Trường Sa trong tôi, đủ để nhớ suốt đời

ANTD.VN - Say sóng, say cảnh, say tình… những cơn say với đủ cung bậc nối tiếp nhau trong suốt 9 ngày hải hành đã khắc vào ký ức một phóng viên lần đầu đến với Trường Sa như tôi một kỷ niệm tuyệt đẹp.

Rẽ sóng Biển Đông lên đảo An Bang

Trở về từ chuyến đi để đời đó, bạn bè đã hỏi tôi rất nhiều về Trường Sa, hệt như cách tôi từng “chất vấn” những đồng nghiệp đi trước để thỏa sự tò mò về quần đảo đặc biệt này. Và giờ thì tôi đã có câu trả lời: Trường Sa ẩn chứa vẻ đẹp, song vẻ đẹp chỉ có thể được cảm nhận đầy đủ, trọn vẹn và thăng hoa nhất khi bạn trực tiếp tắm mình trong nó. 

“Khi say sóng, hãy nghĩ về điều tốt đẹp”

“Không phải ai cũng được ra quần đảo Trường Sa và ngay cả khi vượt hàng trăm hải lý, có người cũng chỉ có thể ngắm các hòn đảo từ trên tàu vì say sóng hay sóng dữ, xuồng không thể cập đảo vì lý do an toàn”, Thiếu tá Trần Văn Huy - Chính trị viên tàu HQ571, mở đầu lời dặn dò 194 thành viên trong đoàn, đặc biệt là các thành viên nữ khi biết gần như tất cả đều lần đầu ra Trường Sa. Ngay sau đó anh trấn an: “Nhưng các anh chị yên tâm, đi mùa này biển êm, có say cũng chỉ say nhè nhẹ thôi. Coi chừng khi về đất liền lại nhớ cái say nhè nhẹ đó đấy”.

Lời cảnh báo cùng cái cảm giác “say nhè nhẹ” của một thuyền viên kỳ cựu khiến các thành viên đoàn thêm hồi hộp, xen lẫn tò mò khi tàu HQ571 được lệnh nhổ neo rời Quân cảng Lữ đoàn 125 (phường Cát Lái, quận 2, TP.HCM) để đến với điểm đầu tiên là đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, Khánh Hòa). Quả thật 44 tiếng lênh đênh trên biển trước khi đặt chân lên đảo là một trải nghiệm mà chỉ có người tham gia trực tiếp mới cảm nhận rõ rệt. 

Những ngày tháng 5, sóng không dữ dằn như mùa biển động nhưng cũng đủ khiến con tàu tải trọng 2.000 tấn tròng trành và những thành viên “dị ứng” sóng biển phải oằn mình vật lộn. Có thời điểm, đồ đạc trong khoang tàu rơi tự do, ấy là khi trời nổi mưa giông, gió giật mạnh và tàu tăng tốc như để trốn chạy tới vùng biển lặng. Ngày đầu khá bình yên, nhưng đến ngày thứ 2, nhiều thành viên đoàn không chịu nổi sóng biển đã phải “cho cá ăn”.

Những chiến sỹ Trường Sa sạm đen nắng cháy với nụ cười hiền thường trực trên môi

Phòng ăn trên tàu vắng dần vì say sóng, nhiều người phải uống thuốc chống say. Cảm giác say sóng mà vẫn phải nằm trên con tàu tròng trành, cơm ăn không nổi, chân chẳng buồn đi… thật sự khó chịu và bào mòn kha khá sức lực nhiều thành viên. “Khi say sóng, hãy nghĩ về điều tốt đẹp phía trước đang đón đợi như những hòn đảo xinh đẹp, những bông hoa bàng vuông khoe sắc, làn nước biển xanh biếc mát rượi”, lời gợi ý của anh chính trị viên tàu giàu kinh nghiệm và vui tính mau chóng phát huy tác dụng.

Sau 44 tiếng lênh đênh, đảo Trường Sa dần hiện ra như chiếc phao xanh có viền trắng kéo hai khối màu lam của biển và của trời vào cùng một thảm màu, cuộn tròn ôm trọn con tàu. Tất cả thành viên trên tàu cùng lao ra hai mạn thuyền để chiêm ngưỡng, xuýt xoa. Loa phát thanh nội bộ của tàu liên tục phát những ca khúc về Trường Sa khiến lòng người thêm háo hức. Những mệt mỏi, nôn nao cũng dần tiêu tan, nhường chỗ cho “những điều tốt đẹp” đang đón đợi trước mắt.

Rộn ràng âm thanh cuộc sống trên đảo Núi Le

Hát Quốc ca giữa vùng đảo thiêng liêng

Đảo Trường Sa đón chúng tôi bằng cơn mưa rào nặng hạt. Cảm giác tàu đã cập bến nhưng vẫn phải chờ ông trời cho phép mới được lên đảo khiến nhiều người sốt ruột. Nhưng bù lại, đó là lúc các thành viên có thời gian để ngắm hòn đảo được mệnh danh là “trái tim” của quần đảo Trường Sa từ xa, nhìn sóng biển xanh ngắt cuộn trào, vỗ mạnh vào kè đá quanh đảo trước khi tan thành những bọt nước trắng xóa.

Cơn mưa thoáng qua mau, trả lại cho đảo Trường Sa vẻ yên bình vốn có và những khuôn mặt sạm đen vì cháy nắng đang nở nụ cười hiền và đưa cánh tay rắn rỏi của mình ra đón những thành viên tàu cập bến. Đó là những cán bộ chiến sỹ Hải quân đảo Trường Sa – những người mà trước đây tôi chỉ biết qua sách, qua ảnh và “đóng đinh” diện mạo của họ là trang nghiêm đến mức khô khan. 

Sẽ thật thiệt thòi cho ai đó đặt chân tới đảo Trường Sa mà không được dự lễ chào cờ lúc 6h sáng. Khi lá cờ Tổ quốc tung bay cũng là lúc quân và dân trên đảo cùng hát vang Quốc ca: “Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc/ Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa/ Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước/ Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca…”.

Không riêng tôi mà tất cả thành viên đoàn công tác đều trào dâng một cảm giác tự hào khi những ca từ âm hưởng hào hùng được tự mình cất lên, vang vọng và hòa vào biển trời Tổ quốc. Cái cảm giác lâng lâng tự hào đó nối dài khi nghe 2 tiếng “Xin thề” đầy khí chất của các cán bộ chiến sỹ Hải quân sau 10 lời thề danh dự quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam; và cộng hưởng thêm khi chứng kiến lực lượng hải quân, phòng không không quân, dân quân tự vệ trên đảo trong dáng vẻ oai nghiêm tiến hành duyệt đội ngũ.

Hoa bàng vuông bung nở giữa trời tháng 5

Lung linh giữa đại dương

Quanh năm nắng gió khắc nghiệt song mỗi hòn đảo trên vùng biển Trường Sa đều ẩn chứa trong mình vẻ đẹp hút hồn du khách. Nếu Đá Tây hùng vĩ với khu âu tàu có sức chứa 200 tàu cá vừa được đi vào khai thác, thì Tiên Nữ - cực Đông Tổ quốc, nổi bật với những cành hoa giấy mỏng mảnh nhưng rắn rỏi khoe sắc dưới nắng gió. Với An Bang lại là ngọn hải đăng cổ kính và sắc tím hoa bàng vuông nổi bật trên nền xanh của lá.

Trường Sa Đông là bãi cát trắng bao quanh, với những đàn vịt con tung tăng bơi lội. Còn Núi Le - tọa lạc trên rạn san hô rộng hơn 20km2, là những thảm màu nước biển nhiều màu sắc. May mắn không phải ai cũng có được khi đến Trường Sa là được ngắm nhìn cầu vồng. Sau cơn mưa bất chợt, cầu vồng rực rỡ sắc màu lướt qua đảo An Bang, mang lại vẻ yên bình hiếm hoi cho hòn đảo quanh năm sóng dữ này (nhiều đoàn công tác không thể lên đảo An Bang vì những sóng cao gần chục mét đánh vào bờ vào mùa biển động).

Rất nhiều thành viên đoàn trong đó có tôi đã tranh thủ trải nghiệm vẻ đẹp mê hồn của bãi cát trắng phẳng lì chạy quanh đảo An Bang, say sưa với những dây hoa rực rỡ sắc màu trên đảo Núi Le hay cùng các chiến sỹ cho vịt ăn -những chú vịt được mang từ đất liền có khả năng sống ở biển. 

Đến Trường Sa, ấn tượng không thể bỏ qua là những chú chó, vốn được ví như cư dân đặc biệt của vùng đảo này. Tất cả đều được mang từ đất liền, song qua thời gian sinh sống, thích nghi thổ nhưỡng đã mau chóng trở thành những người bạn của quân và dân trên các đảo, cùng các chiến sỹ trên dặm dài tuần tra.

Có vẻ như quanh năm ít khi được thấy người lạ, nên mỗi khi có đoàn khách từ đất liền ra thăm, những chú chó sau vài tiếng sủa “thăm dò” là ngay lập tức quấn chân du khách, vẫy đuôi muốn được cưng nựng, chiều chuộng. Mỗi thành viên đoàn, hầu như ai cũng có cho mình một kiểu ảnh chụp chung với những “cư dân thân thiện” này mang về làm kỷ niệm. 

Chỉ có hai giờ đồng hồ trên mỗi đảo đi qua có vẻ quá ít ỏi với những người tham lam. Bởi khi mới vừa chớm cảm, chớm yêu vẻ đẹp của nó đã phải bùi ngùi nói lời chia tay để đến với hòn đảo khác, đến với trải nghiệm mới. Song mỗi hòn đảo đi qua là một “cơn say nhè nhẹ” – lời anh chính trị viên tàu, không quá say để khiến người ta phải choáng váng đầu óc song đủ để luyến lưu, để phải nhớ suốt đời.

Trường Sa trong tôi, là những cơn say nhè nhẹ…