Sự cuồng nộ của đám đông và lời xin lỗi bị lãng quên

ANTD.VN - Mới đây, một anh bạn của tôi bỗng dưng “cảm thấy phẫn nộ” khi nhìn thấy bức ảnh cả đoạn đường toàn màu xanh của GrabBike, trong khoảnh khắc ngắn ngủi, chả hiểu suy nghĩ gì, anh ta “biên phây” than thở rằng: 

“Trời ơi, sao không chọn con đường lập nghiệp gì danh giá hơn, trí tuệ hơn mà lại hành nghề “xe ôm” rồi phẫn uất lo lắng cho tương lai của sinh viên nước nhà. Tôi đọc xong, định phản biện vài câu, nhưng rồi lại sợ sa đà vào một cuộc cãi vã chẳng có hồi kết nên thôi, đành kệ, vuốt màn hình điện thoại “lướt” cho qua. Đến chiều thì anh ấy xóa dòng trạng thái đã viết trước đó với lý do: “Bị chửi nhiều quá”, rồi lên tiếng xin lỗi những người đã bình luận. 

Thực ra, bức ảnh nói trên được chụp khi các nhân viên của công ty này tan ra sau một đại hội, chứ chẳng phải xã hội bây giờ một mét vuông có chục ông chạy GrabBike. Mà chuyện sinh viên đi làm thêm những nghề tay chân xưa nay cũng đâu phải hiếm, hết giờ học thì đi làm phục vụ quán, bán hàng siêu thị, chạy xe ôm… - đó đều là những nghề chân chính, đổ mồ hôi để có thêm thu nhập, để gia đình đỡ phải bán đi đôi lợn, hay đàn gà để gửi tiền lên Hà Nội cho con khi mùa giáp hạt. Tự lập là tốt. Nghề nào mà lương thiện cũng đều đáng tôn vinh.

Anh bạn trên “Phây” của tôi đưa ra suy nghĩ có phần một chiều, rốt cuộc đã nhận được nhiều phản ứng. Chuyện khép lại vì “status” đã xóa, đã cầu thị và nhìn lại vấn đề một cách đa diện hơn. Nhưng trên Facebook bây giờ, đâu phải ai hễ sai là xin lỗi đâu. Nhiều người chỉ mới sáng ra còn bai bải miệt thị, bày tỏ nỗi thất vọng lớn lao với một vấn đề của thành phố, của đất nước, nhưng đến chiều thì nhận ra “không phải thế”, ngộ ra suy nghĩ của mình còn hẹp, nhận ra một tấm ảnh trôi nổi, một clip không rõ nguồn cơn, một dòng trạng thái vu vơ trên mạng xã hội không nói lên điều gì… thì bỗng dưng im bặt.

Trót rủa trót xả rồi, trót miệt thị người ta rồi thì bây giờ biết làm sao? Đa phần cư dân mạng, những “anh hùng bàn phím” nói chuyện theo “hot trend” (xu hướng… “nóng”) đều chọn cách ở ẩn, đóng “phây” vài tiếng chờ “bão” qua rồi lại như chưa hề có chuyện gì xảy ra, tiếp tục bày tỏ quan điểm, bàn những vấn đề lớn lao tầm cỡ thế giới.

Tục ngữ cũng có câu “Đi mưa thì phải ướt áo”. Lên mạng xã hội, bình luận, sỉ mắng, nhiếc móc hết người này đến người khác cho sướng tay thỏa trí. Quy kết đạo đức, tự làm quan tòa phân xử đúng sai, thì rồi cũng có ngày nhẹ thì thị phi, nặng thì bị “ném đá tập thể”. Người dùng Facebook ở Việt Nam ai chẳng vài lần tận mục sở thị chuyện này.

Ví dụ hẳn hoi, mấy tuần trước, cả Facebook nhao lên bênh vực sau “status” của bố mẹ một cháu bé, khi họ lên mạng xã hội kể lể, đại khái rằng, con tôi chỉ ra bờ Hồ kéo violon thôi mà lực lượng giữ gìn trật tự ở đây sừng sộ quát nạt khiến thằng bé khóc nấc lên vì sợ hãi. Thôi thế là bao nhiêu tấm lòng thương cảm được dịp thể hiện, lên án chính quyền. Nhưng đến khi cơ quan chức năng có báo cáo cụ thể, với bằng chứng hẳn hoi, mẹ cậu bé công khai xin lỗi thì đám đông mới ngã ngửa ra. Lại “bài cũ soạn lại”: Im lặng. Không thấy giọng điệu lên án găt gắt kia lên tiếng nói lại hay xin lỗi.

Mới hôm qua thôi, cả mạng xã hội lại “rầm rập ra quân” khi một nữ nhà thơ kiêm nhà biên kịch tình cờ đi qua hồ Tây, thấy đơn vị thi công đang tiến hành nạo vét bùn đoạn gần Xưởng phim truyện thì: ầm lên, kiểu như; Thôi chết rồi, người ta lấp hồ Tây rồi. Thế là đám đông “kéo quân bàn phím” chia sẻ (share) tới tấp.

“Đội quân” tay gõ bàn phím nhanh như cắt lại được dịp thỏa cơn cuồng nộ. Trên mạng xã hội chẳng phải là không có những người hiểu chuyện, biết nghề, nói rõ việc san lấp kia là giải pháp kỹ thuật tạm thời để thi công thì cũng không có mấy người tin.

Thậm chí lên tiếng giải thích bênh vực thứ vốn là sự thật giữa lúc cơn cuồng nộ đang lên cao có khi còn như đổ dầu vào lửa, không khéo bị “đòn” hội đồng như chơi. Đến khi báo giới vào cuộc, làm rõ thực hư, giải thích ngọn ngành thì nguồn tin đầu tiên phát ra thông tin san lấp hồ Tây kia im bặt. Chuyện “động trời” lấp hồ Tây, sau một đêm ngủ dậy bỗng như chưa từng tồn tại.

Những tài khoản Facebook lại miệt mài bình luận, tỏ rõ quan điểm và thái độ đối với những thông tin mới hơn vừa được ai đó tình cờ phát hiện. Nhanh, nguy hiểm, bất ngờ - như một cơn lũ quét. Hậu quả để lại cho những ai là nạn nhân thì rất khó đong đếm. Di chứng sau này, nạn nhân một là sợ mạng xã hội, sợ cái gọi là cộng đồng mạng, hai là tổn thương sâu sắc, tiếng tai để đời, chẳng bao giờ xóa được.

Không ai có thể phủ nhận được vai trò của mạng xã hội, thực tế chứng minh những ưu điểm mà phát minh này mang lại cũng chẳng cần nói thêm, song trên đó có cả vàng lẫn rác, để gạn đục khơi trong thì chẳng phải ai cũng đủ tỉnh táo mà làm được.