Sự thật kinh hoàng của "vua ăn xin tiền triệu"

ANTD.VN - Những người ăn xin chân tay què quặt với gương mặt biến dạng thường được thấy trên đường phố của Malacca và các điểm du lịch nổi tiếng ở Malaysia. Những phận đời kém may mắn này sự thực còn chịu nhiều bất hạnh, khổ cực hơn khi tờ The Star (Malaysia) mới đây  phanh phui sự thật kinh hoàng về một băng nhóm  chăn dắt các trẻ em có “chân rết” ở nhiều nơi thuộc Trung Quốc, nhất là các huyện Đông Quan và Trịnh Châu.

Những đứa trẻ Trung Quốc bị bắt cóc, đánh đập, bẻ gãy tay chân, phá hủy gương mặt, rồi trở thành ăn xin chuyên nghiệp ở Malaysia

Bị hủy hoại cơ thể trước khi bị đẩy ra đường

Tờ The Star đã gọi những kẻ cầm đầu đường dây này là “Vua ăn xin tiền triệu”. Theo thông tin điều tra, cầm đầu băng nhóm này là hai anh em người Trung Quốc đã cùng với đồng bọn người Malaysia  bắt cóc trẻ em Trung Quốc từ khi còn rất nhỏ tuổi rồi đưa sang Malaysia bằng đường visa du lịch.

Tất cả các em đều bị đánh đập, bẻ gãy tay chân, phá hủy gương mặt để không ai có thể nhận ra rồi trở thành ăn xin chuyên nghiệp ở nhiều địa điểm đông đúc trên khắp đất nước Malaysia.

Đến cuối ngày, những đứa trẻ hành nghề ăn xin này sẽ bị nhóm chăn dắt dồn vào phòng khách sạn hoặc homeshare (là hình thức nhà cho thuê, phòng cho thuê mà không nhất thiết có chủ nhà ở cùng, có thể ở chung với một nhóm người) được canh gác cẩn thận và phải nộp tiền cho những kẻ cầm đầu.

Các phóng viên The Star đã theo chân 2 người ăn xin tại khu phố đi bộ nổi tiếng ở Malacca là Jonker Walk vào tối thứ sáu và phát hiện một nhóm có khoảng 30 người tàn tật đang “hành nghề” ăn xin ở Petaling Street (tọa lạc tại khu vực Khu phố Tàu, Kuala Lumpur) vào ngày chủ nhật.

Mấy tiếng đồng hồ sau, nhóm điều tra đã chứng kiến một gã đàn ông lực lưỡng, được cho là 1 trong 2 anh em người Trung Quốc cầm đầu nhóm “cái bang”, tới trấn tiền từ những người ăn xin trước khi rời khỏi khách sạn. Còn những người ăn xin lầm lũi trở về phòng của mình.

Một trong những người ăn xin, anh Tu Nguyên (33 tuổi), nói với các phóng viên rằng anh vốn sinh ra khỏe mạnh, nhưng sau đó bị băng nhóm có tổ chức ở Trung Quốc bắt cóc, giam cầm và đánh đập dã man khiến anh bị tàn tật. Sau đó, chúng giam giữ anh trong nhiều năm trước khi đưa sang nước ngoài bằng đường du lịch, ép hành nghề ăn xin chuyên nghiệp.

“Đó là một băng đảng lớn và quyền lực, có kết nối với đồng bọn người Malaysia để liên tục theo dõi chúng tôi”, Tu Nguyên vừa nói vừa đảo mắt xung quanh xem có bị ai theo dõi hay không.

“Ở Trung Quốc, có rất nhiều người ăn xin cũng phải chịu sự kiểm soát của họ”, Tu Nguyên nói thêm. Tu Nguyên cũng cho biết, những kẻ cầm đầu, hay còn được gọi là “Tahkeh” ở Trung Quốc, chỉ cho phép những người ăn xin “giàu kinh nghệm” mà chúng tin tưởng được ra nước ngoài.

Tu Nguyên cho biết “chân rết” ở Malaysia do người em của Tahkeh cầm đầu. Chúng thường xuyên thực hiện các cuộc trao đổi lực lượng “cái bang”, đưa “nhân viên mới” từ Trung Quốc sang Malaysia, sau đó chuyển “người cũ” về theo hướng ngược lại. “Về được 2 tháng thì chúng tôi lại được đưa sang đây để ăn xin. Chúng tôi đã ăn xin như vậy nhiều năm nay rồi”, Tu Nguyên kể.

Người cùng trở lại Malaysia lần thứ hai với Tu Nguyên là Đỗ Phong (30 tuổi, người Trịnh Châu). Tu Nguyên và Đỗ Phong cho biết, “bang chủ” sẽ thuê taxi và đưa họ đến các điểm du lịch nổi tiếng của Malaysia như: Kuala Lumpur, Johor Baru hay Penang.

“Chúng tôi đi du lịch bằng xe taxi mà người đứng đầu trả tiền. Việc của chúng tôi là mỗi ngày phải xin được ít nhất 1.200 ringgit trước khi trở về nhà”, Đỗ Phong nói. Từ số tiền này, kẻ cầm đầu băng nhóm thường chiếm đoạt tới 50% tổng thu nhập của những người ăn xin rồi trích ra 10% để thanh toán chi phí đi lại.

Đỗ Phong giải thích thêm rằng vào những ngày cuối tuần, một người ăn xin có thể kiếm được 3.000 RM. Người đứng đầu băng đảng sẽ thu 1.500 RM cộng với tiền taxi trả trước đó. Tuy nhiên, theo Đỗ Phong, số tiền xin được còn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ tàn tật của họ có thể “động chạm” tới lòng thương cảm của người đi đường mà bố thí.

Đỗ Phong cho biết, vào đầu mỗi tuần, “bang chủ” sẽ tổ chức một cuộc họp với những người ăn xin, rồi giao cho từng người một, đôi khi là một nhóm đôi ba người tới “hành nghề” ở các địa điểm khác nhau.

Nhức nhối nhưng đành bất lực...

Trang Shanghaiist đưa ra con số thống kê, trong đó chỉ ra rằng cuối năm 2015, ở Trung Quốc có tới 502.000 trẻ em mồ côi, trong khi chỉ 22.000 trường hợp nhận nuôi được đăng ký hợp pháp với cơ quan chức năng.

Trong khi đó, tờ Daily Mail dẫn kết quả cuộc khảo sát do Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và y tế quốc gia Trung Quốc công bố ngày 20-10 cho biết, hơn 61 triệu trẻ em nước này đang sống tại vùng nông thôn và không được bố mẹ chăm sóc. Con số này tương đương với dân số của nước Anh (64 triệu người).

Bố mẹ của những đứa trẻ này là lao động di cư và họ thường tới các thành phố lớn như Bắc Kinh làm việc. Nhưng do vấn đề về nhà ở và thủ tục đăng ký hộ khẩu, con của họ phải sống ở nhà cùng với ông bà. Đối với nhiều đứa trẻ, chúng chỉ gặp bố mẹ duy nhất một lần vào dịp cuối năm. Theo quy định ở Trung Quốc, trẻ em không có hộ khẩu tại các thành phố, sẽ không được phép tiếp cận dịch vụ giáo dục và y tế công ở đó.

Có không ít ý kiến cho rằng, những đứa trẻ mồ côi và những đứa trẻ nông thôn ở các ngôi làng “không mẹ” đã và đang là miếng mồi ngon cho các băng nhóm chăn dắt trẻ em ăn xin.