Trước "ngưỡng cửa"... thất nghiệp, sinh viên vẫn ngơ ngác hỏi "CV là gì?"

ANTD.VN - Theo Bộ LĐ-TB&XH, cả nước hiện có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp và con số này sẽ tiếp tục gia tăng trong năm nay. Mặc dù đứng trước ngưỡng cửa thất nghiệp nhưng theo một nhà tuyển dụng nhân sự, nhiều sinh viên tốt nghiệp vẫn thiếu kỹ năng, có bạn đi xin việc còn hỏi “CV là gì?”.

Các bạn sinh viên cần chủ động trau dồi cả kỹ năng mềm, kinh nghiệm song song với quá trình học tập, tránh để khi tốt nghiệp đi xin việc vẫn chưa biết CV là gì

Đi xin việc vẫn không biết CV là gì

Đánh giá cao những kiến thức, kỹ năng cũng như sự nhanh nhẹn của nhiều sinh viên mới tốt nghiệp nhưng không hiếm khi các nhà tuyển dụng phải “lắc đầu” trước những tình huống “cười ra nước mắt” khi phỏng vấn các tân cử nhân.

Chia sẻ về những tình huống gặp phải trong quá trình tuyển dụng nhân sự, chị Kiều Thị Hảo - phụ trách mảng việc này tại Công ty cổ phần dịch vụ bất động sản An Cư cho biết, nhiều bạn sinh viên đã tốt nghiệp nhưng các kỹ năng, kiến thức cơ bản vẫn rất lơ mơ.

Chị Hảo kể: “Có lần, sau khi tư vấn về các vị trí công việc mà công ty đang tuyển dụng, tôi nhận thấy ứng viên là một sinh viên mới tốt nghiệp bày tỏ mong muốn được đi làm. Tôi có nói, nếu thực sự muốn đi làm thì em gửi CV cho chị. Khi đó, bạn sinh viên này hỏi lại tôi rằng, CV là gì hả chị?”.

“Khá ngạc nhiên trước câu hỏi này nhưng tôi có nói em lên mạng tìm hiểu. Đồng thời cũng giải thích cặn kẽ hơn rằng, CV là một bản giới thiệu về bản thân bao gồm những thông tin cá nhân, kỹ năng được đào tạo, kinh nghiệm cũng như mong muốn chia sẻ về công việc của ứng viên”, chị Hảo nói.

“Vậy nhưng, ngay lập tức bạn sinh viên đó lấy giấy bút ra và ghi thông tin gồm có họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại và địa chỉ email. Tôi nói em gửi lại CV cho chị nhé thì bạn sinh viên này chìa tờ giấy vừa ghi cho tôi”, chị Hảo cho hay.

Muốn lương 30 triệu nhưng ưu điểm chỉ là hòa đồng

Trước các ý kiến cho rằng, nhiều công ty đòi hỏi sinh viên mới ra trường có kinh nghiệm là điều hết sức vô lý, một số nhà tuyển dụng cho rằng, những bạn sinh viên có nhiều trải nghiệm như tham gia công tác đoàn hội hay đã từng đi làm thêm đều được đánh giá cao.

Chị Tạ Thu Hằng, một chuyên viên tuyển dụng nhân sự chia sẻ: “Nhiều khi kinh nghiệm chúng tôi đòi hỏi ở đây không phải là ở công việc gì quá cao sang hay đúng chuyên môn. Các bạn có thể làm công việc như PG hay bán hàng đều có thể tích lũy được những kinh nghiệm nhất định. Với nhà tuyển dụng, những bạn sinh viên như vậy nếu thể hiện mong muốn thực sự được làm việc thì chúng tôi vẫn sẵn sàng tạo cơ hội và tiếp tục đào tạo. Còn những bạn chỉ học, học và học thì khi đi xin việc sẽ không được đánh giá cao”.

Kể thêm về một trường hợp đã tiếp xúc trong quá trình tuyển dụng, chị Kiều Thị Hảo cho rằng, việc sinh viên thiếu trải nghiệm cũng dễ dẫn tới việc ảo tưởng về bản thân. “Cũng trong một lần tư vấn tìm ứng viên, tôi có tiếp xúc với một bạn sinh viên mới tốt nghiệp chuyên ngành địa chính. Khi tôi hỏi, với công việc này thì em mong muốn thu nhập như thế nào? Bạn sinh viên đó nói, em mong muốn thu nhập khoảng 30 triệu đồng một tháng. Tôi hỏi tiếp, mong muốn thu nhập như vậy thì em thấy bản thân mình có những kỹ năng, ưu điểm gì nổi trội. Tôi nhận được câu trả lời rằng, ưu điểm của em là hòa đồng”, chị Hảo kể.

Theo các chuyên gia, tỷ lệ sinh viên sau khi ra trường không có kỹ năng mềm là rất lớn. Trong khi đó, kỹ năng mềm là yếu tố luôn được các nhà tuyển dụng đánh giá cao. Có thể nói, bằng cấp là quan trọng nhưng năng lực thực sự và kinh nghiệm của các ứng viên mới là yếu tố quyết định. Các trường cũng cần chú trọng định hướng cho các bạn sinh viên, không nên để khi sinh viên đi xin việc vẫn hỏi “CV là gì?”.