Sạt đất do áp thấp nhiệt đới, tuyến Hà Nội - Lào Cai không tổ chức chạy tàu

ANTD.VN - Mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới khiến nhiều tỉnh, thành phố ngập sâu trong nước. Lũ tại nhiều con sông khu vực Bắc Trung Bộ lên nhanh, đập Cố Châu (Hà Tĩnh) bị vỡ làm nhiều thôn bị ảnh hưởng. Tuyến Hà Nội - Lào Cai bị chia cắt do sạt lở đất nghiêm trọng tại ga Lâm Giang (Yên Bái).

Mưa lớn, lũ từ thượng nguồn đổ về nhanh khiến đập Cố Châu (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) bị vỡ

Nhiều chuyến tàu bị hủy

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, 20h ngày 9-10, tại khu vực Ga Lâm Giang, tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai xảy ra một vụ sạt lở đất nghiêm trọng. Lý trình đường sắt (taluy dương) bị sụt đất phía bên phải do đất từ trên núi cao sụt trượt tràn qua đường bộ xuống đường sắt, lấp kín cả 3 đường ga đoạn từ Km 209+960 đến Km 210+060.

Khối đất lấp bình quân cao khoảng 12m, rộng khoảng 45m. Vụ sụt lở đã khiến 3 đường ga bị biến dạng, đường ga số 3 bị dịch chuyển ngang khoảng 3m (tại vị trí sát khối sụt) trên phạm vi 130m. Đất sụt làm đổ và vùi lấp một số toa xe hàng đang dừng trên đường ga số 1. Khối lượng đất đá sụt dự tính khoảng 70.000 m3. Bên cạnh đó, phần đất nền sát sông Hồng của đường ga số 3 trên tuyến đường sắt này cũng bị sụt một phần xuống sông, hiện tại chưa xác định cụ thể do vẫn nằm trong phạm vi khối đất sụt.

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, ngay sau khi xảy ra sạt lở, Tổng công ty đã tiến hành phong tỏa và tập trung nhân lực, vật tư, máy móc thiết bị để khắc phục hậu quả; đồng thời điều động nhân lực, thiết bị thi công tham gia khắc phục hậu quả tại công trình khu vực ga Lâm Giang (tuyến đường sắt Yên Viên-Lào Cai).

Về công tác phục vụ hành khách, ngay trong tối 9-10, Tổng công ty đã thực hiện việc chuyển tải an toàn 912 hành khách trên 4 chuyến tàu khách SP1, SP2, SP3, SP4 bằng đường bộ giữa 2 ga Bảo Hà-Mậu A. Tuy nhiên, ngành đường sắt vẫn phải hủy bỏ nhiều chuyến tàu để thực hiện việc sửa chữa, đảm bảo an toàn tàu chạy. Cụ thể, với tuyến Hà Nội - Lào Cai VNR không tổ chức chạy tàu. Hành khách có nhu cầu đi Lào Cai, ngành đường sắt sẽ thực hiện việc tiếp chuyển bằng ô tô qua đoạn bị sự cố sạt đường.

Những hành khách đã có vé đi tàu trên tuyến Hà Nội - Lào Cai và ngược lại trong các ngày từ 10-10 đến khi khắc phục xong (dự kiến từ 10-10 đến 14-10) nếu không muốn tiếp tục hành trình đi tàu, có thể làm thủ tục trả vé tại các nhà ga và các điểm bán vé. Ngành đường sắt sẽ hoàn lại nguyên tiền vé cho hành khách.

Ngoài vụ sạt lở gây gián đoạn lịch chạy tàu nêu trên, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết thêm, đối với tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh trời mưa rất to gây sụt lở nền đường tại một số điểm trên các khu gian Mỹ Lý - Quán Hành, Yên Duệ - Hòa Duyệt và Trường Lâm - Hoàng Mai. Tuy nhiên, Tổng công ty đã thông lại tuyến đường sắt Bắc-Nam vào 10h25 sáng 10-10.

Ngập trên diện rộng

Do nước thượng nguồn đổ về từ đêm 9-10 rất lớn nên đập Cố Châu (thuộc địa bàn xã Gia Hanh, Can Lộc, Hà Tĩnh) đã bị vỡ. Ghi nhận cho thấy, đập chính bị vỡ đoạn khoảng 20m, đập phụ vỡ khoảng 7m. Lượng nước do đập vỡ đã ảnh hưởng trực tiếp tới 4 thôn trên địa bàn khiến nhiều tài sản, hoa màu của người dân bị ngập nặng. Ngay khi vỡ đập, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo người dân khắc phục và bảo vệ tính mạng.

Trước thiệt hại và nguy cơ mất an toàn của đập Cố Châu, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu chính quyền địa phương, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh chủ động khảo sát tình hình và có giải pháp khắc phục sự cố trước mắt. Về lâu dài, cần lập hồ sơ, đầu tư xây dựng đập đảm bảo tính bền vững, an toàn trong lũ lụt.

Cũng tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, mưa như trút trong đêm 9 và ngày 10-10 tại TP Hà Tĩnh khiến nhiều tuyến đường nội thành ngập sâu, gây trở ngại cho người tham gia giao thông. Tại huyện Hương Sơn đã ghi nhận 2 hộ gia đình bị sập nhà do sạt lở đất. Toàn huyện Vũ Quang có 564 hộ dân bị cô lập. Tại Nghệ An, trong sáng 10-10, nhiều xã, phường ở TP Vinh phải huy động thuyền để sơ tán đồ đạc giúp dân vùng ngập lụt. Riêng tại phường Bến Thủy, có nhiều nơi ngập sâu hơn 2m. Học sinh toàn thành phố phải nghỉ học.

Tại Thanh Hóa, nhiều tuyến đường chính của trung tâm TP Thanh Hóa bị ngập sâu, các phương tiện lưu thông trên đường khó khăn, hàng loạt xe máy ô tô bị chết máy. Các tuyến đường như Lê Lợi, Phan Chu Trinh, Dương Đình Nghệ, Lê Quý Đôn... trở thành “biển” nước, xe máy phải đi lên vỉa hè để tránh. Một số tuyến đường ngập sâu tới 40-60cm nên người dân đã phải căng dây kéo ngang đường cảnh báo khu vực nguy hiểm.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương dự báo, ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, khu vực Nam Đồng Bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái và Sơn La có mưa vừa đến mưa to. Khu vực Hà Nội tiếp tục có mưa vừa đến mưa to (40-70mm) đến hết ngày 11-10.

Những hành khách đã có vé đi tàu trên tuyến Hà Nội - Lào Cai và ngược lại trong các ngày từ 10-10 đến khi khắc phục xong (dự kiến từ 10 đến 14-10) nếu không muốn tiếp tục hành trình đi tàu, có thể làm thủ tục trả vé tại các nhà ga và các điểm bán vé. Ngành đường sắt sẽ hoàn lại nguyên tiền vé cho hành khách.