Sốc vì thông tin 63% bé trai cần can thiệp bộ phận sinh dục

ANTD.VN - Qua khám sàng lọc bất thường bộ phận sinh dục cho trẻ tuổi mẫu giáo trên địa bàn quận Hoàn Kiếm năm 2016, đã phát hiện tới 62,9% số trẻ cần can thiệp y tế. 

Thông tin trên được công bố bởi cơ quan có thẩm quyền là Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) quận Hoàn Kiếm. Điều này khiến không chỉ các phụ huynh lo lắng mà rất nhiều người giật mình.

Đến bác sĩ cũng... sốc

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ ngày 21-3, bà Trương Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ quận Hoàn Kiếm cho biết, năm 2016, quận Hoàn Kiếm đã tổ chức thực hiện thí điểm Chương trình sàng lọc bất thường bộ phận sinh dục cho trẻ trai tại 35 trường mẫu giáo, mầm non, nhóm trẻ tư thục trên địa bàn. Kết quả sàng lọc cho thấy một thực trạng giật mình.

Trong tổng số 2.675 trẻ tham gia sàng lọc, có 1.023 trẻ có bộ phận sinh dục phát triển bình thường (chiếm 38,24%). Còn lại, số trẻ nghi ngờ cần can thiệp chuyên sâu chiếm tỷ lệ tới 62,9%. Cụ thể, có 465 trẻ (chiếm 17,38%) cần chú ý vấn đề vệ sinh hàng ngày do dính, bán dính bao quy đầu, viêm nhiễm, thậm chí đóng cặn, cục trong bao quy đầu; 1.187 trẻ (khoảng 44%) cần can thiệp chuyên khoa ở các dạng khác nhau, gồm những trẻ thoát vị bẹn, không thấy tinh hoàn, tinh hoàn lạc chỗ, dương vật dị dạng, lệch lỗ tiểu, tinh hoàn 2 lỗ tiểu, có cả trường hợp không thấy dương vật… 

“Kết quả trên khiến ngay chính những người tham gia chương trình, những bác sĩ trực tiếp khám sàng lọc cho trẻ cũng thấy… sốc. Nhiều bác sĩ chia sẻ họ “không biết nói gì nữa” vì ngay tại quận trung tâm Thủ đô, ngay với những trẻ nhỏ đang độ tuổi được gia đình chăm sóc mà tỷ lệ bị viêm nhiễm bao quy đầu cần can thiệp lại cao đến vậy. Điều này cũng cho thấy nhận thức của phụ huynh về vấn đề vệ sinh dương vật cho trẻ còn rất hạn chế hoặc quá sao nhãng, không quan tâm nhiều...” - bà Trương Thị Kim Hoa chia sẻ.

Tuy nhiên, bà Trương Thị Kim Hoa cũng nhấn mạnh, con số 62,9% trẻ cần được can thiệp nêu trên không có nghĩa tất cả đều phải mổ hay điều trị thuốc mà “can thiệp” ở đây được hiểu là trẻ cần đến khám bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ chăm sóc, vệ sinh, tư vấn chuyên khoa. Chỉ với những trẻ dị dạng dương vật hay thoát vị bẹn, tinh hoàn ẩn, không thấy tinh hoàn, tinh hoàn 2 lỗ… thì cần can thiệp ngoại khoa ngay. 

Đừng chủ quan, thờ ơ với trẻ

Nói thêm về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thế Lương - một trong những chuyên gia nam học được mời tham gia chương trình thí điểm sàng lọc bất thường bộ phận sinh dục cho trẻ trai tại quận Hoàn Kiếm năm 2016 cho biết, con số 63% trẻ cần can thiệp này là số liệu được tổng hợp sau khám sàng lọc chứ chưa phải khám chuyên khoa.

“Điều này có nghĩa, tất cả các trẻ trong chương trình thí điểm đều được khám. Bác sĩ khám để phát hiện dấu hiệu, triệu chứng nghi ngờ hay bệnh lý ở bộ phận sinh dục của trẻ, chủ yếu khám bằng cảm quan. Chẳng hạn, bằng mắt thường nhìn thấy trẻ hẹp bao quy đầu, nắn tay vào tinh hoàn của trẻ thấy tinh hoàn lạc chỗ, không có tinh hoàn, lỗ tiểu lệch thấp hay lộn bao quy đầu của trẻ thấy viêm nhiễm, vón cục bốc mùi… thì chúng tôi thông báo cho phụ huynh đưa trẻ đi khám chuyên khoa. Lúc này trẻ sẽ được siêu âm, xét nghiệm… từ đó mới chẩn đoán xác định và chỉ định hướng can thiệp” - bác sĩ Nguyễn Thế Lương phân tích.

“Từ thực tiễn khám chữa bệnh cho các trẻ vừa qua cho thấy, nhiều ông bố, bà mẹ phó mặc hoàn toàn chuyện tắm giặt, vệ sinh của con cho người giúp việc. Nhiều trường hợp phụ huynh ý thức được việc rửa bao quy đầu cho trẻ nhưng khi tắm cho trẻ cứ động vào thấy trẻ đau, khóc lại thôi. Thậm chí nhiều trường hợp con bị viêm bao quy đầu, bác sĩ hướng dẫn cách vệ sinh cho trẻ nhưng yêu cầu bác sĩ… mổ, cắt luôn. Qua đây, chúng tôi muốn khuyến cáo tới các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn tới việc vệ sinh bộ phận sinh dục cho trẻ, nên chủ động đưa trẻ đi khám tầm soát chứ đừng chủ quan, đừng đợi có bệnh mới đi khám” - bác sĩ Nguyễn Thế Lương chia sẻ.