Trung tâm Tiếng Anh kiểu cũ sẽ dần biến mất

ANTD.VN - Xu hướng đổi mới trong dạy và học tiếng Anh của trường học chất lượng cao, trường công lập tự chủ tài chính, đặc biệt là các trường ngoài công lập khiến các trung tâm dạy tiếng Anh truyền thống trở nên lỗi thời.
 

Nhiều trung tâm dạy tiếng Anh phải chuyển đổi trước xu hướng đổi mới cách dạy và học môn này trong nhà trường

Tiếng Anh không chỉ là một môn riêng biệt mà sẽ là công cụ giúp học sinh Việt Nam học tập các môn học khác, thu nạp kiến thức mới và sử dụng như một ngôn ngữ thứ hai. Điều này đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy tiếng Anh trong và ngoài nhà trường.

Nhu cầu học đơn thuần ngày càng giảm

Hiện nay, các bậc phụ huynh đã quá quen với cụm từ trường phổ thông quốc tế ở các thành phố lớn. Các trường này đang áp dụng chiến lược dạy và học tiếng Anh có đầu ra chứng chỉ quốc tế với cam kết sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai và đưa vào giảng dạy trong một số môn học phổ thông. 

Tại trường phổ thông Pascal, Hà Nội, việc đưa tiếng Anh vào giảng dạy môn khoa học đã được áp dụng nhiều năm nay, đồng thời khuyến khích giáo viên các môn Tự nhiên lồng ghép tiếng Anh trong giảng dạy. Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa cũng đẩy mạnh các chương trình ngoại khóa, sinh hoạt theo chủ đề bằng tiếng Anh.

Nhiều chuyên gia nhận định, trong vòng 5 năm tới, nhu cầu học tiếng Anh đơn thuần ngày càng giảm, nhất là tại các thành phố lớn. Do vậy, kiểu đào tạo tiếng Anh thông thường sẽ nhanh chóng lỗi thời trong tương lai gần.

Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường này cho biết, nhà trường đang kết nối với các đối tác đào tạo chuyên ngành tiếng Anh xây dựng các chủ đề ngoại khóa để phát huy kỹ năng giao tiếp, nghe nói của học sinh. Ngoài ra, trường cam kết với các bậc phụ huynh là học sinh tốt nghiệp lớp 12 của trường đều phải đáp ứng trình độ chứng chỉ tiếng Anh B1. 

“Năm 2017, toàn trường có hơn 130 học sinh lớp 12 được miễn thi Ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia sau khi được chứng nhận đạt trình độ tiếng Anh B1 và nhiều học sinh đạt chứng chỉ TOEFL, IELTS với mức điểm cao” - ông Hà Xuân Nhâm cho biết.

Được biết, tại nhiều trường công lập của Hà Nội, việc đầu tư tiếng Anh nâng cao theo chương trình liên kết khiến chất lượng giảng dạy bộ môn này tốt hơn,  phụ huynh yên tâm hơn nên không còn phải đưa con đi học thêm ở các trung tâm ngoài nhà trường. Hàng loạt các trường như THPT Tây Hồ, Phan Đình Phùng, Phạm Hồng Thái, Việt Đức… đều liên kết với trung tâm dạy ngoại ngữ với cách triển khai khá bài bản từ sắp xếp đầu vào theo trình độ đến kiểm tra cuối kỳ đánh giá tiến bộ của học sinh.

Nhiều chuyên gia nhận định, trong vòng 5 năm tới, nhu cầu học tiếng Anh đơn thuần ngày càng giảm, nhất là tại các thành phố lớn. Do vậy, kiểu đào tạo tiếng Anh thông thường sẽ nhanh chóng lỗi thời trong tương lai gần.

Sáp nhập, xóa sổ các trung tâm kiểu cũ

Đầu tháng 10 vừa qua, thị trường đào tạo tiếng Anh chứng kiến hàng loạt cơ sở của Học viện Anh ngữ EQuest và Anh ngữ Việt Mỹ VATC bất ngờ thay đổi biển hiệu sang tên IvyPrep khiến nhiều người băn khoăn về sự “biến mất” của 2 thương hiệu đào tạo tiếng Anh gần 20 năm tuổi và đang có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. 

Nhiều trung tâm tiếng Anh tên tuổi nhưng không còn chiếm lĩnh thị trường tại các thành phố lớn như trước đây với hàng chục lớp học, học kín các ca vào buổi tối hay ngày nghỉ cuối tuần. Thay vào đó, các trung tâm đang có xu hướng chuyển đổi từ đào tạo tiếng Anh thông dụng sang lĩnh vực đào tạo và hoạch định chiến lược học bổng du học Mỹ, Úc hay các nước châu Âu khác.

Đại diện IvyPrep Education nhận định, cùng với sự lên ngôi của công nghệ, các ứng dụng dịch thuật khiến việc sử dụng tiếng Anh thông thường ngày càng dễ dàng. Bên cạnh đó, các trung tâm tiếng Anh không còn hấp dẫn nữa do việc đào tạo tiếng Anh tại các trường đang ngày càng tốt hơn. Không chỉ các trường quốc tế, dân lập mà khối trường học công lập cũng đầu tư mạnh mẽ vào giảng dạy tiếng Anh, toán và khoa học bằng tiếng Anh. 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan – Giám đốc điều hành Khối Ngoại ngữ & Phổ thông của Tổ chức giáo dục Hoa Kỳ cho biết: “Bước chuyển mình về dạy và học tiếng Anh này đặt ra cho chúng tôi những thách thức không hề nhỏ. Đó là sự nâng cấp đồng bộ các tiêu chuẩn chất lượng, nội dung đào tạo, giảng viên, cơ sở vật chất, mô hình học tập của toàn bộ hệ thống. Học viên cần phải được trang bị những kiến thức và kỹ năng toàn cầu như học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường nước ngoài”.

Được biết, hiện nay, nhu cầu học tiếng Anh của học sinh có xu hướng kết hợp đào tạo kỹ năng lãnh đạo, tranh luận, tổ chức hoạt động cộng đồng… hay lập trình... Đây cũng là những kỹ năng thiết yếu, đón đầu cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.