Thừa kế không phân biệt con trai hay con gái

ANTD.VN - Tôi cùng hai em muốn xây lại căn nhà của cha mẹ đã mất trên nền đất cũ để làm nhà thờ. Tuy nhiên, người em trai lớn của tôi cản trở với lí do “nhà thờ là việc của con trai, con gái đã lấy chồng thì không còn dính líu gì đến đất cát nữa”. Xin hỏi, có quy định nào như vậy không? Nếu em trai lớn của tôi không đồng ý thì ba chị em tôi có được phép xây nhà thờ cha mẹ không? Lê Thị Tuyết Nhung (Ninh Bình)

Luật sư Hoàng Kim Thoa, Công ty Luật TNHH MTV QTC (Số 11A, ngõ 98 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội)

Trả lời: Căn cứ thông tin mà chị Nhung cung cấp, có thể thấy nguồn gốc nhà đất mà chị em chị đang dự định xây nhà thờ là của bố mẹ chị để lại nhưng không lập di chúc. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 610 - Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 thì “Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”. Tương tự, Điều 651 - BLDS 2015 cũng quy định về người thừa kế theo pháp luật.

Theo đó, hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Như vậy, luật không phân biệt con trai hay con gái mới được hưởng di sản thừa kế. Trong trường hợp này, chị thuộc hàng thừa kế thứ nhất và những người cùng hàng thừa kế với chị đều được hưởng kỷ phần di sản ngang bằng nhau.

Còn về việc xây dựng nhà thờ cha mẹ, chị cần tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng. Theo đó, về nguyên tắc nếu người sử dụng đất có một trong các giấy tờ như: Giấy tờ của Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp cấp đất ở cho gia đình, xã viên của hợp tác xã từ trước ngày 28-6-1971; Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được UBND cấp phường, xã, thị trấn xác nhận không có tranh chấp và được UBND cấp quận, huyện, thành phố (thuộc tỉnh) thẩm tra, xác nhận; Giấy tờ sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của TAND, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành; Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng, cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; Giấy tờ về việc chuyển quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên có liên quan, nhưng đến trước ngày 1-7-2004 chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật và nay được UBND cấp phường, xã, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp… thì đều được xem xét cấp phép xây dựng công trình, theo đúng quy hoạch của địa phương. 

Hồ sơ xin cấp Giấy phép xây dựng nhà thờ, chị cần gửi đến UBND huyện hoặc thành phố (thuộc tỉnh) nơi có đất. Về việc xin xây lại căn nhà của cha mẹ khi có một người con không đồng ý, gia đình chị có thể căn cứ  vào Điều 3 - Quyền và nghĩa vụ của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng, theo Thông tư số: 15/2016/TT-BXD ngày 30-6-2016 về cấp phép xây dựng.