Quyết không làm người vô dụng

ANTD.VN - Sinh ra lành lặn, nhưng càng lớn Trường càng quắt lại. Đến một ngày tứ chi bất toại, Trường tưởng như cuộc đời đã đóng sập cánh cửa với mình. Nhưng ý chí đã giúp Trường tự mở cánh cửa khác để sống vững vàng giữa cuộc đời.

Tập viết vì mưu sinh

Ở xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ - Hà Nội), thầy giáo Phùng Văn Trường là một người nổi tiếng. Nhiều người biết và khâm phục thầy ở ý chí vượt lên số phận. Năm 1979, cậu bé Trường ra đời kháu khỉnh như những đứa trẻ khác. Lên 3 tuổi, Trường bắt đầu có những triệu chứng khác thường. 6 tuổi học lớp 1, dù chân vẫn đi được nhưng rất chậm và yếu, tay dù vẫn cầm được bút nhưng run rẩy viết chữ chẳng thành. Là con đầu trong gia đình có 5 anh chị em, bố mẹ phải vay mượn đưa đi bệnh viện nhưng bác sĩ kết luận Trường mắc phải căn bệnh “thoái hóa cơ tiến triển”. Đến khi học THCS, trường cách nhà xa hơn, cậu bé ấy không còn lê được đôi chân nữa. Cha mẹ thương con nên bắt nghỉ học, Trường lăn ra khóc. Người cha phải ngậm ngùi cõng con đi học suốt những tháng ngày tiếp theo. 

Khi học hết lớp 8, hoàn cảnh và bệnh tật không cho phép Trường tiếp tục đến lớp. Phùng Văn Trường bảo mẹ mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở đầu thôn để bán phụ giúp gia đình. Nhưng khi bán hàng, bao nhiêu chuyện nảy sinh. “Ở vùng quê nghèo người dân làm gì có sẵn tiền để mua. Có khi chỉ gói mì tôm hay vài củ hành cũng phải mua chịu. Vài người mua thì nhớ được rõ, chứ nhiều người thì không nhớ nổi. Mình sợ không ghi vào sổ thì sẽ nhớ nhầm nên quyết tâm phải viết. Viết bằng tay, bằng chân thì không được rồi. Chỉ có miệng là còn ngậm được bút”, thầy Trường cho hay.

Thế nhưng việc viết bằng miệng không đơn giản, mới chỉ ngậm bút vào chưa kịp viết chữ thì đã nôn. Ròng rã tập cả tháng trời, không biết Trường nôn bao nhiêu lần. Những nét chữ đầu tiên nguệch ngoạc không đúng hàng đúng lối. Nhưng chỉ một thời gian sau, chữ đã có nét thanh nét đậm, thẳng tăm tắp như người lành lặn viết bằng tay. Ai đến mua hàng cũng tấm tắc khen. Chẳng ngờ quán tạp hóa bé xíu ấy lại trở thành trường học cho một người đã mất hết hy vọng.

Quyết không làm người vô dụng ảnh 2Những nét chữ thầy Trường viết bằng miệng

Đem lại niềm tin và nghị lực

Năm 2010, vô tình Trường thấy vở viết của một học sinh với những nét chữ xiêu vẹo nên muốn phụ đạo rèn chữ cho học sinh này. Sau 2 tháng, cậu học sinh ấy tiến bộ rõ rệt. Chữ không những đẹp mà vở còn sạch sẽ, ngay ngắn.

Tiếng lành đồn xa, nhiều phụ huynh trong xã đến nhờ Trường kèm cặp con em. Trường đồng ý nhưng với điều kiện không lấy học phí. Lớp của Trường lúc đông lên tới vài chục học sinh, anh phải chia nhỏ ra thành vài nhóm cho dễ dạy. “Em nào chữ xấu thì mình rèn cho viết chữ. Mình cứ dùng miệng viết các chữ cái mẫu để các em viết theo. Em nào chưa thạo đọc chữ, thì mình luyện cho các em tập đọc. Các em yếu môn Toán, thì mình rèn các phép tính để các em quen dần. Mình không dám nhận là thầy, nhưng người làng cứ gọi là thầy nên tự dưng quen danh xưng ấy từ lúc nào chẳng biết”, thầy Trường tâm sự.

Đến nay, hàng trăm học sinh yếu kém ở xã Nam Phương Tiến đã được thầy Trường kèm cặp, phụ đạo. Nhiều em trong số đó trở thành học sinh giỏi. Có em đi thi vở sạch chữ đẹp, có em đi thi học sinh giỏi Toán. Dù có đạt thành tích hay không, thì với Trường, sự cứng cáp của các em là điều làm anh hạnh phúc nhất. Thầy Trường nhận xét: “Nét chữ nết người, ông cha ta vẫn dạy vậy. Tôi có quan sát rất tỉ mỉ, lúc học sinh viết chữ xấu đến khi luyện được chữ đẹp thì tính cách khác biệt hoàn toàn. Bao giờ các em viết chữ đẹp cũng ngoan ngoãn, dễ bảo và nhận thức tốt hơn”.

Với thầy giáo Phùng Văn Trường, ngoài các em học sinh thì gia đình là một hạnh phúc lớn. “Ông trời không lấy đi hết của người ta thứ gì cả. Tuy tôi không được lành lặn nhưng tôi có gia đình và một đứa con lành lặn, thông minh. Cháu là chân, là tay, là tương lai của tôi”, thầy Trường xúc động kể.

Năm 2012, cô gái xã bên là Ngô Thị Hường cảm động trước việc làm cao đẹp của thầy Trường nên đã kết hôn với anh. Đôi bạn trẻ đã sinh được một bé trai. Anh đặt tên con là Phùng Thiên Trường Quảng với ý tạ ơn ông trời đã cho anh một đứa con lành lặn. Chị Hường, vợ anh nói: “Ai cũng bảo tôi dại mới lấy người chồng tật nguyền. Nhưng tôi nghĩ, tật nguyền thì cũng có quyền được yêu. Anh ấy tuy không làm được việc gì có thể kiếm ra tiền, nhưng việc dạy học của anh ấy cũng rất cao cả. Anh giúp người khác có được kiến thức, niềm tin và ý chí”. Đúng như chị Hường nói, việc làm của thầy giáo Phùng Văn Trường dù nhỏ, nhưng đã và đang đem lại cho rất nhiều người niềm tin và nghị lực để cuộc sống có thêm những bông hoa đẹp.