Trả lại tên cho các cuộc chơi

ANTD.VN - Quyết định dừng các cuộc thi kiến thức trên mạng từ năm học 2017-2018 của Bộ GD-ĐT được đưa ra ngay trước thềm năm học mới sau một thời gian cân nhắc. 

Phản ứng tức thời của cộng đồng mạng là đồng thuận với quyết định của Bộ. Nhiều ý kiến phản ánh: “Nhiều cuộc thi trên mạng được tổ chức cẩu thả, chất lượng kém nên dừng là đúng”; “Hình thức thi này làm cho học sinh bị nhồi nhét, chẳng mang lại lợi ích gì, bây giờ mới ngưng là muộn nhưng muộn còn hơn không…”.

Số khác cho rằng, thi Toán, tiếng Anh trên mạng tạo ra áp lực, gánh nặng cho cả học sinh, phụ huynh và giáo viên nên bỏ là đúng. Ủng hộ việc bỏ hẳn các cuộc thi trên mạng, một số phụ huynh cho rằng, nhà trường nên tập trung cho trẻ phát triển các kỹ năng mềm hơn là tổ chức cho học sinh “lao đầu” vào các cuộc thi trên mạng nhằm “làm đẹp” bảng thành tích học tập mỗi dịp cuối năm.

Thực ra, các cuộc thi không có lỗi, nếu chỉ xem chúng như hình thức tham khảo hay một trò chơi trí tuệ trên mạng. Công bằng mà nói, một số cuộc thi nghiêm túc trên mạng, được đầu tư công phu, tổ chức chặt chẽ cũng có ích, đem lại những kiến thức và kỹ năng nhất định cho học sinh chứ không phải hoàn toàn vô bổ. Do đó, một giáo viên phân tích rằng, “thủ phạm” làm hư các cuộc thi này chính là… ngành giáo dục và các vị phụ huynh.

Việc đưa chỉ tiêu vận động các trường cho học sinh tham gia các cuộc thi trên mạng vô hình trung đã tạo áp lực thành tích. Ở các nhà trường, lớp có học sinh tham gia được ưu tiên cộng điểm tạo áp lực cho giáo viên. Thành tích có được từ các cuộc thi trên mạng cấp trường - huyện - thành phố - tỉnh - quốc gia sẽ được cộng điểm khuyến khích vào các kỳ tuyển sinh đầu cấp… tạo áp lực cho các phụ huynh tìm đủ cách đưa con mình vào sâu các vòng thi.

Chuyện căng thẳng tới mức học sinh phải tập trung “luyện thi” với nhiều nick (tài khoản) khác nhau trên mạng… Thế nên, từ mấy năm trước, khi dư luận ồn ào về những cuộc thi trên mạng, có chuyên gia cho rằng, chỉ cần Bộ GD-ĐT quy định rõ không được dùng kết quả thi trên mạng để đánh giá thành tích học tập của học sinh hay giữa các lớp học trong nhà trường thì tự nhiên các cuộc thi vô bổ sẽ bị loại bỏ vì không có người tham gia.

Tóm lại, cần trả các cuộc thi trên mạng về đúng vị trí của chúng là sân chơi bên ngoài học đường cho học sinh các cấp, không nên áp đặt cho chúng “sứ mệnh” cao cả nào về đào tạo, giáo dục con người. Khi chỉ là những cuộc chơi đơn thuần, chúng sẽ có những “luật chơi” riêng và người tổ chức các cuộc chơi ấy sẽ phải tuân thủ các quy định pháp luật cũng như quy tắc đạo đức chung của xã hội. Cuộc thi nào ý nghĩa, bổ ích - người tham gia sẽ đông và ngược lại.