Từ 1/7/2020: Hàng loạt khoản phụ cấp tăng theo lương cơ sở ra sao?

ANTD.VN -Từ 1/7/2020 khi lương cơ sở tăng thì hàng loạt những khoản phụ cấp của công chức được tính theo lương cơ sở cũng đồng loạt tăng theo.

Các loại phụ cấp gồm: Phụ cấp khu vực, phụ cấp lưu động, phụ cấp độc hại, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp công tác lâu năm. Do các phụ cấp này được tính theo công thức: Phụ cấp = Hệ số x mức lương cơ sở, nên khi lương cơ sở tăng, phụ cấp sẽ tăng theo. 

Về phụ cấp khu vực - phụ cấp được áp dụng với công chức làm việc ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, có khí hậu xấu, mật độ dân cư thưa thớt, đường xá đi lại khó khăn, vùng biên giới, hải đảo… Công chức được hưởng phụ cấp này theo 7 hệ số từ 0,1-0,7 và 1,0. Từ 1/7/2020, mức phụ cấp khu vực được quy định như sau:

STT

Hệ số

Mức phụ cấp đến 30/6/2020

Phụ cấp từ 1/7/2020

1

0,1

149.000

160.000

2

0,2

298.000

320.000

3

0,3

447.000

480.000

4

0,4

596.000

640.000

5

0,5

745.000

800.000

6

0,7

1.043.000

1.120.000

7

1,0

1.490.000

1.600.000

Mức 1,0 chỉ áp dụng với những hải đảo đặc biệt khó khăn, gian khổ như quần đảo Trường Sa. Với hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ quân đội và công an nhân dân, mức phụ cấp khu vực được tính bằng 0,4 lần mức phụ cấp của các đối tượng khác.

Về phụ cấp lưu động, đây là loại phụ cấp áp dụng với công chức (kể cả đang tập sự) vì tính chất, đặc điểm của nghề hoặc công việc phải thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở, điều kiện sinh hoạt không ổn định như: Tổ, đội công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh phòng dịch, sinh đẻ có kế hoạch, sốt rét, bướu cổ ở vùng trung du; Tổ, đội khảo sát, tìm kiếm khoáng sản thuộc liên đoàn địa chất chuyên đề; Khảo sát, điều tra rừng; Điều tra, sưu tầm dược liệu quý, hiếm ở các miền núi cao, biên giới, hải đảo...

Phụ cấp lưu động gồm 3 hệ số là 0,2; 0,4 và 0,6. Từ 1/7/2020, mức phụ cấp này được quy định cụ thể: Với hệ số 0,2 phụ cấp là 320.000 đồng/tháng, hệ số 0,4 phụ cấp là 640.000 đồng/tháng và hệ số 0,6 phụ cấp là 960.000 đồng/tháng.

Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được áp dụng với đối tượng công chức làm việc trực tiếp ở nơi độc hại, nguy hiểm mà yếu tố độc hại này cao hơn bình thường (tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí độc, bụi độc, môi trường dễ bị lây nhiễm; Ở môi trường chịu áp suất cao hoặc thiếu dưỡng khí, nơi quá nóng hoặc quá lạnh; Có phóng xạ, tia bức xạ...).

Mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm có 4 hệ số, từ 0,1-0,4. Đến năm 2020, mức phụ cấp này được quy định cụ thể: Với hệ số 0,1 phụ cấp là 160.000 đồng/tháng, hệ số cao nhất 0,4 phụ cấp sẽ là 640.000 đồng/tháng

Phụ cấp trách nhiệm công việc gồm 3 mức với các hệ số lần lượt là 0,1; 0,2 và 0,3; được áp dụng với những người làm việc trong tổ chức cơ yếu Quân đội và CAND. Cụ thể: Với hệ số 0,1 mức phụ cấp là 160.000 đồng, hệ số 0,2 mức phụ cấp là 320.000 đồng, hệ số 0,3 mức phụ cấp là 480.000 đồng.

Với những người làm công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hoặc đảm nhiệm công tác quản lý không thuộc chức danh lãnh đạo, nhóm công chức này được hưởng phụ cấp gồm 4 mức với các hệ số 0,1; 0,2; 0,3 và 0,5. Trong đó, từ 1/7/2020, mức phụ cấp trách nhiệm công việc với nhóm đối tượng này ở mức từ 160-800.000 đồng/tháng tùy theo hệ số. 

Phụ cấp công tác lâu năm áp dụng với công chức làm việc ở nơi có điều kiện đặc biệt khó khăn với các mức:

0,5 nếu có thời gian làm việc thực tế từ đủ 5 năm - dưới 10 năm; 0,7 nếu có thời gian làm việc thực tế từ đủ 10 năm - dưới 15 năm; 1,0 nếu có thời gian làm việc thực tế từ đủ 15 năm trở lên.

Từ 1/7/2020, mức phụ cấp của nhóm đối tượng này được điều chỉnh tăng, từ 800.000-1.600.000 đồng/tháng.

Ngoài 5 khoản phụ cấp trên, từ 1/7/2020, các khoản phụ cấp khác, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng, trợ cấp 1 lần khi sinh con, mức khen thưởng với Đảng viên cũng sẽ tăng.