Thay vì đề nghị giải tán Hội cha mẹ học sinh, sao không ứng cử để làm?

ANTD.VN - Đã có hẳn một bộ điều lệ quy định về trách nhiệm, quyền hạn của Ban đại diện cha mẹ học sinh, tuy nhiên, mỗi khi vào đầu năm học, những “điều tiếng” về hội này lại “nở rộ”. 

Nhiều phụ huynh lo lắng tình trạng lạm thu thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh dịp đầu năm học - Ảnh minh họa

Với vai trò là cầu nối giữa nhà trường và phụ huynh, Ban đại diện cha mẹ học sinh hay còn gọi là hội phụ huynh trường, lớp hoạt động với điều lệ riêng, quy định rõ nhiệm vụ, phạm vi hoạt động, kinh phí hoạt động, có thưởng có phạt. Tuy nhiên, ít ai nhìn vào điều lệ này để đánh giá hoạt động của hội phụ huynh hiệu quả hay không mà thường chỉ nhìn vào mặt chưa được để “lên án” hội này như một công cụ thu tiền của Ban giám hiệu các trường học.

Cứ thu tiền là lợi nhà trường, thiệt phụ huynh?

Một trong những hoạt động gây điều tiếng nhất đối với hội phụ huynh các trường học hiện nay chính là việc đứng ra thu tiền cho các hoạt động xã hội hóa của nhà trường.

“Ban giám hiệu có nói, việc lắp điều hòa trong các lớp học đã được Phòng GD-ĐT đồng ý trên cơ sở phụ huynh đồng thuận đóng góp tự nguyện vì nhà trường không có kinh phí cho việc mua sắm điều hòa. Chúng tôi cũng nghĩ con em mình phần lớn nhà nào cũng dùng điều hòa. Ở lớp nếu có thì cũng tốt cho con vì lớp chỉ có vài cái quạt trong khi có tới 40-50 học sinh ngồi học giữa mùa hè nóng bức, mồ hôi, khổ cả cô cả trò. Vậy thì lắp điều hòa có cần thiết không?” - chị Nguyễn Tâm Như, phụ huynh trường Tiểu học Kim Liên, Đống Đa tâm sự. 

“Tuy nhiên, khi thu tiền thì một vài phụ huynh thắc mắc, không bằng lòng, nói là gia đình không có điều kiện đóng tiền. Là đại diện phụ huynh lớp, tôi cũng rất khó xử khi nhiều người thắc mắc con họ đóng tiền để dùng điều hòa, vì sao có bạn không đóng cũng được dùng? Trong các trường hợp này thường là đại diện ban phụ huynh cứ lặng lẽ đóng bù vào cho đủ kinh phí lại êm đẹp, không khiếu kiện, thắc mắc”.

Tương tự, việc lắp máy chiếu, bảng tương tác… cũng xuất phát từ đề xuất của giáo viên, nhà trường để phục vụ cho học tập.

“Tôi nghĩ rằng mình không có nghiệp vụ sư phạm. Các thầy cô thì có chuyên môn, biết là việc gì cần, việc gì tốt cho các con. Nếu mình đáp ứng được thì nên trang bị cho các con chứ thầy cô có mang máy chiếu, bảng tương tác về nhà dùng riêng cho mình đâu, trong khi điều kiện trường công lập không thể trang bị cho từng lớp. Còn các trường dân lập thì đều có đầy đủ cho mỗi lớp. Giải thích vậy nhưng khi đứng ra thu tiền thì cũng không ít lời nói ra nói vào cho là Hội phụ huynh đứng về phía nhà trường lạm thu của phụ huynh… Chúng tôi cũng rất khó giải thích”, chị Tâm Như cho biết. 

Có nên giải tán hội phụ huynh?

Kêu khổ là vậy nhưng thực tế có không ít Ban đại diện phụ huynh chưa phát huy hết vai trò, quyền hạn của mình khi vẫn thỏa hiệp với những yêu cầu không thực sự cần thiết của nhà trường. “Ban đại diện phụ huynh không dám lên tiếng vì quyền lợi của phụ huynh cũng như con em mình thực tế là có. Chính vì thế nên họ chưa chiếm được sự ủng hộ, tín nhiệm của đa số phụ huynh học sinh” - TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nhận định.

Việc lạm thu hàng năm vẫn diễn ra khiến không ít phụ huynh than khổ như tiền đồng phục, tiền sách tham khảo, bài tập, tiền nước uống, vệ sinh, trông xe… Chưa kể những dịp kỷ niệm thành lập trường, dịp đón bằng khen… nhà trường lại kêu gọi đóng góp. Những khoản này nếu là tự nguyện thì không nói nhưng phần lớn lại thông qua Ban phụ huynh đứng ra thu như một khoản bắt buộc. Sự việc này xảy ra tại không ít trường học khiến phụ huynh bức xúc trước vai trò "nghị gật" của đại diện hội phụ huynh. 

“Nghe, nhìn các vị họp từ lâu tôi đã thấy chán lắm rồi. Ngày nay, hầu hết trong những cuộc họp tôi thấy rất ít người dám nói thật. Hội phụ huynh là công cụ thu tiền cho nhà trường. Thử hỏi hội phụ huynh mà không phục vụ cho quyền lợi của phụ huynh thì có nhất thiết tồn tại không?”, anh Nguyễn Phúc Thắng, nguyên phụ huynh học sinh trường Tiểu học Tây Sơn đặt vấn đề.

Bức xúc trước vai trò ban đại diện cha mẹ học sinh, có người thậm chí đề nghị xóa bỏ Hội phụ huynh học sinh để việc lạm thu của các trường được giảm bớt. Nhà trường quan hệ với phụ huynh qua sổ liên lạc điện tử, tin nhắn trực tiếp thay vì thông qua hội… 

Trước ý kiến này, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, việc phủ nhận hay xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ khiến cho quyền lợi của học sinh và phụ huynh không được bảo vệ, không được phản ánh một cách đúng mức, công khai và có trọng lượng. 

“Thay vì phủ nhận, buông xuôi, từng phụ huynh cần mạnh dạn bầu ra những người thực sự có trách nhiệm, năng lực, đại diện cho nguyện vọng của cha mẹ học sinh để tham gia hội phụ huynh thay vì cứ chiều theo ý kiến của giáo viên hay Ban giám hiệu. Hơn ai hết, phụ huynh phải chủ động trong các hoạt động phối hợp với nhà trường để hỗ trợ công tác giáo dục, đồng thời đảm bảo quyền lợi của con em mình” - TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh được quy định là phối hợp với nhà trường trong việc quản lý, giáo dục học sinh, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên bộ môn của lớp để chăm sóc, quản lý, động viên học sinh tích cực, tự giác học tập, rèn luyện đạo đức…

Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động với kinh phí từ đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh. Việc thu chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, báo cáo công khai. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định việc thu và sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.