Uber sẽ không xin lỗi, dù lái xe đánh hành khách! Tại sao?

ANTD.VN - Sự việc lái xe Uber đánh nữ hành khách ở Hà Nội hôm 19-11 vẫn chưa có hồi kết, trong bối cảnh Uber Việt Nam dường như quyết giữ im lặng trước mọi câu hỏi của báo chí và đề nghị của nạn nhân. Chuyên gia truyền thông và văn hóa doanh nghiệp đã giải thích lý do tại sao "gần như chắc chắn, Uber sẽ không xin lỗi".

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, sau khi bị lái xe Uber hành hung gây thương tích, chị Nguyễn Diệu Linh (SN 1978, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) đã bày tỏ mong muốn Uber Việt Nam đưa ra lời xin lỗi công khai, nhằm thể hiện tinh thần trách nhiệm cũng như đảm bảo an toàn cho khách hàng của mình. 

Chị Linh khẳng định, bản thân chị là người có thu nhập tài chính chủ động và ổn định, nên chị "không quan trọng việc bồi thường quy ra vật chất”, mà điều quan trọng nhất chỉ là một lời xin lỗi công khai của Uber Việt Nam.

Tuy nhiên, tới thời điểm này, nhà cung cấp dịch vụ vẫn chưa có bất kỳ động thái tích cực nào trước đề nghị của nạn nhân, cũng như trước các câu hỏi từ phía báo chí.

Khuôn mặt bầm dập của nữ hành khách sau khi bị lái xe Uber hành hung

PV Báo ANTĐ đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Long - chuyên gia truyền thông và văn hóa doanh nghiệp - để tìm kiếm một lời giải thỏa đáng. Mời độc giả cùng theo dõi nội dung phỏng vấn độc quyền này để hiểu, tại sao "Uber sẽ không xin lỗi, dù lái xe đánh hành khách đi chăng nữa", theo quan điểm của chuyên gia Nguyễn Ngọc Long: 

Sau sự việc vừa qua, phía Uber Việt Nam vẫn chưa liên hệ lại với nạn nhân. Và họ cũng giữ im lặng trước những câu hỏi của Báo ANTĐ gửi tới, dù với mục đích ghi nhận khách quan, đa chiều. Anh nghĩ sao về điều này?

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long: - Tôi nghĩ đó là sự coi thường khách hàng, coi thường truyền thông và thách thức dư luận. Tôi đoán nguyên nhân của cách hành xử này có liên quan đến sự "định vị" mà Uber đang cố chứng minh.

Đó là, chúng tôi (tức Uber) không phải là một hãng taxi, chúng tôi chỉ là ứng dụng kết nối lái xe và khách hàng. Thời gian qua, khi cuộc chiến giữa taxi truyền thống và các ứng dụng đặt xe kiểu như Uber lên đỉnh điểm, có nhiều luồng quan điểm cho rằng kiểu ứng dụng này hoạt động như taxi thì phải có những chế tài giống với taxi.

Nhưng "sống chết", Uber hay các dịch vụ tương tự luôn khẳng định rằng, họ chỉ là ứng dụng công nghệ thông tin. Vậy nên, tôi cho rằng nếu bây giờ đáp ứng yêu cầu xin lỗi từ phía nạn nhân thì họ sợ điều đó trở thành bằng chứng để taxi truyền thống chống lại họ, và qua đó gián tiếp khẳng định họ không chỉ đơn thuần là một ứng dụng công nghệ trung gian.

Có thể với Uber, điều đó là quan trọng sống còn, còn sự an nguy của khách hàng chỉ là thứ yếu. Vậy nên, họ sẵn sàng chịu tổn thất từ khía cạnh truyền thông, chứ không xin lỗi vì sợ các phiền phức về mặt pháp lý.

Theo anh, sự việc đáng tiếc khi lái xe Uber đánh nữ hành khách ở Hà Nội vừa qua sẽ "kết thúc" theo kịch bản nào?

- Tôi cho rằng Uber sẽ chỉ xin lỗi nếu toà buộc họ xin lỗi. Khi ấy, họ có "lá chắn" rằng chúng tôi xin lỗi theo đòi hỏi từ phía cơ quan hành pháp, chứ không phải chúng tôi xin lỗi vì chúng tôi phải chịu trách nhiệm cho hành vi không đúng của lái xe.

Còn nếu hành khách không làm tới cùng, không nhờ phán quyết toà án thì tôi nghiêng về phương án họ sẽ im lặng và chịu "búa rìu dư luận", nếu có. Thực ra, không chỉ Uber Việt Nam mà Uber quốc tế cũng đã có tiền sử về cách làm như vậy. Thí dụ như việc lái xe Uber bên Mỹ hiếp dâm một nữ hành khách, họ cũng chỉ nói rằng: "Đây là một tội ác đáng ghê tởm", rồi "đã phối hợp chặt chẽ với nhà chức trách và sẽ làm tất cả mọi thứ để hỗ trợ điều tra".

Tất cả chỉ như vậy. Nhưng chúng ta cũng hiểu, họ buộc lòng làm thế để bảo vệ lợi ích của họ trước các rắc rối lớn hơn về pháp lý.

Được biết, anh cũng từng có trải nghiệm không mấy vui vẻ khi dùng ứng dụng Uber. Xin anh chia sẻ lại câu chuyện đó?

- Tôi có đặt một chuyến UberMOTO và sau đó nhận được tin nhắn từ ứng dụng Uber đề nghị huỷ chuyến. Sau đó 5 phút, khi tôi không huỷ thì tiếp tục có một tin nhắn từ ứng dụng này với nội dung là "Lũ ch*. Tư cách mày không đáng để đi Uber".

Khi ấy tôi rất sốc, vì không nghĩ sự việc lại trầm trọng đến vậy. Thực ra, việc lái xe Uber cư xử thô lỗ thì tôi có biết và đã trải nghiệm một vài lần. Ở đây, tôi chỉ nói tới khía cạnh con người với con người.

Tức là, nếu tin nhắn đó chỉ mắng mỏ "nhẹ nhàng" thì chắc tôi cũng coi là việc bình thường. Nhưng tới mức không làm gì hết, mà bị lăng mạ như vậy, thì tôi không nghĩ là họ có thể làm đến mức đó.

Sau đấy, tôi có phản ánh với bộ phận hỗ trợ của Uber đề nghị xin lỗi thì được trả lời giống hệt hành khách bị hành hung trong bài báo của Báo An ninh Thủ đô. Nghĩa là, Uber chỉ nói rằng họ rất tiếc, nhưng nhất định không xin lỗi. Sau khi cố liên lạc thì tài khoản Uber của tôi bỗng dưng không thực hiện được việc đặt xe nữa. Tôi đoán họ đã chặn quyền truy cập của tôi.

Tin nhắn xúc phạm mà ông Nguyễn Ngọc Long từng nhận khi dùng dịch vụ Uber

Ở góc độ một chuyên gia về truyền thông, văn hóa doanh nghiệp và cũng là người tiêu dùng, anh mong muốn sẽ có những thay đổi nào ở một dịch vụ giao thông công nghệ cao như Uber?

Chính vì tôi hiểu rằng Uber phải kiên định với chính sách "không xin lỗi" để bảo vệ định vị mà họ đang cố gắng chứng minh, cũng là cách để tạo ra lợi thế cạnh tranh về mặt chính sách, pháp lý với các hãng taxi truyền thống, nên tôi không bình luận và chờ đợi gì về việc họ sẽ xin lỗi mình hay các khách hàng khác nói chung.

Tôi phải chấp nhận việc đó dù thấy không thoả mãn với cách hành xử của Uber. Tôi đã nghĩ rằng, nếu sự việc không chỉ dừng lại ở một lời lăng mạ, xúc phạm danh dự từ ứng dụng đó, mà nghiêm trọng hơn, thì có lẽ cách xử lý cũng sẽ không có nhiều khác biệt. Và thực tế đang chứng minh điều đó.

Nữ hành khách bị hành hung đã bị sốc sau sự cố xảy ra với bản thân

Rõ ràng, Uber cuối cùng cũng là một công ty kinh doanh, nên khó đòi hỏi họ hy sinh lợi ích bản thân để bảo vệ quyền lợi khách hàng. Thế nên tôi chẳng mong muốn gì từ họ. Tôi nghĩ, vấn đề là các cơ quan quản lý phải vào cuộc và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc ban hành chính sách.

Cảm ơn anh đã chia sẻ!