"Tức nước vỡ bờ", chị dâu lôi em chồng ra giữa ngõ đánh

ANTĐ - Chuyện chị dâu em chồng, hay mẹ chồng nàng dâu có lẽ vẫn là chuyện muôn thuở ở xã hội Việt Nam. Đa số các nàng dâu đều nhẫn nhịn sống cho “lành”, nhưng vì thế mà “giặc bên Ngô” được thể lấn tới. Con giun xéo lắm cũng quằn, nên khi không nhịn được nữa, không ít nàng dâu quyết vùng lên, đòi công bằng cho bản thân.

Chỉ sau ít phút đăng lên mạng xã hội facebook, đoạn tin nhắn của một người chồng gửi người vợ, với mong muốn vợ bỏ qua cho em chồng để gia đình êm thấm, đã thu hút hơn 500 lượt “like”, hàng chục bình luận và chia sẻ.

Câu chuyện xoay quanh một nàng dâu bị em chồng bắt nạt thái quá. Suốt 3 năm phải chịu đựng cô em chồng. Trong khi đó, mẹ chồng thì lại luôn bênh vực con gái, dẫn đến những xích mích nhỏ dần dần tích tụ, khiến nàng dâu không thể chịu đựng được nữa, lôi em chồng ra đánh “dằn mặt”.

Đoạn tin nhắn cho thấy, người vợ đã phải chịu đựng cô em chồng ghê gớm suốt 3 năm, dẫn đến "tức nước vỡ bờ"

Câu chuyện cũng thu hút nhiều bình luận của cư dân mạng, trong đó đa phần là chị em phụ nữ, những người đang sống trong cảnh “chị dâu em chồng”, “mẹ chồng nàng dâu” hay “chị chồng em dâu”.

Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng có lẽ, ở thời đại nào thì mối quan hệ này cũng luôn căng thẳng. Khi không ai chịu ai thì người đàn ông ở giữa luôn là người phải “chịu trận”. Chính vì vậy, nhiều nàng dâu đã rút kinh nghiệm, tự tìm ra giải pháp cho bản thân.

Nhiều chị em phụ nữ than vãn cảnh làm dâu mà ở chung nhà với "giặc bên Ngô"

Chị T.A ở Cầu Giấy chia sẻ: “Chị chồng đã đi lấy chồng rồi, nên chồng thành... con một. Có điều, từ bé chồng tôi được bố mẹ và chị gái bao bọc nên khá là công tử và trẻ con. Tôi để ý thấy chuyện lớn nhỏ gì gia đình chồng cũng tìm cách can thiệp bằng cách khuyên bảo hay thủ thỉ tâm sự là chồng tôi nghe ngay. Trong khi gia đình tôi, bố mẹ luôn cho con cái một môi trường tự do ngôn luận và tôn trọng ý kiến của nhau. Chính vì vậy, ngay từ khi yêu tôi đã thể hiện rõ tính cách con người tôi. Tôi xác định, nếu họ không chấp nhận con người thật của mình thì mình cũng chẳng cần bước chân vào gia đình họ, chỉ tổ thiệt thân. Thế nên sau khi cưới, đôi lần tôi phải họp gia đình và nói về những vấn đề của chồng và nhà chồng. Tôi cũng nói rõ quan điểm của mình và không muốn ai can thiệp cuộc sống của tôi. Tất nhiên, tôi luôn cố gắng để lựa chọn những quyết định đúng, đối nội đối ngoại chu đáo nên chẳng ai nói được gì...”.

Chị P.N ở Ba Đình cũng cho biết: “Quan điểm của tôi là đừng vì ai đó mà đánh mất chính mình. Dĩ nhiên là mình không được làm gì quá đáng, quá lố. Các cụ khẳng định rồi, nói phải củ cải cũng nghe. Ban đầu sẽ là cuộc cách mạng cam go đấy, nhưng sau dần cũng phải hiểu và nghe thôi. Còn nếu họ cứ sống theo cách của họ thì tốt nhất nên từ bỏ...”.

Có lẽ, câu chuyện mâu thuẫn giữa mẹ chồng – nàng dâu, hay chị dâu – em chồng sẽ là đề tài muôn thuở và khó tránh. Để câu chuyện không trở nên căng thẳng, người đàn ông ở giữa cần biết dung hòa các mối quan hệ. Vì xét cho cùng, khi người đàn ông không thể lên tiếng thì chứng tỏ họ bất lực, không có tiếng nói. Người đàn ông cần là cán cân để cân bằng cuộc sống gia đình, có như vậy hôn nhân ới bền vững.