Tác dụng ít biết của gối ngủ làm bằng lá trà

ANTD.VN - Trà là loại thực vật có hương thơm tự nhiên, mùi hương trà tỏa ra có các tác dụng làm long đờm, tĩnh tâm, tỉnh táo, giãn mạch máu ngoại vi, do tác dụng trực tiếp lên phần đầu, nên trà có thể phòng bệnh, cân bằng khí huyết, điều tiết âm dương. Dưới đây là những phân tích về lợi ích của gối trà đối với sức khỏe:

Các loại polyphenols trong trà có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn có hại cho cơ thể, ngoài ra còn làm tỉnh táo và sáng mắt, nâng cao hiệu quả làm việc, tuy nhiên, giữa hồng trà, trà xanh, trà ô long vẫn có những hiệu quả khác nhau. 

Gối bằng trà bắt nguồn từ cơ sở lý luận Đông y là “mát đầu ấm chân” và “liệu pháp mùi hương”. Ruột gối bằng trà tỏa ra mùi hương mát nhẹ, điều tiết trung khu thần kinh, các thành phần hữu hiệu trong trà được hấp thu vào cơ thể qua da cải thiện chất lượng giấc ngủ. Đây là một phương pháp dưỡng sinh và phòng bệnh. 

Có nhiều loại trà có thể nhồi ruột gối, mỗi loại sẽ có những công dụng khác nhau:

Gối trà hoa cúc hạ huyết áp. Nguyên liệu: bã trà, cánh hoa cúc. Công dụng: thanh nhiệt, sáng mắt, hạ huyết áp; phù hợp với người bị đau đầu do cao huyết áp, mắt mờ do gan nóng.

Gối trà từ vỏ đậu giúp sáng mắt. Nguyên liệu: bã trà, vỏ đậu xanh. Công dụng: thanh nhiệt, sáng mắt, hạ huyết áp, giải độc; phù hợp với người mỏi mắt, mắt nhiều gỉ, cao huyết áp.

Gối trà bạc hà thư giãn.  Nguyên liệu: bã trà, lá bạc hà. Công dụng: thanh nhiệt, giải độc, chống virus; phù hợp với người bị đau đầu do cao huyết áp, viêm giác mạc do virus, đau mắt.

Gối trà hoa hồng dưỡng nhan sắc. Nguyên liệu: bã trà, cánh hoa hồng. Công dụng: dưỡng nhan nhuận da; phù hợp với người bị tàn nhang, u uất do gan nóng.

Chiếc gối là vật dụng quen thuộc, gối từ trà dễ mang lại giấc ngủ ngon, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, nguyên liệu nhồi ruột gối cần được xử lý sạch để tránh gây kích ứng đường hô hấp và trước khi sử dụng nên tham khảo ý kiến từ chuyên gia Đông y để biết loại thảo mộc nào phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người.