Số ca sốt xuất huyết ở Hà Nội chưa thể giảm ngay

ANTD.VN - Hà Nội vừa mượn thêm 9 máy phun hóa chất cỡ lớn từ 9 tỉnh, thành phố lân cận và bắt đầu từ hôm nay, 14-8, sẽ triển khai chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi diện rộng bằng các máy này.

Cán bộ y tế và đoàn viên thanh niên đi kiểm tra ổ bọ gậy tại các hộ dân

Theo kết quả giám sát mới đây, mật độ muỗi vằn truyền sốt xuất huyết (SXH) ở nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội hiện cao hơn 3 đến 3,5 lần so với bình thường. Số bệnh nhân mắc SXH vẫn đang tăng nhanh và dự báo chưa thể giảm ngay trong một vài tuần tới.

Quận Đống Đa: bệnh nhân SXH tăng… 21,4 lần

5h sáng 13-8, đoàn kiểm tra phòng chống dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội do Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phun thuốc diệt muỗi phòng, chống SXH tại chợ Láng Thượng cùng một số trường học, cơ sở y tế, các hộ dân trên địa bàn phường Láng Thượng (quận Đống Đa).

Do kế hoạch tổ chức phun hóa chất diệt muỗi vào lúc sáng sớm đã được thông báo trước nên dù là sáng cuối tuần, các hộ kinh doanh, hộ dân ở phường Láng Thượng đều dậy rất sớm để mở cửa nhà, cửa hàng cho cán bộ y tế dự phòng vào phun thuốc. Vì công tác chuẩn bị tốt nên buổi phun hóa chất diễn ra thuận lợi và xong trước thời gian dự kiến, không gây ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán của các hộ kinh doanh. 

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế quận Đống Đa, đến thời điểm này, quận đã ghi nhận hơn 1.200 ca mắc SXH tại tất cả các phường, tăng 21,6 lần so với cùng kỳ năm 2016, với 214 ổ dịch. Dù quận đã thành lập 250 tổ triển khai vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy song số mắc vẫn đang gia tăng.

Trực tiếp kiểm tra tại khu vực chợ Láng Thượng rạng sáng 13-8, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền lưu ý, lực lượng chức năng của quận cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các chợ, trường học, cơ sở y tế trên địa bàn để làm tốt việc tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu và tự giác chấp hành việc phòng, chống dịch SXH.

Ngoài ra, cần phối hợp tốt với các trường đại học trên địa bàn để thực hiện việc tổng vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi phòng SXH ở các giảng đường, ký túc xá, khu nhà trọ đông sinh viên… trước khi bắt đầu năm học mới.

Cũng trong ngày 13-8, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội cho biết, 9 máy phun thuốc diệt muỗi có vòi phun lớn mượn từ 9 tỉnh, thành phố lân cận đã được đưa về Hà Nội. Bắt đầu từ sáng sớm nay (14-8), Hà Nội sẽ tổ chức phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng bằng các máy phun cỡ lớn này, chú trọng đến các khu vực trọng điểm như: bệnh viện, chợ, trường học, khu vực nhà trọ tập trung nhiều công nhân, công trường xây dựng, các bãi đất kẹt… 

Nhiều người đã bị muỗi đốt nhưng chưa phát bệnh

Kết quả giám sát mới đây của TTYTDP Hà Nội cho thấy, mật độ muỗi truyền bệnh SXH tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố năm nay cao gấp 3 đến 3,5 lần so với mức bình thường các năm trước. Thời tiết mưa nhiều hiện nay là điều kiện lý tưởng cho muỗi sinh sôi nảy nở, tốc độ lan truyền dịch rất nhanh.

Vì thế, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế nhận định, số mắc SXH ở Hà Nội chắc chắn chưa thể giảm nhanh trong vài tuần tới, thậm chí nếu không vào cuộc quyết liệt thì chỉ 1-2 tuần nữa số mắc SXH tại Hà Nội sẽ vượt TP.HCM, trở thành địa phương có số mắc cao nhất cả nước.

Ông Trần Đắc Phu cũng cho rằng, chắc chắn có nhiều người đang sống trong cộng đồng đã bị muỗi truyền bệnh SXH đốt, đã mang mầm bệnh nhưng chưa phát bệnh. Lý do vì một người khi bị muỗi SXH đốt có thể ủ bệnh từ 1 đến 2 tuần, điều này khiến cho việc kiểm soát dịch càng khó khăn hơn bởi những người đang mang mầm bệnh trong cộng đồng sẽ chính là nguồn lây bệnh nguy hiểm mà không biết.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng lưu ý, bên cạnh các chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi thì giải pháp quan trọng nhất vẫn là phải diệt loăng quăng, bọ gậy. Hiện tại, Hà Nội đã yêu cầu tất cả các xã, phường thành lập tổ xung kích diệt bọ gậy phòng SXH tại cộng đồng, mỗi tổ này gồm 2-4 người, được chi trả phụ cấp chống dịch theo quy định. Ông Trần Đắc Phu cho rằng, vấn đề là cần phân cấp mạnh hơn nữa trong công tác chống dịch, không chỉ ở cấp quận huyện xuống xã phường mà phân cấp đến cả các đội, tổ xung kích này. 

“Nếu đã giao cho đội xung kích phụ trách bao nhiêu hộ gia đình trong khu vực của họ thì phải giao luôn trách nhiệm cho họ; đoàn giám sát, kiểm tra của quận, thành phố đi kiểm tra nếu thấy ở các hộ dân trong khu vực đó vẫn còn nhiều ổ bọ gậy, loăng quăng, tức tổ xung kích làm không tốt thì phải có chế tài xử lý luôn đội xung kích đó chứ không phải giao cho họ làm được đến đâu thì làm” - ông Trần Đắc Phu góp ý.