Sát cánh cùng Cảnh sát 113 (2): Chuyện chưa kể về người đội trưởng từng bắn 3 phát súng ‘dẹp loạn’

ANTD.VN - Chứng kiến những kẻ côn đồ gây rối, hay thấy một nhóm đối tượng bặm trợn cầm theo “hàng lạnh” chạy trên đường, người dân sẽ lập tức nghĩ tới đường dây nóng của cảnh sát (113) để giải quyết tình hình. Bởi thế, Cảnh sát 113 phải là những người có tinh thần “thép” để sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy và những đối tượng manh động. Trong đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát 113 của Công an quận Hai Bà Trưng, có một người sở hữu tinh thần “thép” cao độ. Đó là Đội trưởng Nguyễn Văn Kiệt – người từng bắn 3 phát súng cảnh cáo để “dẹp loạn” trong một vụ ẩu đả có cả võ sư và võ sinh tham gia…

>> Kỳ 1: Sát cánh cùng Cảnh sát 113 (1): Những giờ phút tuần tra hồi hộp

Trong câu chuyện hằng ngày của các cán bộ, chiến sĩ trong Đội Cảnh sát Giao thông, Trật tự, Cơ động – Công an quận Hai Bà Trưng, mọi người vẫn thường hay nhắc tới Thượng úy Nguyễn Văn Kiệt (đội trưởng) như một điểm tựa tinh thần vững chắc. Bởi từ khi còn đảm nhiệm các vai trò tổ trưởng và tổ viên trong lực lượng Cảnh sát 113, Thượng úy Kiệt đã có những quyết định táo bạo và cách xử lý ngoạn mục trong những vụ việc phức tạp, để đảm bảo thực thi pháp luật hiệu quả.

Sát cánh cùng Cảnh sát 113 (2): Chuyện chưa kể về người đội trưởng từng bắn 3 phát súng ‘dẹp loạn’ ảnh 1

Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông, Trật tự, Cơ động (113) Công an quận Hai Bà Trưng - Thượng úy Nguyễn Văn Kiệt (giữa) - điều hành cuộc họp tại đơn vị

Ba phát súng “dẹp loạn” trước những võ sư, võ sĩ côn đồ

Tháng 8 năm 2015, Thượng úy Nguyễn Văn Kiệt khi đó là tổ trưởng một tổ công tác Cảnh sát 113 của Công an quận Hai Bà Trưng đang ở trong ca trực, thì nghe cấp báo có vụ việc gây rối tại hầm để xe của một trung tâm thương mại lớn trên địa bàn.

Sự việc được tóm tắt như sau: Một cô gái để xe trong hầm, khi đi ra trả vé thì để thất lạc vé, dẫn tới việc cự cãi với nhân viên bảo vệ. Bố cô gái là một võ sư đã cầm theo côn nhị khúc để “bênh” con, và đánh một bảo vệ bị ngất tại chỗ. Khi lực lượng Cảnh sát 113 có mặt, hiện trường rất phức tạp, vì phía võ sư có thêm một nhóm võ sinh khoảng 4-5 thanh niên cầm theo kiếm dài 1m, đối đầu với các nhân viên bảo vệ được huy động thêm.

Xác định đối tượng có hành vi sai trái là vị võ sư dùng côn đánh người, Thượng úy Kiệt khi đó đã yêu cầu các bên bình tĩnh, đứng sang một bên và đề nghị võ sư đi về trụ sở để giải quyết.

Tuy nhiên, không chấp thuận mệnh lệnh của cảnh sát, nhóm võ sinh lao vào tấn công các bảo vệ, và du đẩy lực lượng Cảnh sát 113.

Nhận thấy tình hình đi theo hướng mất kiểm soát, Tổ trưởng Tổ công tác Nguyễn Văn Kiệt đã rút súng, bắn một phát cảnh cáo xuống… nền đất. Nhiều người sẽ ngạc nhiên, vì đó là phát bắn xuống đất chứ không phải chỉ thiên như lẽ thường.

Sau này, Thượng úy Kiệt mới chia sẻ rằng, sự việc xảy ra trong hầm để xe, bên trên còn rất nhiều người đi lại, nên nếu bắn chỉ thiên thì sẽ gây nguy hiểm cho mọi người. Dù tình hình căng thẳng, anh vẫn phải giữ được tinh thần tỉnh táo tối đa khi đã rút súng ra khỏi bao…

Sau phát súng đanh gọn đầu tiên, những cái đầu nóng hạ nhiệt nhanh chóng. Cảnh xô xát hỗn loạn không còn, thay vào đó, vị võ sư bỏ chạy lên miệng hầm, tay vẫn cầm theo cây côn nhị khúc. Quyết không để đối tượng “trùm sò” chạy thoát, Thượng úy Nguyễn Văn Kiệt lao theo. Nhưng phía sau anh, 2-3 võ sinh cũng quyết… bảo vệ vị thầy dạy võ cho họ, nên cầm kiếm chạy theo.

Nhận thức được tình hình nguy cấp theo diễn biến mới, Thượng úy Kiệt bình tĩnh giơ súng lên trời, nổ phát chỉ thiên. Phát súng đanh thép thứ 2 khiến những võ sinh cầm kiếm chạy sau lưng Tổ trưởng Tổ Cảnh sát 113 khựng lại, nhụt nhuệ khí chống đối. Dù vậy, võ sư vẫn tiếp tục chạy.

Thượng úy Kiệt tiếp tục truy đuổi một đoạn, và quyết định nổ phát súng chỉ thiên thứ 3! Đây là phát súng triệt tiêu hoàn toàn ý định kháng cự của nhóm người manh động.

Sau phát súng trên, vị võ sư đã phải dừng lại, không thể chạy thêm, và chấp thuận quy phục, để đi về trụ sở công an chịu trách nhiệm cho hành vi của mình...

Chỗ dựa tinh thần vững chắc cho toàn đội

Ngoài vụ việc đề cập ở trên, Thượng úy Nguyễn Văn Kiệt còn ghi dấu ấn trong nhiều quyết định xử lý táo báo, quyết liệt khác.

Chẳng hạn, vào năm 2011, khi Thượng úy Kiệt còn là một tổ viên trong tổ công tác Cảnh sát 113, và đảm nhiệm vai trò cầm lái chiếc xe bán tải chuyên dụng trong chuyến tuần tra tối.

Khoảng 20 giờ, tổ công tác phát hiện một chiếc xe tải đi ngược chiều vào đường cấm ở phố Lê Đại Hành, nên một đồng chí đã ra hiệu lệnh dừng xe. Thay vì chấp hành, lái xe tải điều khiển phương tiện đâm thẳng vào cảnh sát, rồi bỏ chạy.

Tổ Công tác Cảnh sát 113 (CAQ Hai Bà Trưng) xử lý một trường hợp vi phạm

Chứng kiến đồng đội bị đâm – rất may mắn là chiến sĩ này chỉ bị xây xát nhẹ - Thượng úy Kiệt khi đó đã lập tức lên xe cùng tổ trưởng bám đuổi. Để tránh gây ra nguy cơ va chạm trên đường, chiếc xe của Cảnh sát 113 khi đó chỉ đeo bám để theo dõi, chứ không chèn ép hay truy đuổi dồn dập. Hành trình “bám đuôi” này kéo dài nhiều km, vòng qua lại nhiều lượt trên địa bàn quận Hai Bà Trưng.

Cho tới khi chiếc xe tải vi phạm đi tới đường Bạch Đằng, tới đoạn gần Cảng Hà Nội, nhận thấy đường vắng, có khả năng chặn bắt, Thượng úy Nguyễn Văn Kiệt khi đó mới vượt xe lên trước, ép lái xe tải phải dừng lại và trấn áp, buộc đối tượng chống đối phải khuất phục.

Hay gần đây, khi đã giữ cương vị Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông, Trật tự, Cơ động của CAQ Hai Bà Trưng, Thượng úy Nguyễn Văn Kiệt đã kiên quyết chỉ đạo xử lý những bãi trông giữ xe không phép phức tạp trên địa bàn, có xuất hiện yếu tố xã hội đen tham gia bảo kê, chống đối.

Bằng thái độ quyết liệt, lực lượng Cảnh sát Trật tự - Cơ động của CAQ đã lập lại trật tự trên địa bàn, đóng cửa những bãi trông giữ xe bất hợp pháp đó, và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi chống đối.

Chia sẻ về người đội trưởng, Trung úy Lý Đình Duy – Tổ trưởng Tổ Cảnh sát 113 số 2, CAQ Hai Bà Trưng – bày tỏ: “Là một trong những chiến sĩ công tác lâu nhất tại đội, tôi có nhiều kỷ niệm khó quên với Thượng úy Nguyễn Văn Kiệt trong những chuyến tuần tra và xử lý công việc. Như trong vụ bắt giữ võ sư gây rối, tôi là tổ viên trong tổ Cảnh sát 113 hôm đó. Có thể nói, anh Kiệt là chỗ dựa tinh thần rất vững chắc cho anh em. Nhờ vậy, trong các vụ việc phức tạp, chúng tôi vẫn kiên định và xử trí hợp tình, hợp lý, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn”.

Trong khi đó, khi nói về công việc của mình, Thượng úy Nguyễn Văn Kiệt chỉ chia sẻ rất ngắn gọn nhưng ý nghĩa: “Chúng tôi là Cảnh sát 113. Khi nào người dân cần hỗ trợ, chúng tôi sẽ luôn có mặt kịp thời. Đó là lời cam kết mà toàn đội khắc cốt ghi tâm!”

(còn nữa)