Tuyển điều dưỡng sang Nhật Bản: Lương cao vẫn kém hấp dẫn

ANTD.VN - Mặc dù lương cao, chế độ đãi ngộ tốt nhưng do tính chất công việc không ít thực tập sinh đã bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc, trở thành lao động bất hợp pháp.

Dù là công việc được hưởng lương cao, chính sách đãi ngộ tốt, nhưng việc tuyển chọn đối tượng đủ tiêu chuẩn tham gia vẫn khó khăn

Chương trình hợp tác lao động đưa thực tập sinh điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam sang Nhật bản làm việc được thí điểm thực hiện từ năm 2012. Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành 5 khóa ứng viên điều dưỡng, hộ lý với số lượng xuất cảnh khoảng 800 thực tập sinh sang Nhật Bản làm việc.

Lương cao, chi phí thấp

Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số, tỷ lệ sinh giảm dẫn đến thiếu hụt lao động, đặc biệt là trong ngành điều dưỡng, hộ lý. Đây thực sự là thị trường tiềm năng cho lao động Việt. Đặc biệt là những sinh viên tốt nghiệp các trường y, điều dưỡng có nguyện vọng đi sang Nhật Bản làm việc.

Thông thường, thu nhập của các ứng viên hộ lý, điều dưỡng dao động từ 150.000 yên – 170.000 yên/tháng (tương đương khoảng 30-35 triệu đồng/tháng). Ngoài mức lương trên, nếu các ứng viên hộ lý, điều dưỡng có thành tích tốt trong công việc, sẽ được nhận các khoản phụ cấp tương ứng. Một điểm nổi bật so với nhiều thực tập sinh khác đó là thực tập sinh đơn hàng điều dưỡng nếu làm tốt có thể được ở lại Nhật tiếp tục làm việc sau khi hoàn thành khóa thực tập sinh.

Ngoài thu nhập hấp dẫn các ứng viên đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định nếu được tuyển chọn sẽ tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật miễn phí 12 tháng tại cơ sở đào tạo do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với đơn vị đầu mối phía Nhật Bản tổ chức. Trong thời gian đào tạo, học viên sẽ được cung cấp miễn phí chỗ ở nội trú, bữa ăn và được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí.

Kết thúc khóa học, ứng viên sẽ tham gia kỳ thi chứng chỉ năng lực tiếng Nhật cấp độ N3. Nếu đạt trình độ N3, các ứng viên sẽ được giới thiệu tới các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng ứng viên điều dưỡng và hộ lý để lựa chọn.

Mở cửa cho doanh nghiệp tham gia

Thực tế thời gian qua cho thấy, mặc dù là công việc được hưởng lương cao, chính sách đãi ngộ tốt, nhưng điều dưỡng viên vẫn không thu hút được nhiều lao động. Nguyên nhân là do tính chất đặc thù của công việc. Đây là công việc khá nặng nhọc, khó khăn khi đối tượng phục vụ thường là người bệnh, người già. Do đó, công việc này thường chỉ dành cho các sinh viên chuyên ngành điều dưỡng, đã được đào tạo bài bản cả về kỹ năng chuyên môn cũng như chuẩn bị tốt về tâm lý để có thể hành nghề thuận lợi.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, chất lượng ứng viên điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam được phía đối tác Nhật Bản đánh giá khá tốt. Trong các kỳ thi đánh giá năng lực có khoảng 80-90% đỗ, cao hơn nhiều so với Indonesia và Philippines. Dù vậy, cả Việt Nam và phía Nhật Bản phải nhận định, điều dưỡng và hộ lý là công việc không mấy hấp dẫn, nguy cơ thực tập sinh bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc là khá cao.

Trước đây, việc đào tạo cung ứng thực tập sinh điều dưỡng cho Nhật Bản được thực hiện tại một đầu mối duy nhất là Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH. Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đồng ý cho 6 doanh nghiệp được thí điểm triển khai chương trình. Để nâng cao hiệu quả tuyển dụng cũng như số lượng điều dưỡng viên sang Nhật Bản làm việc, Bộ LĐ-TB&XH đang thương lượng với phía đối tác đưa ra các tiêu chuẩn để nhiều doanh nghiệp có điều kiện tham gia.