Tổng đài 111 bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại, bạo hành: Chuông điện thoại đổ liên hồi!

ANTD.VN - Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em với số điện thoại 111, giúp người dân dễ thuộc, dễ gọi đặc biệt trẻ em có thể ghi nhớ, sử dụng khi xảy ra tình huống khẩn cấp, để có sự hỗ trợ kịp thời.

Theo số liệu thống kê của Cục trẻ em, ở Việt Nam trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trẻ bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp. Còn số liệu của Bộ Công an nghiên cứu trên 2.000 học viên các trường giáo dưỡng cho thấy khoảng 50% em có tuổi thơ từng sống trong tình trạng hà khắc của bố mẹ. Trong đó, số em bị bố đánh chiếm 23% , gấp 6 lần tỷ lệ bị mẹ đánh.

Máy bận liên tục

Tổng đài điện thoại bảo vệ trẻ em 111 được kết nối trên cả nước để tiếp nhận tất cả các thông tin tố giác hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em. Đường dây nóng 111 đặt trung tâm tiếp nhận, xử lý thông tin tại 3 địa phương: Hà Nội, Đà Nẵng và An Giang, hoạt động 24/24 giờ. Các cuộc gọi vào ca đêm ở Đà Nẵng và An Giang sẽ được tự động chuyển về 111 Hà Nội để xử lý, giải quyết.

Là một trong những người trực tiếp giữ đường dây nóng 111, chị Nguyễn Như Ý, nhân viên tư vấn tổng đài cho biết, ngay sau khi tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em với số điện thoại 111 chính thức kết nối trên cả nước đã nhận được nhiều sự quan tâm của người dân cả nước.

Năm nhân viên trực của đường dây thường phải làm việc liên tục, không phút nghỉ ngơi để nghe, trả lời và tư vấn cho các cuộc gọi đến. Trong những ngày đầu đi vào hoạt động, có không ít những cuộc gọi đến chỉ để “thử xem đường dây có hoạt động không”.

Trước khi được nâng cấp thành tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em là 18001567. Qua 13 năm hoạt động, đầu số này tiếp nhận trên 2,5 triệu cuộc gọi trong phạm vi cả nước.

Dù vậy, đa số những cuộc gọi này xin được tư vấn về các vấn đề về hỗ trợ học nghề, trẻ em vô gia cư, trẻ em sử dụng chất kích thích, trẻ em với vấn đề nhà trường,... Rất nhiều người chưa biết và sử dụng với mục đích phản ánh, tố giác về tình trạng bạo hành trẻ em.

Bảo vệ trẻ em kịp thời qua đường dây nóng 111

Theo bà Nguyễn Thuận Hải, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn và dịch vụ truyền thông, Tổng đài 111, trước khi được nâng cấp, đường dây nóng 18001567 cũng đã tiếp nhận khá nhiều cuộc gọi đến, nhưng so với tình trạng bạo hành trẻ em trên cả nước thì không phải là lớn.

Theo khảo sát, rất nhiều người không biết đến đường dây 18001567, đặc biệt là người dân và trẻ em ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Do vậy, nhiều vụ bạo hành, xâm hại trẻ em chưa được phát hiện và can thiệp kịp thời.

Chủ động phương án hỗ trợ, bảo vệ trẻ em

Bà Nguyễn Thuận Hải chia sẻ: “Từ khi tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em đi vào hoạt động, chúng tôi nhận được nhiều cuộc gọi đến bày tỏ bức xúc liên quan đến các vụ việc “nóng” thời gian gần đây như trường hợp bà nội sát hại cháu mới 23 ngày tuổi, bé trai 10 tuổi bị bố và mẹ kế ngược đã gần 2 năm… Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy tổng đài 111 có sức lan tỏa trong dư luận xã hội”.

Nói về quy trình tiếp nhận, xử lý các cuộc gọi đến tố giác hành vi bạo hành trẻ em chị Nguyễn Như Ý chia sẻ, nếu đó là trường hợp báo tin trực tiếp khi phát hiện sự việc, nhân viên trực tổng đài phải gọi điện về cán bộ phụ trách trẻ em cấp xã, xác minh trường hợp bị bạo hành. Sau đó tìm cách hỗ trợ bảo vệ nạn nhân, đồng thời tư vấn cho gia đình về các thủ tục hành chính, tố tụng, báo cơ quan chức năng.

Đối với những vụ việc không phải được báo qua đường dây nóng mà qua “kênh” báo chí, mạng xã hội, như vụ việc bé Tr.N.K (10 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội), bé Tr.D.N (9 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) nhân viên trực tổng đài đã chủ động kết nối với cơ quan hữu quan của TP. Hà Nội, yêu cầu cử cán bộ xuống tìm hiểu và hỗ trợ cho nạn nhân. Đối với những vụ việc trên, quy trình của một ca tiếp nhận thông tin là kết nối với cán bộ làm công tác xã hội ở địa phương để cán bộ xuống nắm bắt tình hình, đánh giá mức độ tổn thương của trẻ, sau đó phối hợp với gia đình lên phương án hỗ trợ, bảo vệ trẻ như cách ly hoặc đưa trẻ đi điều trị tâm lý.

Theo thống kê của Cục trẻ em, mỗi năm đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em tiếp nhận khoảng 300.000 cuộc gọi đến. Có những vụ việc gây tổn thương nặng nề cho trẻ về thể chất, trường hợp bé N.T.N.L (sinh năm 2012) và Đ.T.N.C (sinh năm 2013) bị bố ruột là người nghiện ma túy, thường xuyên bạo hành đánh đập gây thương tích nặng.

Các bé thường bị bố dùng que sắt đánh, chọc vào người hoặc phạt ngồi ngoài sân giữa trưa nắng 38 độ, gây áp lực bắt ông bà cho tiền mua thuốc. Trường hợp bé N.V.T (sinh năm 2012, Bình Chánh, TP.HCM) bị cha dượng và mẹ đẻ bạo hành khiến trẻ bị gãy xương đùi, trên người có nhiều vết bầm tím, cháu phải nhập Viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM để điều trị…

Điều đáng nói là, các cuộc gọi đến chủ yếu từ người lớn, người thân, hàng xóm… còn bản thân nạn nhân thì lại rất ít, hầu như không có. Việc nâng cấp đường dây nóng 18001567 thành Tổng đài quốc gia 111 dễ nhớ, dễ thuộc như các cuộc gọi khẩn cấp thì sẽ tiếp cận đến người dân nhiều hơn, đặc biệt là trẻ em. Bởi chính trẻ em là nạn nhân hoặc có nguy cơ, hoặc là người tiếp cận với các vụ bạo hành nhanh nhất, nhiều nhất.