Tạo được sự đồng thuận

ANTD.VN - Hà Nội sẽ làm quyết liệt, một cách bền vững, điều quan trọng nhất là ngăn chặn được tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, không chỉ tập trung vào việc xử phạt. 

Điều cốt lõi nhất là tuyên truyền để người dân “tâm phục, khẩu phục”, tự thấy ý thức, trách nhiệm của mình đối với Thủ đô - đó là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội tại Hội nghị quán triệt, triển khai kế hoạch về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố.

Thực tế, từ năm 2013 đến năm 2016, Hà Nội đã làm tốt công tác quản lý trật tự đô thị. Song, do các lực lượng chức năng chưa kiên trì, liên tục kiểm tra nên tình trạng tái vi phạm vẫn tiếp diễn. Thậm chí, ở một số nơi, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm dẫn đến tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”.

Người đứng đầu thành phố đã bắt trúng “căn bệnh” vỉa hè bị “xâm chiếm” khiến người dân không còn lối đi bộ, đồng thời đã “mổ xẻ” được căn nguyên sâu xa. Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định trách nhiệm giải quyết thuộc Chủ tịch UBND, Trưởng công an các quận, huyện, thị xã, phường; phải thành lập các tổ công tác đến các hộ kinh doanh để vận động, tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu họ không tái diễn vi phạm.

Các tổ công tác nhắc nhở, nếu còn để tình trạng vi phạm đến lần thứ ba sẽ báo cáo thành phố xử lý... Những phát biểu mạnh mẽ của Chủ tịch UBND TP Hà Nội thể hiện quyết tâm rất cao của thành phố.

Phần lớn người dân Thủ đô đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ. Bởi khi đã tìm ra được “gốc bệnh” thì sẽ có những liệu pháp thuốc đặc trị. Khi người đứng đầu chính quyền hành động vì dân, biến quyết tâm thành biện pháp cụ thể, chắc chắn đảm bảo được tính uy nghiêm, công bằng của pháp luật, nhất là tạo ra được sự đồng thuận, đồng lòng trong nhân dân. 

Vỉa hè, lòng đường thông thoáng, bộ mặt Thủ đô sáng sủa văn minh hơn. Tuy nhiên, Hà Nội chọn cách làm không ồn ào, nóng vội mà làm từng bước, làm thường xuyên chứ không phải chỉ ra quân hình thức, sau các đợt cao điểm rồi đâu lại nguyên đó.

Mỗi quận, huyện có những đặc điểm riêng không thể áp đặt một cách máy móc. Ở những nơi vỉa hè rộng thì kẻ vạch sơn được phép để xe, phần vỉa hè còn lại dành cho người đi bộ. Ở những tuyến phố cổ, chính quyền nghiên cứu rất cụ thể điều kiện để xe máy, dành vỉa hè cho các hộ kinh doanh và vẫn có chỗ cho người đi bộ.

“Kinh tế vỉa hè” đã tồn tại nhiều năm nay, đã trở thành thói quen, nếp sống của người dân, nhất là các hộ kinh doanh ở mặt tiền. Để trả lại vỉa hè cho người đi bộ, mọi biện pháp là cần thiết, quy trách nhiệm người đứng đầu chính quyền càng cần thiết, song quan trọng nhất là tạo được sự đồng thuận trong dân, thay đổi ý thức, nhận thức một cách sâu sắc.