Trường mầm non ở Sơn La buộc trẻ nghỉ học vì mẹ quay clip: Kinh nghiệm không thể bỏ qua!

ANTD.VN - Sự việc một trường mầm non tư thục ở TP Sơn La buộc trẻ nghỉ học vì phụ huynh "dám” quay clip ghi lại cảnh tiêu cực ở trường đang thu hút sự chú ý của dư luận. PV Báo ANTĐ đã trao đổi với chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long để ghi nhận những chia sẻ, kinh nghiệm về sự việc đã qua.

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, vào hôm 6-7-2018, chị V.A (TP Sơn La) mở camera ở trường mầm non Smartkids Bé Thông Minh (phường Quyết Thắng, TP Sơn La – PV) để xem con mình đang được gửi tại đó. Qua camera, chị V.A phát hiện một bé trai đang đánh, đạp một bạn khác trong lớp, nên đã quay video clip ghi lại, và chia sẻ lên nhóm Facebook kín gồm các phụ huynh, giáo viên và ban giám hiệu của trường. Sau đó, có người bị cho là đã lấy lại clip này từ nhóm kín và đăng công khai, khiến dư luận bức xúc. Kết quả là ban giám hiệu của trường Smartkids Bé Thông Minh cho rằng chị V.A không có tinh thần xây dựng, nên đã buộc con của chị phải nghỉ học, và hoàn trả học phí. Điều này khiến chị V.A và một số phụ huynh tỏ ra vô cùng bức xúc.

“Cả phụ huynh và nhà trường đều thiếu sót!”

Trao đổi với PV Báo ANTĐ về sự việc, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, theo quan điểm của anh, hành động chia sẻ clip của phụ huynh V.A là hơi vội vã, chưa hợp lý.

“Tôi nghĩ cách tốt hơn là dùng clip đó làm cơ sở bằng chứng để làm việc với ban giám hiệu của trường, với các cô giáo. Nếu chỉ nhìn clip mà không biết bối cảnh trước và sau thì chưa đánh giá được toàn diện. Nếu là tôi thì tôi sẽ ưu tiên làm việc song phương trước khi quyết định sẽ chia sẻ clip như thế nào”, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long bày tỏ.

Những va chạm ở trường mầm non đã xảy ra một thời gian, song các cô dường như không hay, không biết, khiến phụ huynh bức xúc

Theo vị chuyên gia trên, khi sự việc có mâu thuẫn, “ai cũng có cái lý của mình”. Như phụ huynh V.A thì cho rằng chị chỉ đăng clip đó trong nhóm Facebook kín của nhà trường, trong khi trường lại thấy clip đó bị phát tán trên internet.

“Khi dùng internet, mạng xã hội, chúng ta phải luôn ở tâm thế rằng, một khi đã chia sẻ dữ liệu cho một cộng đồng thì hoàn toàn có khả năng dữ liệu đó bị tung ra ngoài, vì không có gì ràng buộc, cấm cản. Nhóm kín chỉ là về mặt hình thức, còn thực tế, kín như… không kín mà thôi! Đây là một bài học kinh nghiệm dành cho mọi người. Kể cả email, tin nhắn messenger… đều có thể bị hack, hoặc người đối diện để lộ mật khẩu ra ngoài, nên khái niệm kín không bao giờ đảm bảo 100%”, anh Long bày tỏ.

Do vậy, vị chuyên gia truyền thông này cho rằng ở sự việc đã qua, phụ huynh V.A chưa lường trước được vấn đề phát sinh, và hai bên chưa có đủ sự bình tĩnh, cảm thông dành cho nhau. Phía nhà trường cũng đã phản ứng chậm chạp trước sự bức xúc của các phụ huynh.

Cách nào hợp lý nhất cho phụ huynh góp ý, nhà trường tiếp nhận?

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long bày tỏ, nếu anh ở vị trí hiệu trưởng của trường mầm non Smartkids Bé Thông Minh, thì khi phát hiện clip trong nhóm Facebook, anh sẽ lập tức gọi điện cho phụ huynh V.A để khẳng định đã nắm thông tin về sự việc, và đề nghị người này gỡ ngay clip xuống nhằm tránh khả năng bị phát tán sai mục đích.

“Nếu chị V.A đăng lên với mục đích cho nhà trường biết, thì rõ ràng nhà trường đã biết rồi, và sẽ phải giải quyết rõ ràng, hợp tình hợp lý. Được như vậy, hai bên đều thiện chí và hướng tới phương án xử lý hiệu quả. Lần trước, ở sự việc một cô bé tố cáo bị anh rể là MC bạo hành, cũng chỉ là đăng lên gỡ xuống, nhưng câu chuyện đã bị đẩy đi rất xa.

Trong nhiều trường hợp, câu chuyện bên trong mang sắc thái khác và rất bình thường, nhưng khi đưa ra ngoài sẽ trở thành bất thường. Vậy hiệu trưởng cần phải can thiệp nhanh nhất để gỡ clip xuống, và sau đó, xử lý đúng nội tình câu chuyện”, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long phân tích.

Một vụ "mạnh tay" với trẻ xảy ra ở một trường mầm non tư thục quốc tế tại Hà Nội mà Báo ANTĐ từng phản ánh

Về phía phụ huynh, anh Long cho rằng, phương án vẹn toàn là phải làm sao để con mình không gặp rắc rối, bản thân mình cảm thấy thoải mái và phía nhà trường cũng không cảm thấy vấn đề gì.

“Nếu tôi là chị V.A, tôi sẽ giữ bằng chứng đó lại để yêu cầu nhà trường vào cuộc. Đầu tiên, cần thể hiện thiện chí của mình với nhà trường. Sau đó, tùy vào việc xử lý của trường như thế nào để quyết định các hành động tiếp theo. Có vậy, nhà trường và dư luận sẽ không ai trách được mình!”, chuyên gia gợi ý.

Sau tất cả, anh Nguyễn Ngọc Long đánh giá đây chỉ là sự việc nhỏ, và các bên liên quan nên ngồi lại với nhau, để miễn sao không gây ảnh hưởng tới con trẻ, bởi “nếu các con bị ảnh hưởng, thì từ phía phụ huynh hay nhà trường đều chẳng ai vui vẻ gì!”.