Tình thế cấp thiết không phải chịu trách nhiệm hình sự

ANTD.VN -  Hỏi: Cách đây không lâu, khi tôi đang điều khiển ô tô chở hơn 30 hành khách trên xe thì bất ngờ có một cháu bé chạy ngang qua đường với một bên là vách núi và một bên là vực sâu. Lúc đó, tôi định đánh tay lái sang một bên để tránh cháu bé nhưng lại sực nhớ ra trên xe ô tô có rất nhiều người. Thến nên tôi lập tức quyết định bảo toàn cho số đông người trên xe, khiến cháu bẻ tử nạn. Xin hỏi, trường hợp này của tôi có thuộc trường hợp tình huống bất ngờ và cấp thiết không? Tôi có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Mong luật sư phân tích rõ quy định của pháp luật về trường hợp của tôi. Nguyễn Văn Bổn (Trực Ninh, Nam Định)

Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết của lái xe khách không phải là phạm tội     (Ảnh minh họa)

Trả lời: Do anh không cho biết thông tin cụ thể về những vấn đề như tình trạng sức khỏe của anh lúc lái xe (tỉnh táo hay buồn ngủ, có dùng chất kích thích không), điều kiện phương tiện (có đáp ứng đủ các tính năng an toàn không), ý thức chấp hành luật giao thông (có đi đúng làn đường phần đường, đúng tốc độ không)… nên tôi đặt giả sử là anh không có bất cứ vi phạm gì khi xảy ra tai nạn và nếu anh vô ý gây tai nạn thì vụ việc của anh thuộc trường hợp "Sự kiện bất ngờ".

Cụ thể, theo quy định tại Điều 11- BLHS năm 1999 thì sự kiện bất ngờ là trường hợp người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội do không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó. Không thể thấy trước được hậu quả của hành vi là trước khi thực hiện hành vi (hành động hoặc không hành động), người thực hiện không nhận thức được hành vi của mình sẽ gây ra hậu quả.

Sự nhận thức này của người thực hiện hành vi có cơ sở khoa học và được mọi người thừa nhận với nhìn nhận bất kỳ ai trong hoàn cảnh đó đều không thể thấy trước được hậu quả sẽ xảy ra, nhưng thực tế hậu quả vẫn xảy ra. Không buộc phải thấy trước là khi có khả năng thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi nhưng theo pháp luật không buộc họ phải thấy trước hậu quả của hành vi đó và nếu có hậu quả xảy ra thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nguy hiểm gây ra. Như vậy là người gây ra thiệt hại (tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản) do sự kiện bất ngờ không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Giang Hồng Thanh - VPLS Giang Thanh Địa chỉ: Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội

Ở góc độ khác, nghĩa là do anh vì cố gắng bảo đảm sự an toàn cho hàng chục người trên ô tô dẫn tới việc anh buộc phải cố ý cán xe vào cháu bé thì hành vi này của anh đã rơi vào trường hợp “Tình thế cấp thiết”, theo quy định của BLHS. Theo đó, Điều 16 xác định, tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Về thực tế, khi anh đâm xe vào cháu bé, anh đã không còn sự lựa chọn nào khác để đảm bảo an toàn cho 30 hành khách ngồi trên xe vì nếu tránh cháu bé, xe anh có thể lao xuống vực hoặc đâm vào vách núi. Nếu anh làm như vậy có thể cháu bé sẽ không bị làm sao nhưng chắc chắn số đông người trên xe ô tô do anh điều khiển sẽ bị thương vong. Rơi vào trường hợp này, BLHS xác định hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm. Do đó anh cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự và dân sự.