Tẩy chay tiêm vaccine, hậu quả nguy hiểm khó lường!

ANTD.VN - GS. TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) Quốc gia khẳng định, việc đưa trẻ đi tiêm chủng không chỉ là quyền lợi của trẻ mà còn là trách nhiệm của cha mẹ đã được luật quy định.

Đưa trẻ đi tiêm chủng không chỉ là quyền lợi của trẻ mà còn là trách nhiệm của phụ huynh

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều nội dung phản bác tác dụng của vaccine, nêu những tác hại, mặt trái của vaccine và bày tỏ quan điểm ủng hộ việc không tiêm vaccine cho trẻ. Đã có hàng nghìn người bị lôi kéo theo trào lưu “anti vaccine” (chống tiêm vaccine) này.

Nhiều bài học đắt giá

Hiện nay, có một nhóm mở trên mạng xã hội Facebook tên là “Vaccine nên hay không?” thu hút hàng nghìn thành viên tham gia. Trên diễn đàn này xuất hiện nhiều tranh luận về việc có nên cho trẻ tiêm   vaccine hay không, với hàng trăm người tham gia bình luận, trong đó, một số ý kiến bày tỏ sự hoang mang khi đọc những thông tin liên quan đến một số trường hợp khác thường, những tác dụng không mong muốn sau khi tiêm vaccine. 

Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, “trào lưu” bài trừ vaccine không phải chuyện lạ, đã xuất hiện từ lâu trên thế giới. Tuy nhiên, ở những nước phát triển, vấn đề  tẩy chay vaccine nhanh chóng được Nhà nước điều chỉnh. Gần đây, “trào lưu” này tiếp tục rộ lên và phát triển nhanh ở Việt Nam, lôi kéo những người thiếu hiểu biết hoặc những trường hợp đang còn băn khoăn về tai biến và tác dụng phụ của vaccine… tham gia.

“Những người lập ra trang mạng tẩy chay tiêm vaccine và có hành động khuyến cáo người dân không đi tiêm vaccine là hết sức nguy hiểm”. 

PGS.TS Trần Đắc Phu Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, bên cạnh những thành tựu rất lớn nhờ có vaccine, trên thế giới vẫn luôn tồn tại một số người có quan điểm trái chiều về vaccine. Đây là những tư tưởng sai lầm, có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. 

Thực tế đã có nhiều bài học đối với các quốc gia vì bất cứ lý do gì đã ngừng tiêm chủng hoặc có tỷ lệ tiêm chủng thấp đối với một loại vaccine nào đó, làm tăng số người mắc bệnh, tử vong. GS Đặng Đức Anh dẫn chứng, một số quốc gia đã rơi vào tình trạng này như Anh, Nga, Thụy Điển, Nigeria…

Chẳng hạn, đầu những năm 2000, tại Nigeria, một số nhóm người nghi ngại về vaccine OPV và tuyên truyền để người dân không uống vaccine phòng bệnh. Chính quyền bang Kano đã cho dừng triển khai vaccine OPV, hậu quả là dịch bại liệt quay trở lại. Năm 2006, quốc gia này chiếm khoảng 50% số ca mắc bại liệt trên toàn cầu.

Ngay tại Việt Nam, bài học về dịch sởi năm 2014 vừa qua vẫn còn nóng hổi. Đây là vụ dịch xảy ra sau khoảng nửa năm tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng sởi xuống thấp vì tâm lý lo ngại khi xuất hiện một số trường hợp tai biến tử vong do tiêm chủng. Hậu quả đã có khoảng gần 150 trẻ chết do sởi, hàng nghìn trường hợp mắc bệnh…

Yêu cầu bắt buộc được luật định

GS.TS Đặng Đức Anh chia sẻ, trong suốt 30 năm triển khai công tác TCMR ở Việt Nam, với hơn 100 triệu liều vaccine đã sử dụng cho thấy việc tiêm vaccine là an toàn, một vài phản ứng nghiêm trọng chỉ là trường hợp hy hữu. Nhờ có vaccine, nhiều căn bệnh đã được thanh toán, loại trừ, hàng trăm triệu người không mắc bệnh.

Có thể khẳng định, tiêm chủng vaccine là biện pháp phòng bệnh an toàn, chủ động và hiệu quả nhất. Nếu trẻ nhỏ không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm, có thể để lại các di chứng nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ... 

Trả lời câu hỏi “Những người kêu gọi tẩy chay vaccine có bị coi là vi phạm pháp luật hay không?”, GS.TS Đặng Đức Anh cho biết, Điều 29, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm có quy định: Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình TCMR. Cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ sở y tế có thẩm quyền trong việc sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc.

“Như vậy, việc tiêm chủng các vaccine cơ bản trong Chương trình TCMR là cần thiết và là yêu cầu bắt buộc đối với trẻ em và phụ nữ có thai, để bảo đảm những thế hệ trẻ em khỏe mạnh. Đưa trẻ đi tiêm chủng không chỉ là quyền lợi của trẻ mà còn là trách nhiệm của cha mẹ đã được luật quy định. Việc tuyên truyền sai sự thật về lợi ích cũng như nguy cơ của việc tiêm chủng vaccine phòng bệnh sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các bậc cha mẹ và gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng” - GS.TS Đặng Đức Anh nói.