Rước bệnh vì quần áo giá rẻ

ANTĐ - Chỉ với vài chục nghìn đồng, người tiêu dùng có thể sở hữu một chiếc áo hai lớp hay áo sơ mi với màu sắc khá bắt mắt. Mặt hàng này dù đang được bán khá chạy tại các chợ ở Hà Nội, song vẫn khiến khách hàng lo ngại về nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Rước bệnh vì quần áo giá rẻ ảnh 1Hàng may mặc Trung Quốc xuất hiện nhiều tại các chợ có giá chỉ vài chục nghìn đồng

Tiền nào của nấy

Quần áo giá rẻ hiện được bày bán khá nhiều tại các chợ chính, chợ cóc, trên vỉa hè nhiều tuyến đường và những khu đất trống. Trung bình giá một chiếc áo thun hay áo khoác mỏng chỉ dao động từ 15.000-20.000 đồng, quần có giá 40.000 đồng, còn áo khoác 2, 3 lớp giá khoảng 80.000 đồng. Không chỉ quần áo người lớn mà đồ may mặc dành cho trẻ em đủ kiểu dáng và màu sắc bắt mắt song cũng có giá siêu rẻ, chỉ vài chục nghìn đồng một bộ. Theo những người bán hàng, các loại quần áo này có mức giá thấp vì là hàng công ty thanh lý do bị lỗi. Tuy vậy, hầu hết sản phẩm không có nhãn mác, đường may rất cẩu thả, được làm từ chất liệu dễ bai nhão và phai màu. Thậm chí, một số chiếc áo, quần còn nồng nặc mùi thuốc nhuộm. 

Chị Vũ Thị Hà ở đường Hồng Hà, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - người thường xuyên mua quần áo tại chợ Đồng Xuân cho biết, do nhà có hai con nhỏ, chị thường chọn mua những loại quần áo rẻ tiền để tiết kiệm chi phí. “Tôi biết hàng rẻ tiền chủ yếu là hàng Trung Quốc, có nguy cơ gây hại cho sức khỏe nhưng dù sao đây cũng là vật ngoài thân, nếu có ảnh hưởng cũng chẳng đáng kể, miễn mua về giặt sạch là được. Hàng may mặc trong nước tuy bền hơn song giá khá cao nên không phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều hộ gia đình” - chị Hà chia sẻ.

Là người nhận may quần áo cho khách gần 10 năm nay, chị Hoàng Thanh Loan - chủ một hiệu may trên phố Ngọc Lâm, quận Long Biên cũng tỏ ra khá ngạc nhiên với  giá của nhiều mặt hàng may mặc tại các chợ. “Giá siêu rẻ như vậy thì vải dùng để may chỉ có thể là vải rẻ tiền, chất lượng thấp. Song điều đáng nói là, hiện không ít người mua hầu như không quan tâm về xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm mà chỉ chú ý đến kiểu dáng, màu sắc và mức giá. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em mà còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với sản phẩm may mặc trong nước” - chị Loan bày tỏ quan điểm.

Có thể gây vô sinh

Cách đây không lâu, thông tin hàng dệt may của Trung Quốc bị phát hiện chứa hàm lượng formaldehyde (chất có nguy cơ gây ung thư) cao quá mức cho phép khiến không ít người dân Việt lo lắng. Năm 2013, tổ chức GreenPeace (Hòa Bình xanh) sau khi đem 85 mẫu quần áo trẻ em “made in China” đi kiểm nghiệm đã phát hiện trong các mẫu này có chứa nhiều chất gây hại đối với sức khỏe, làm rối loạn và phá hủy hormone, gây vô sinh như NPE, antimon và Phthalates. Những thông tin này khiến nhiều người tiêu dùng giật mình và tỏ ra khá thận trọng khi mua quần áo có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, với ưu thế giá rẻ, mẫu mã đẹp, mặt hàng này vẫn được tiêu thụ khá mạnh trên thị trường. 

Về quy định hiện hành liên quan đến hàng may mặc, luật sư Nguyễn Thành Trung - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Thông tư 32/2009/TT-BCT ngày 5-11-2009 của Bộ Công Thương quy định về giới hạn cho phép đối với hàm lượng formaldehyde, các amin thơm có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo trong các điều kiện khử trên sản phẩm dệt may được sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trên thị trường Việt Nam. Quy định là vậy, song việc phát hiện, xử lý cá nhân sản xuất kinh doanh hàng may mặc kém chất lượng không đơn giản, một phần do sự tiếp tay của người tiêu dùng, một phần do quy trình kiểm định khá phức tạp. 

“Tiền nào, của nấy”, ham rẻ dễ phải hàng rởm, hàng kém chất lượng. Để bảo vệ sức khỏe, người tiêu dùng nên chọn mua những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng may mặc kém chất lượng, đồng thời đưa ra những cảnh báo, cách phân biệt để người tiêu dùng có thể nhận biết và kiên quyết nói không với những sản phẩm có chứa chất độc hại.