Thu hồi đất khu Cát Thượng, Hoàng Mai: Cần bồi thường thỏa đáng cho người dân

ANTD.VN - “Sau khi nhận chuyển nhượng 4.506m2 đất, chúng tôi đã đầu tư khá nhiều vốn vào đó để cải tạo đất, xây dựng trang trại, trồng cây. Tuy vậy, khi thu hồi đất để triển khai dự án, chúng tôi chỉ được bồi thường, hỗ trợ trên 200.000 đồng/m2. Điều này khó có thể chấp nhận được”…

Một góc khu đất bị thu hồi

Chuyển nhượng đất bằng giấy viết tay

Trên đây là phản ánh của bà Trần Mỹ Hạnh, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội và bà Vũ Thị Bền ở ngõ 29 phố Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng. Cũng theo bà Hạnh, trước năm 2004, bà và 14 hộ gia đình đã góp vốn nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng màu 5% tại khu xứ đồng Cát Thượng, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai của 21 hộ dân để đầu tư xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng màu và cây ăn quả lâu năm.

Trong quá trình cải tạo và xây dựng trang trại, các gia đình được chính quyền địa phương ủng hộ, tạo điều kiện. Phần diện tích đất chuyển nhượng có ranh giới rõ ràng, được các hộ dân sử dụng ổn định hơn 10 năm nay và không có tranh chấp với tổ chức, cá nhân nào.

Tháng 11-2009, UBND thành phố Hà Nội có quyết định thu hồi trên 810.000 m2 đất tại phường Trần Phú và Yên Sở giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khu đất đối ứng C2 Dự án xây dựng nhà máy nước thải Yên Sở, trong đó diện tích trang trại của bà Hạnh cùng một số hộ dân khác cũng nằm trong phần diện tích bị thu hồi.

Bà Hạnh cùng 14 hộ dân đã cung cấp hồ sơ liên quan đến việc chuyển nhượng, giấy xác nhận đất 5% khi UBND phường Trần Phú và Ban GPMB quận Hoàng Mai xác lập phương án bồi thường. Tuy vậy, các hộ dân này không được nhận tiền bồi thường GPMB với lý do đất vẫn thuộc sở hữu của 21 hộ dân đã chuyển nhượng, vì việc mua bán giữa các bên chỉ là giấy viết tay, không có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền.

Trước kiến nghị của bà Hạnh và 14 hộ dân, sau khá nhiều cuộc họp và các văn bản giải quyết của các ban ngành liên quan, đến tháng 12-2014, UBND quận Hoàng Mai đã có công văn  gửi UBND thành phố  báo cáo đề xuất phương án hỗ trợ đối với 15 hộ (trong đó có bà Hạnh) với tổng số tiền trên 8,3 tỷ đồng. Song đề xuất này không được chấp thuận.

Bà Hạnh cho biết thêm, phần diện tích gia đình bà và các hộ khác nhận chuyển nhượng chỉ được hỗ trợ 10% giá trị tài sản, công trình kiến trúc trên đất là quá thiệt thòi, không phù hợp với các quy định của pháp luật. Phương án gộp cả 15 hộ chung một phương án và áp dụng hạn mức chung  là 1 hộ gia đình (hộ bà Vũ Thị Bền) để xem xét bồi thường cũng không hợp lý. 

Tránh để khiếu kiện kéo dài

Về sự việc trên, gần đây nhất, ngày 16-6, Ban chỉ đạo GPMB thành phố đã có Công văn số 454/BCĐ-NV3 gửi UBND quận Hoàng Mai trong đó nêu rõ: Từ tháng 1-2015, Ban chỉ đạo đã đề nghị UBND quận Hoàng Mai mời các hộ dân có liên quan, UBND phường Trần Phú họp để khẳng định bằng văn bản việc mua bán đã hoàn thành; Căn cứ hồ sơ lưu trữ tại địa phương và giấy tờ mua bán chỉ đạo UBND phường xác nhận diện tích thực tế đang sử dụng và phần diện tích còn lại thuộc loại đất gì, đồng thời phê duyệt điều chỉnh phần diện tích chênh lệch giữa việc mua bán và thực tế sử dụng sau khi xác định chủ sử dụng đất và loại đất. 

Tuy vậy, hiện UBND quận Hoàng Mai chưa cung cấp được các hồ sơ liên quan về việc mua bán đã hoàn thành, xác nhận nguồn gốc đất của các hộ. Để có cơ sở phê duyệt phương án cho các hộ, Ban chỉ đạo đề nghị UBND quận Hoàng Mai tập trung giải quyết theo chỉ đạo của UBND thành phố tại Thông báo số 153/TB-VP.

Trường hợp không xác nhận được việc mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp hoàn thành giữa các hộ thì UBND quận Hoàng Mai rà soát, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ  GPMB cho hộ bà Vũ Thị Bền theo quy định.

Theo bà Đồng Thị Như Hoa - Phó trưởng Ban bồi thường, GPMB quận Hoàng Mai, thực hiện Công văn số 454/BCĐ-NV3, ngày 23-8, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quận đã lên phương án hỗ trợ bổ sung thực hiện GPMB khu đất đối ứng C2 dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Sở tại khu Cát Thượng.

Theo đó, bà Vũ Thị Bền (đại diện nhóm 14 hộ gia đình, cá nhân) được hỗ trợ trên 1.165.635.000 đồng với diện tích đất là 4.506m2. Trước đó, quận đã lên phương án hỗ trợ các hộ gia đình này trên 157 triệu đồng (tiền hỗ trợ chi phí đầu tư vào đất) và 130 triệu đồng (tiền bồi thường về công trình, kiến trúc, hoa màu trên đất).

Do không đồng ý với các phương án này nên các hộ dân vẫn chưa nhận tiền bồi thường. “Quan điểm của UBND quận là luôn mong muốn áp dụng chính sách có lợi nhất cho người dân. Tuy vậy, đối với sự việc trên, do chưa có đủ tài liệu, căn cứ xác nhận việc mua bán đã hoàn thành nên không thể lên phương án bồi thường cho từng hộ” - bà Hoa cho biết.

Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị thu hồi đất, đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần sớm kiểm tra, xem xét áp dụng đúng chính sách pháp luật để hỗ trợ, bồi thường thỏa đáng cho họ, tránh xảy ra khiếu kiện kéo dài.