Sao không đổi sự hằn học đầy rẫy trên Facebook lấy yêu thương...

ANTD.VN -Nói theo kiểu tài chính, đôi lúc tôi cứ nghĩ, bằng một phép màu nào đó, nếu chúng ta có thể quy đổi sự hằn học đầy rẫy trên Facebook lấy yêu thương, kể cả với tỉ giá 10:1 đi, thì chúng ta cũng vẫn sẽ thêm được nhiều yêu thương lắm....

1. Hôm nay, lớp học 10G trường Phổ thông Quốc tế Newton của con trai tôi giao lưu với học sinh của một trường trung học chuyên của Úc, trường Trung Học Nông Nghiệp James Ruse của bang New South Wales. Trước khi các bạn Úc đến, cô trò tất tả kê bàn kê ghế, lắp hệ thống âm thanh, chuẩn bị laptop chiếu clip, tập lại kịch, mang gậy tre ra để dạy các bạn Úc múa sạp, rồi chuẩn bị làm nem, làm bánh dẻo. Trò mướt mải đằng trò... thầy cô mướt mải đằng thầy cô...

2. Khai giảng lớp 1 của con gái tôi, những hình ảnh tôi không bao giờ quên là các bố các mẹ từ đầu đến cuối chuyên cần lom khom giơ điện thoại lên chụp ảnh các con hoặc selfie rồi lúi húi Facebook, thấp thỏm check LIKE. Trong khi đó, trời nắng đột ngột, trường có mái che nhưng vẫn nóng, các cô mặc áo dài, ra sức cầm quạt giấy đi dọc theo hàng xếp của lớp để quạt cho lũ trẻ lớp 1 xúng xính đồng phục, đang háo hức nhìn múa lân, bóng bay....

3. Hôm nay, trong lúc lũ trẻ lớp con trai tôi đang làm bánh, tôi nói chuyện với 2 thầy cô giáo đưa học sinh Úc sang. Họ bảo: Suýt nữa sáng nay chúng tôi phải qua Đại sứ quán Úc, vì hôm qua tưởng một bạn bé trong đoàn mất hộ chiếu... Rồi họ kể những câu chuyện liên quan đến việc mang 15 đứa bé học sinh đi vòng quanh Việt Nam để tham quan học tập, bạn này đau bụng, bạn kia khen đồ ăn Việt Nam ra sao... Bọn trẻ con Úc học trường chuyên, phần lớn là dân gốc Á, mặt sáng quắc, rất thông minh, nhưng có điều lạ là mặc dù toàn gốc Hàn Quốc, Trung Quốc cả, nhưng khi nghe các bạn Việt Nam kể về Moon Cake (bánh trung thu) cũng vẫn ô a lắm... Rồi đến lúc cả hội đổ xô vào làm bánh, múa sạp thì các thầy cô trìu mến đứng dõi theo để xem các bạn có nhảy sạp được không, hoặc có câu hỏi gì không...

4. Khi năm học mới 2017-2018 bắt đầu, có một ông bố viết lên mạng là "Giải tán ban phụ huynh....", dân tình trên cả nước đổ xô vào Like, bình luận ầm ĩ trên mạng xã hội. Mọi người hả hê vào xỉ vả những sai sót trong thu chi của các nhà trường thông qua hội phụ huynh ở một số trường, rồi thừa thắng mở rộng sự hằn học của họ ra toàn quốc.

Người Việt Nam mình trên mạng dạo này làm sao ấy, cái gì đẹp, cái gì hay thì không thích, cứ cái gì xấc xược, trái ngược, và đặc biệt là kể cả khi thông tin chưa hề kiểm chứng đúng sai thì đổ xô vào hoan hô...

Hôm đi họp phụ huynh cho con gái, tôi cảm nhận rõ sự e dè của nhà trường, của cô giáo, của các bạn phụ huynh đang tạm thời làm ban phụ huynh. Chỉ vì một "status" trên mạng của một phụ huynh trong miền Nam, phụ huynh, nhà trường, cô giáo của con gái tôi tận ngoài Hà Nội đã vô hình bị đẩy ra xa nhau.

Ban dự toán thu chi cho lớp mà trong đó liên hoan Trung Thu, liên hoan sinh nhật theo quý cho lũ trẻ được kê chi tiết đến đơn vị 1 nghìn đồng, cũng được đưa ra thảo luận một cách rụt rè ngại ngùng...

Cô giáo chủ nhiệm của con bảo chưa năm nào BGH và các thầy cô căng thẳng khi họp phụ huynh như năm nay. BGH và thầy cô rất ngại khi ra khỏi cửa lớp, có phụ huynh nào tiện tay lại lên Faceboook nói, tôi vừa phải đóng quỹ phụ huynh bao nhiêu...

Tất cả phụ huynh ở lớp con tôi hôm đó còn nợ cô tiền cô ứng ra mua văn phòng phẩm và sách tập viết cho lũ trẻ, mà cô cũng không dám thu luôn, chỉ vì nhà trường không cho thu bất kỳ cái gì ngoài khoản quỹ nhỏ nhoi đã được bàn trước...

Thương cô, thương các con, thương ban phụ huynh...

Tôi kể 4 câu truyện trên để làm gì...

Tôi chỉ muốn nói rằng, về bản chất, quan hệ cô trò là một mối quan hệ thiêng liêng. Ở đâu cũng vậy. Nước ngoài hay Việt Nam. Chính vì vậy, khi ta giải quyết những vấn đề mang tính tài chính của người lớn, ta phải vô cùng thận trọng đừng để ảnh hưởng đến mối quan hệ ấy. Chúng ta luôn muốn thầy cô yêu thương dạy dỗ và quan tâm đến con chúng ta, nhưng chỉ vì những sai phạm của một số trường nào đó, nhiều người sẵn sàng đấu tố lây sang cả các thầy cô của con mình.

Lúc nào cũng nghĩ Ban Phụ huynh thu nhiều tiền, nhưng chúng ta lại luôn đòi con cái mình được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa và giao lưu trong lớp hơn...

Chúng ta sẵn sàng soi mói quỹ phụ huynh vào cuối kỳ, mà không bao giờ biết rằng từ đầu học kỳ, các thầy cô phải ứng tiền túi ra để mua file kẹp, mở kẹp, rổ đứng sách vở cho con chúng ta ngăn nắp... Tại sao mọi người muốn con mình được đi chơi nhiều nơi, nhưng lại hạnh họe đầu năm ban phụ huynh thu ngần đấy tiền để làm gì...

Tôi luôn nghĩ, nhà trường là một nơi đặc biệt và đôi khi ở đó, quan hệ tiền bạc không phải là điều lúc nào cũng chi phối. Tôi nghĩ bản thân các phụ huynh cũng cần có sự điều chỉnh trong suy nghĩ của mình. Thay vì phản đối đóng quỹ nhiều, hãy đến trường cùng trồng cho lũ trẻ vạt hoa, vài cái cây.

Thay vì nghi ngờ các phụ huynh khác hay nhà trường tiêu pha nhiều, mỗi khi lũ trẻ liên hoan, hãy đóng góp một thứ gì đó, kể cả là đến trường cùng thầy cô trang trí cho các con... Thay vì nhao nhao đòi bỏ ban phụ huynh, hãy thử cùng họ và thầy cô tổ chức một chuyến đi dã ngoại cho lũ trẻ xem sao...

Mạng xã hội có thay đổi con người ta không mà sao bây giờ yêu thương nhau khó thế?!

Nói theo kiểu tài chính, đôi lúc tôi cứ nghĩ, bằng một phép màu nào đó, nếu chúng ta có thể quy đổi sự hằn học đầy rẫy trên Facebook, lấy yêu thương, kể cả với tỉ giá 10:1, chúng ta cũng vẫn sẽ thêm được nhiều yêu thương lắm...

Ảnh: Bọn trẻ con tự làm bánh. Tôi mang gấp đôi lượng bột và nhân dự kiến mà bọn nó ăn hết. Lúc đầu thì còn kiên nhẫn làm, lúc sau, có vẻ bọn nó đói, bột ăn riêng, nhân ăn riêng mà cả Úc lẫn Việt đều vẫn gật gù khen ngon... đúng là trẻ con...