RMIT hợp tác nghiên cứu và đào tạo với Đại học Quốc gia Hà Nội

ANTD.VN -RMIT Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội vừa ký biên bản ghi nhớ trong tuần qua cùng nhau đẩy mạnh hợp tác trong một số lĩnh vực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Các nội dung hợp tác gồm nâng cao chất lượng giáo dục và năng lực lãnh đạo tại Việt Nam; thực hiện các dự án hợp tác nghiên cứu; trao đổi chuyên môn, chuyên gia nghiên cứu, nhân viên bộ phận nghiên cứu và quản lý hành chính khác; trao đổi người hướng dẫn nghiên cứu sinh và nghiên cứu sinh;thực hiện các buổi giảng và tổ chức các hội thảo học thuật; phát triển các hoạt động giáo dục kỹ thuật số; đẩy mạnh hợp tác trong các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khác mà đôi bên cùng thỏa thuận.

Đại diện hai bên thực hiện ký kết hợp tác phát triển nâng cao chất lượng đào tạo

Hiệu trưởng Đại học RMIT Việt Nam Giáo sư Gael McDonald cho biết: “Định hướng của chúng tôi trong tiếp tục duy trì chương trình đào tạo chất lượng cao là đầu tư nhiều hơn nữa vào các nguồn lực nhằm nâng cao kiến thức, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu trên diện rộng nhằm bắt kịp những thách thức mới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, tối đa hóa cơ hội mới vì lợi ích của người dân Việt Nam cũng như các quốc gia khác. Chính vì vậy, buổi ký kết Biên bản ghi nhớ giữa hai trường hôm nay biểu đạt cho quan hệ đối tác mà chúng tôi tin tưởng sẽ đưa đến nhiều dự án hợp tác nghiên cứu và đào tạo, tạo ra giá trị học thuật và cộng hưởng mới cho cả RMIT Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội trong những năm tới”.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Giáo sư Nguyễn Hoàng Hải đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa hai trường trong thời gian qua, nổi bật là việc thành lập Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục. Giáo sư tin rằng việc ký kết thỏa thuận hợp tác sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới, bao gồm hợp tác trong các dự án nghiên cứu và giáo dục cũng như ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giáo dục và quản lý.

Giáo sư mong rằng hai trường sớm triển khai các hoạt động hợp tác nhằm xây dựng những chương trình giáo dục và nghiên cứu khoa học chất lượng. Biên bản ghi nhớ sẽ có hiệu lực 5 năm kể từ ngày ký.