn có một ý nghĩa quan trọng khác là tạo thêm một không gian, một cảnh quan Hồ Tây mới cho Hà Nội.

Về dự án xây dựng đường Văn Cao- Hồ Tây

(ANTĐ) - Dự án xây dựng đường Văn Cao – Hồ Tây ngoài việc phục vụ giao thông còn có một ý nghĩa quan trọng khác là tạo thêm một không gian, một cảnh quan Hồ Tây mới cho Hà Nội.

Để ra được đến Hồ Tây, Sở GTCC sẽ phải mở một con đường có chiều dài 300m đi qua hai tuyến phố Hoàng Hoa Thám và Thụy Khuê, với tổng mức đầu tư trên 380 tỷ đồng.

Tại nút giao cắt với đường Hoàng Hoa Thám ban đầu Sở GTCC dự kiến xây một cây cầu vượt. Cùng với đó là phá bỏ một đoạn đường Hoàng Hoa Thám để mở lối cho đường Văn Cao – Hồ Tây. Thật tiếc phương án này không được Cục Di sản chấp thuận, vì đường Hoàng Hoa Thám là thành Đại La xưa có hàng nghìn năm tuổi đang cần được bảo tồn vĩnh viễn. Như vậy với cấu trúc của đường Hoàng Hoa Thám hiện tại thì Sở GTCC còn lại hai phương án để lựa chọn.

Một sẽ xây đựng nút giao thông Văn Cao – Hoàng Hoa Thám giống với nút giao thông Nguyễn Chí Thanh - Đê La Thành. Hai là giống với nút giao thông Đào Tấn - Đường Bưởi.

Với mô hình nút giao thông Đào Tấn - Đường Bưởi đây là một phương thức xây dựng thường được áp dụng cho những ngã ba chữ T khác mức, hay nút giao với cầu vượt hoặc ở những đoạn đường đê có mật độ phương tiện vắng. Vì các phương tiện qua đây sẽ phải đi vòng vèo với tốc độ chậm, tách ra rồi nhập lại nhiều lần, gây xung đột dẫn đến ách tắc. Ngay cả việc bố trí đường cho người đi bộ tại đây cũng trở nên rất khó khăn vì không có tín hiệu dừng phương tiện ở tất cả các hướng. Ngay với những ngã ba chữ T thời Pháp thuộc cũng không xây dựng như vậy, họ làm dốc, giao đồng mức, điển hình như phố Hàng Đậu giao với đường Yên Phụ, Long Biên. Mặc dù đã được xây dựng cách đây hàng trăm năm song nút giao thông này vẫn chịu được mật độ giao thông của thời nay.

Còn với mô hình nút giao thông Nguyễn Chí Thanh - Đê La Thành các phương tiện sẽ được đi thẳng khi vượt nút bằng hệ thống đèn tín hiệu, giúp giải tỏa nhanh sự ùn ứ phương tiện, cảnh quan không gian và tầm nhìn thoáng đãng.

Trở lại với nút giao thông Văn Cao – Hoàng Hoa Thám. Sau khi đường Văn Cao – Hồ Tây được mở thì đây sẽ trở thành một nút giao cắt với mật độ phương tiện khá đông và sẽ còn rất đông sau này. Vì đây là nút giao thông mà các phương tiện đi từ phía bờ Bắc sông Hồng sẽ phải qua đây để vào phía Tây Nam thành phố, và còn là đường để đi ra Hồ Tây nên rất cần một nút giao thông thoáng tránh vòng vèo phức tạp.

Vậy với phương án làm cầu vượt theo tôi chúng ta nên xây dựng giống với nút giao thông Nguyễn Chí Thanh - Đê La Thành. Bởi với cách này sẽ giải quyết được tình hình giao thông tại đây và không làm ảnh hưởng gì đến thành Đại La, chứ không xây dựng theo kiểu nút giao thông Đào Tấn - Đường Bưởi vì phương án này rất tốn kém khi phải làm những cánh đường vòng vèo không phù hợp với mật độ giao thông và còn tạo nên một nút giao thông có cảnh quan, hướng, tuyến vụn vặt, phức tạp không đáng có. Chỉ tiếc khi lập dự án Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội không tính đến việc mở rộng không gian đoạn Thụy Khuê đến Hồ Tây tạo nên một cảnh quan không gian rộng đẹp bên bờ Hồ Tây mà chỉ là đoạn đường cộc. Như vậy là lãng phí không gian Hồ Tây, chưa xứng tầm với mục đích của dự án.

Mong rằng Thành phố và Sở GTCC hãy nghiên cứu tuyến mới Văn Cao – Hồ Tây sao cho thật thuận tiện việc đi lại và tránh những lãng phí không hợp lý.

LâmHải
(ĐHGTVT)